Chuyện lạ về… nhóm máu

Chủ Nhật, 09/09/2018, 13:38
Có lẽ mọi người trong chúng ta chỉ nghĩ đến loại máu khi cần phải truyền máu nhưng người Nhật Bản tin rằng, tính cách con người liên quan chặt chẽ với nhóm máu. Do đó ở đất nước này, nhóm máu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, tình yêu và công việc làm bởi vì nó được cho là yếu tố quyết định liên quan đến tính cách và năng lực của một cá nhân.

Máu hiếm chạy đua với thời gian

Một nhóm máu sẽ được xem là hiếm khi có ít hơn 1 người trong số 1.000 người sở hữu chúng và một trong những nhóm máu hiếm nhất chính là nhóm máu có Rh-null – thiếu tất cả kháng nguyên trong hệ thống Rh.

Hiện nay, thật sự chỉ có duy nhất 9 người hiến loại máu này trong cả cộng đồng hiến máu hiếm, cũng tức là trên toàn thế giới chỉ có 9 người. Nếu bạn mang nhóm máu có Rh-null, ắt số người biết đến tên của bạn sẽ nhiều hơn những người có cùng nhóm máu với bạn. Trong khi đó, chỉ cần bạn nhận phải máu có chứa bất kỳ kháng nguyên nào, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công những tế bào hồng cầu đó.

Bà Sandra Nance.

Như vậy, có tổng cộng 20 hệ thống kháng nguyên có khả năng gây phản ứng truyền máu cho những ai mang nhóm máu cực hiếm này. Tuy nhiên, có thể nói những bệnh nhân cần truyền máu hãy vẫn cứ yên tâm.

Trong năm 2012 có đến hàng chục triệu ca truyền máu trên toàn nước Mỹ nhưng chỉ có khoảng vài chục trường hợp tử vong liên quan đến truyền máu được báo cáo lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Các bác sĩ luôn rất cẩn trọng để chắc chắn rằng máu được truyền vào là thích hợp cho bệnh nhân. Nhưng làm sao họ có thể chắc chắn được điều này ngay cả khi không biết hết tất cả các kháng nguyên đang tồn tại trên thế giới?

Trước khi thực hiện truyền máu, các kỹ sư phòng thí nghiệm sẽ trộn một mẫu máu của bệnh nhân với mẫu máu của người hiến mang nhóm máu thích hợp và nếu như chúng kết khối thì loại máu này không an toàn để truyền vào bệnh nhân. Sandra Nance – nữ lãnh đạo Chương trình Người hiến tặng máu hiếm Mỹ (ARDP) - chia sẻ: “Vào thời điểm bạn phát hiện ra điều này, chính bạn cũng không thể hiểu vì sao”.

Việc tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên vấn đề cũng giống như khi ta tham gia trò chơi giải ô chữ. Nance giải thích: “Bạn kiểm tra nhiều người hiến đã biết nhóm máu từ trước và phát hiện ra nhân tố góp phần làm nên sự không tương thích này chỉ với một quy trình loại trừ”.

Đây cũng chính là quy trình đã cứu sống một bé mới sinh ở Australia. Các kỹ sư trong phòng thí nghiệm đã kiểm tra máu của bào thai và biết được những kháng nguyên mà họ cần phải tránh. Song, họ vẫn không thể biết được mẫu máu tương thích hiện đang ở đâu trên thế giới rộng lớn này.

Chính vì vậy, các kỹ sư đã gửi yêu cầu máu hiếm đến tổ chức quốc tế được lập ra dành riêng cho những tình huống như thế này: Phòng thí nghiệm chuyên giải quyết vấn đề về nhóm máu quốc tế (IBGRL) tại Bristol, Anh. IBGRL đã tra cứu trong số hàng trăm nghìn người hiến có nhóm máu hiếm trên toàn thế giới để có thể tìm ra loại máu tương thích.

Trong suốt 30 năm qua, quá trình trao đổi máu trên phạm vi toàn thế giới đã dần được tiêu chuẩn hoá trong những kì đại hội mỗi 2 năm của Hiệp hội Truyền máu Quốc tế (ISBT).

Trong 2 năm qua, có ít nhất 241 túi máu hiếm được vận chuyển trên toàn thế giới và số lượng ngày một tăng. Chỉ riêng tại Mỹ, vào năm 2011, đã có hơn 2.000 đơn vị máu được chia sẻ trong nước. Có thể nói, để đạt được thành tích ấn tượng này cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Tuy nhiên, mặc dù các chương trình hiến tặng máu hiếm đã tạo được một nguồn cung cấp to lớn và có thể vận chuyển máu hiếm nhanh chóng nhưng vẫn chưa thể đảm bảo cho nhu cầu của tất cả bệnh nhân.

Hình minh họa trên máy tính các tế bào hồng cầu trong mạch máu.

Cho đến nay, Chương trình Hiến tặng Máu hiếm Mỹ đã ghi nhận được 45.000 người hiến trong cơ sở dữ liệu nhưng vẫn còn 5% bệnh nhân cần được truyền máu không thể tiếp cận được với nhóm máu họ cần.

Về những khó khăn để duy trì những người hiến đã đăng ký, Coral Olsen - nhà khoa học phụ trách ngân hàng máu địa phương tại Châu Phi - chia sẻ: “Bởi vì rất nhiều người hiến máu hiếm hiện đang sinh sống tại nông thôn nên chúng tôi thường không thể liên lạc được với họ. Vì vậy, đây chính là thử thách lớn, chúng tôi phải theo dõi để cập nhật và duy trì thông tin liên lạc của những người hiến máu hiếm này”.

Phòng thí nghiệm của các quốc gia phải có kho chứa mẫu máu nếu muốn thực hiện chương trình kiểm tra kháng nguyên chi tiết. Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phát triển, nơi mà mẫu thử ban đầu không phải lúc nào cũng có sẵn, thường gặp rất nhiều khó khăn ngay từ những bước đầu tiên của quá trình phân loại và tạo nguồn máu hiếm. Hơn nữa, để nhập về những nhóm máu hiếm từ nước ngoài tiêu tốn rất nhiều chi phí, đặc biệt đối với những bệnh nhân cần truyền máu mãn tính.

Trong những trường hợp bất đắc dĩ như vậy, các chuyên gia y tế thường phải dùng những loại máu không tương thích nhưng dường như không gây ra những phản ứng mạnh nguy hiểm cho cơ thể.

Một ngày nào đó, các đột phá trong khoa học có thể sẽ giúp chúng ta tiếp cận được máu hiếm một cách dễ dàng hơn. Các nhà di truyền học đang nghiên cứu những phương pháp kiểm tra nhóm máu bằng ADN mà không cần đến mẫu máu và cho đến nay quy trình này vẫn chỉ hiệu quả trên một số kháng nguyên nhất định.

Sandra Nance hy vọng đến một thời điểm trong tương lai, toàn bộ trẻ em khi sinh ra đều sẽ được kiểm tra nhóm máu để từ đó ngân hàng máu có thể xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất về tất cả các nhóm máu hiếm, giúp quá trình tìm kiếm máu hiếm thích hợp diễn ra nhanh chóng hơn. Trong lúc đó, các nhà hóa sinh sẽ cố gắng thử nghiệm các loại hóa chất có khả năng “cải trang” các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu, biến chúng thành những tế bào máu “tàng hình” nhưng vẫn giữ nguyên chức năng như bình thường.

Tuy nhiên, từ nay cho đến khi khoa học tìm ra lối đi mới, các nhà nghiên cứu vẫn phải ngày đêm tìm ra từng loại kháng nguyên như thể bề mặt tế bào hồng cầu là một bức tranh hỗn độn và nhiệm vụ của họ là tập trung tìm ra những điểm khác biệt tinh vi nhất mà chưa ai phát hiện ra trước đó. Đối với các nhà khoa học và những bệnh nhân mang trong mình máu hiếm mà nói thì những điểm khác biệt này có thể vô cùng rắc rối.

Song, chính những điểm khác biệt này sẽ nhắc nhở chúng ta về đặc trưng riêng của mỗi người. Với hàng trăm kháng nguyên có thể tồn tại và hàng nghìn sự kết hợp có thể xảy ra giữa các loại kháng nguyên này, máu của bạn có thể là độc nhất vô nhị, cũng như dấu vân tay vậy.

Máu của con người cũng mang những khác biệt đặc trưng như dấu vân tay.

Nhóm máu có liên quan đến tính cách, số phận?

Có lẽ mọi người trong chúng ta chỉ nghĩ đến loại máu khi cần phải truyền máu nhưng người Nhật Bản tin rằng, tính cách con người liên quan chặt chẽ với nhóm máu. Do đó ở đất nước này, nhóm máu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, tình yêu và công việc làm bởi vì nó được cho là yếu tố quyết định liên quan đến tính cách và năng lực của một cá nhân.

Ở Nhật Bản, câu hỏi đầu tiên thường được nghe từ người tuyển dụng nhân sự là: Anh (chị) mang nhóm máu nào? Người Nhật Bản tin những người mang nhóm máu A là những người cầu toàn và phối hợp làm việc rất ăn ý với nhau song lại quá lo lắng. Những người có nhóm máu O thì tò mò và hào phóng song lại bướng bỉnh. Nhóm máu AB có chất nghệ sĩ hơn nhưng lại bí ẩn và khó dự đoán. Và, nhóm máu B đặc trưng cho tính tình lập dị, cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ.

Khoảng 40% dân số Nhật Bản có nhóm máu A và 30% sở hữu nhóm O, trong khi chỉ có 20% là nhóm B, và AB chiếm 10% còn lại. Ở Nhật Bản, có 4 cuốn sách mô tả các nhóm máu được xuất bản và bán được hơn 5 triệu bản. Các chương trình truyền hình và báo chí Nhật Bản cũng thường đề cập đến câu chuyện về sự ảnh hưởng của nhóm máu đến đời người và bàn luận về sự tương thích trong quan hệ theo nhóm máu.

Nhiều câu lạc bộ kết bạn cung cấp thông tin về nhóm máu của các thành viên; cũng như phim hoạt hình (anime), truyện tranh (manga) và video game của Nhật Bản hay đề cập đến nhóm máu của nhân vật. Ngay đến sản phẩm tiêu dùng - như nước giải khát không cồn, kẹo cao su, muối tắm và thậm chí bao cao su - cũng được phân loại theo nhóm máu để bán! Tuy nhiên, các nhóm máu thật ra chỉ đơn giản được xác định theo các protein trong máu.

Mặc dù, các nhà khoa học thường cố gắng phá bỏ niềm tin vô căn cứ này song nó vẫn phổ biến ở đất nước Nhật Bản hiện đại. Lý do là trong một xã hội tương đối đồng nhất và không thay đổi, nhóm máu được sử dụng như là cơ sở để phân biệt rạch ròi các nhóm người khác nhau.

Chỉ đến năm 1901, hệ thống nhóm máu ABO mới được khám phá nhờ công lao của nhà khoa học người Áo tên là Karl Landsteiner. Phát hiện giúp giành được giải Nobel của Landsteiner đã dẫn đến kỹ thuật truyền máu cho bệnh nhân được an toàn hơn. Về sau, giới lý luận về thuyết ưu sinh (eugenics) của Đức Quốc xã đã lợi dụng nghiên cứu của Karl Landsteiner để dựng lên hệ tư tưởng gọi là “chủng tộc thượng đẳng”.

Các bác sĩ luôn rất cẩn trọng để chắc chắn rằng máu được truyền vào là thích hợp cho bệnh nhân.

Trong Chiến tranh thế giới lần 2, chính quyền quân phiệt Nhật cũng tận dụng thuyết ưu sinh để huấn luyện binh sĩ và thậm chí thành lập những đội quân chiến đấu theo các nhóm máu. Nghiên cứu về nhóm máu ở Nhật Bản gây tiếng vang với sự xuất bản một cuốn sách của tác giả Masahiko Nomi - người không có chuyên môn y khoa - vào thập niên 70 thế kỷ trước.

Mới đây nhất, Toshitaka - con trai của Masahiko Nomi và lãnh đạo Viện Nhóm máu người (BTH) - tiếp tục cho ra đời một loạt sách quảng bá về các nhóm máu. Toshitaka giải thích mục đích của ông không nhằm phán xét hay công thức hóa con người, mà đơn giản là chỉ ra tài năng của người nào đó và cải thiện mối quan hệ giữa con người với nhau.

Đội bóng mềm (softball) nữ mang về huy chương vàng Thế vận hội Bắc Kinh cho Nhật Bản được huấn luyện theo nhóm máu. Một số nhà trẻ ở Nhật Bản sử dụng phương pháp dạy theo nhóm máu và thậm chí các công ty lớn cũng quyết định vị trí công việc tùy theo nhóm máu của nhân viên.

Năm 1990, tờ Asahi Daily đưa tin Công ty điện tử nổi tiếng Mitsubishi Electronics của Nhật Bản thông báo thành lập một đội nhân sự gồm toàn nhóm máu AB do tin vào “năng lực lập kế hoạch của họ”.

Niềm tin vào nhóm máu của người Nhật Bản cũng tác động đến giới chính khách. Tháng 7-2011, Bộ trưởng Bộ Tái thiết Ryu Matsumoto buộc phải từ chức chỉ sau một tuần đảm nhận chức vụ mới, khi cuộc đối đầu nảy lửa giữa ông với các quan chức địa phương bị đưa lên truyền hình. Trong bài diễn văn từ chức, Ryu Matsumoto đổ lỗi cho sự thất bại là do ông có nhóm máu B! Nhóm máu đôi khi cũng gây ra định kiến và phân biệt đối xử.

Có nhiều báo cáo về tình trạng phân biệt đối xử đối với hai nhóm máu B và AB dẫn đến việc trẻ em bị bắt nạt, trêu chọc, còn người lớn thì mất cơ hội xin việc làm hay buộc phải chấm dứt mối quan hệ bạn bè từng tốt đẹp. Ở phương Tây, 85% dân số có nhóm máu O và A, nhưng ở Ấn Độ và châu Á nhóm B luôn vượt trội. Nhưng, theo giáo sư Maekawa, Nhật Bản là ngoại lệ vì người dân nước này hội đủ nhiều nhóm máu khác nhau.

Giáo sư Maekawa cho biết, ông thuộc nhóm máu B - nhóm máu bị “kỳ thị” ở Nhật Bản vì nó đặc trưng cho tính cách quá cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ nhưng ông nhấn mạnh không có cơ sở khoa học nào cho điều đó cả. Tại một bệnh viện hiện đại ở Nhật Bản nơi có nhiều người đến hiến máu, Giám đốc Akishko Akano cho biết ông không hề quan tâm đến hình ảnh tiêu cực của nhóm máu nào đó và không hề ngăn cản những người có nhóm máu B và AB đến hiến máu.

Akishko Akano cho biết vấn đề lớn nhất trong xã hội già hóa nhanh của Nhật Bản là thuyết phục những người trẻ tuổi đến bệnh viện hiến máu. Máu của một phụ nữ trẻ tên là Masako thuộc nhóm AB hiếm gặp - chỉ 10% dân số Nhật Bản sở hữu loại này. Nhưng, Masako đã đến bệnh viện hiến máu 8 lần bất chấp định kiến về nhóm máu AB.

An An (tổng hợp)
.
.
.