Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng đáng báo động

Thứ Tư, 14/11/2018, 08:24
Dù đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng đến nay, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) tại TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, có những vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, gây ra những tổn hại lớn về thể chất và tinh thần cho nạn nhân, thậm chí nhiều nạn nhân đã mất mạng oan uổng.


BLGĐ không chỉ làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp mà còn làm suy giảm sự bền vững, gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và an ninh trật tự. 

Những con số "biết nói"

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP Hồ Chí Minh, trong 10 năm qua (tính từ giữa năm 2009 đến tháng 6-2018), số vụ BLGĐ có giảm nhưng tính chất, hành vi ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Cụ thể, toàn thành phố đã xảy ra 1.877 vụ BLGĐ. 

Điều đáng chú ý là hơn 1.400 số vụ tập trung tại khu vực nội thành. Trong đó bạo lực thân thể chiếm tới 61,4% (1.152 vụ), bạo lực tinh thần chiếm 30,8% (578 vụ), gần 7% về kinh tế và hơn 1% về tình dục; nạn nhân nữ trong các vụ BLGĐ chiếm đến 86%. 

Về công tác xử lý vi phạm, theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, từ năm 2009 đến năm 2016 có 963 vụ liên quan đến BLGĐ, với 981 người vi phạm pháp luật và 997 nạn nhân; trong đó có 783 vụ xử phạt hành chính với số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng…

Đáng chú ý, TAND TP Hồ Chí Minh và tòa án các quận, huyện đã tổ chức xét xử 2.426 vụ án có liên quan đến BLGĐ, số vụ án tăng dần theo từng năm. Công tác xét xử cho thấy nạn nhân đa phần là nữ, họ chịu đựng đủ các hình thức bạo lực, phần lớn hình thức là bạo lực thân thể. Ngoài ra, họ còn bị bạo lực tinh thần và tình dục với những mức độ khác nhau. 

Bạo lực gia đình đang có xu hướng ngày càng trở nên nghiêm trọng (hình minh họa).

Từ những số liệu trên, có thể thấy tình trạng BLGĐ diễn ra với mức độ đáng báo động. Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng những số liệu trên các báo cáo chỉ là để… tham khảo bởi phần lớn các vụ BLGĐ đã bị ém hoặc lờ đi. Thực tế dư luận xã hội gần đây thường xuyên thấy bàng hoàng và phẫn nộ khi nhiều vụ án mạng xuất phát từ BLGĐ được các cơ quan chức năng điều tra và xử lý. 

Cuối tháng 9 vừa qua, ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh xảy ra vụ án mạng thương tâm khi người chồng là Võ Đình Hùng (55 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đã sát hại chính vợ mình là bà N.T.L (51 tuổi) sau khi có mâu thuẫn với nhau. 

Tại cơ quan Công an, Hùng khai nhận hành vi phạm tội. Theo đó, Hùng và bà L. (có với nhau con gái 21 tuổi). Cả gia đình sinh sống ở ngôi nhà tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Gần đây, cả hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn tới cự cãi lớn tiếng. 

Tối 20-9, Hùng và bà L. tiếp tục xảy ra cự cãi. Trong lúc tức giận, Hùng đã dùng dao đâm nhiều nhát vào phần mặt, vai, tay… vợ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. 

Gây án xong, Hùng lấy chiếc xe máy BKS 92N8-7063 đi từ nhà mình về tỉnh Quảng Nam để bỏ trốn, nhưng đi dọc đường suy nghĩ lại nên Hùng đã đến Công an TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đầu thú. Đến ngày 25-9, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành di lý Hùng về TP Hồ Chí Minh để phục vụ việc điều tra.

Cần nhiều giải pháp thiết thực để kéo giảm nhanh số vụ BLGĐ.

Cũng bị mất mạng oan uổng do bị người chồng sát hại là chị N.T.M.T (35 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Theo đó, rạng sáng ngày 5-9-2018, chị T. xảy ra mâu thuẫn với chồng là Nguyễn Văn Hiền (35 tuổi) tại căn nhà ở ấp 1, xã Bình Hưng. 

Trong lúc cự cãi, Hiền đã dùng hung khí đâm nhiều nhát khiến chị T. tử vong tại chỗ. Sau đó, Hiền ôm đứa con gái mới 8 tháng tuổi chốt chặt cửa cố thủ trong nhà. Đến 5h30 sáng, Hiền mới đưa con gái 8 tháng ra ngoài. Tuy nhiên, khi vừa đưa con ra, Hiền liền dùng hung khí tự vẫn và bị thương tích. 

May mắn hơn hai người phụ nữ trên, chị T.T.T.M. (35 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, trú huyện Bình Chánh) vẫn giữ được mạng sống sau khi bị chồng là Trương Văn Khanh (38 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, trú huyện Bình Chánh) dùng dao đâm nhiều nhát vào người… 

Theo kết quả điều tra, chị M. và Khanh cùng rời quê lên TP Hồ Chí Minh để kiếm việc làm và thuê phòng trọ ở ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Trước khi xảy ra vụ án, Khanh nghi ngờ vợ có nhân tình nên thường xuyên gây gổ với nhau. 

Qua những vụ việc kể trên cho thấy, phụ nữ là đối tượng hứng chịu BLGĐ nặng nề nhất. Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê của Việt Nam và Liên hiệp quốc thực hiện, công bố vào đầu năm 2018, có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức BLGĐ.

Nhân rộng những mô hình phòng, chống BLGĐ hiệu quả 

Cũng cần nhìn nhận là tình trạng BLGĐ có thể xảy ra trong mối quan hệ gia đình. Chẳng hạn như: Bạo lực giữa chồng và vợ; bạo lực giữa cha mẹ và con cái; bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau… Trong đó, tình trạng bạo lực giữa chồng đối với vợ là dạng phổ biến nhất trong xã hội hiện nay.

Theo thông tin từ Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính gây ra tình trạng BLGĐ thường do các thành viên thiếu kỹ năng xử lý các tranh chấp, mâu thuẫn gia đình, do tệ nạn xã hội thâm nhập vào các gia đình. 

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự suy giảm về vấn đề đạo đức, sự gắn kết với nhau... Nhưng nguyên nhân lớn nhất là do bất bình đẳng giới trong gia đình, xuất phát từ nếp sống gia trưởng cố hữu của người đàn ông, nếp cam chịu của người phụ nữ vẫn tồn tại ở một số nơi. 

Cùng với đó, vấn đề BLGĐ thường được mặc định là chuyện nội bộ, người ngoài ít can thiệp, thậm chí cả những người có chức năng. Tâm lý e ngại, nhẫn nhịn cho qua, lo sợ bị chê cười của chính nạn nhân và cả những người đã biết chuyện, khiến các vụ BLGĐ chỉ được phát hiện khi đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân, gây nhức nhối trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. 

Cán bộ kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường tại căn nhà của vợ chồng Nguyễn Văn Hiền.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (2008 - 2018) do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 25-10-2018, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh cho biết: "10 năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật triển khai quyết liệt ngay khi Luật Phòng, chống BLGĐ được ban hành, nhất là những địa bàn trọng điểm". 

TP Hồ Chí Minh đã lồng ghép Luật Phòng, chống BLGĐ trong tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như: gia đình văn hóa của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"…

Bên cạnh việc tuyên truyền mạnh mẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thành phố còn nhân rộng những mô hình phòng, chống BLGĐ hiệu quả trong thực tiễn. Theo Ban Chỉ đạo công tác gia đình TP Hồ Chí Minh, tất cả 322 phường, xã, thị trấn của thành phố hiện nay đều có ban chỉ đạo công tác gia đình. 

Toàn thành phố có gần 1.630 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, hơn 230 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, hơn 1.740 nhóm phòng, chống BLGĐ tại các phường, xã, thị trấn. Gần 1.060 tổ tư vấn, 5.500 tổ hòa giải cơ sở và hơn 1.140 địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Cũng tại hội nghị này, nhiều ý kiến đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong Luật Phòng, chống BLGĐ cũng như các văn bản liên quan để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ. 

Theo đó, Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ VH-TT&DL ban hành chính thức Quy trình xử lý BLGĐ, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể và phân công rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong can thiệp và xử lý. 

Nguyễn Văn Hiền đã sát hại vợ sau khi cự cãi nhau.

Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống BLGĐ. Cụ thể là thêm các hành vi bạo lực trong quan hệ vợ chồng như: ép buộc mang thai, sinh nhiều con so với quy định, ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi. 

Thay quy định "phải có đơn của nạn nhân BLGĐ" bằng quy định khác phù hợp, thuận lợi hơn trong công tác kiểm tra, xử lý... để có cơ sở để xác định hành vi BLGĐ cũng như bảo vệ nạn nhân.

Đặc biệt, bà Trần Thị Thái, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị không nên phân biệt BLGĐ với các bạo lực khác mà cần có luật về phòng, chống bạo lực nói chung, trong đó có BLGĐ để đồng bộ, phù hợp hơn với Luật Hình sự, Luật Hành chính cũng như các quy định của pháp luật hiện nay.  

Ở cấp độ lãnh đạo thành phố, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng… Bên cạnh đó, cần phát huy và nâng cao ý thức của người dân tại cộng đồng trong cung cấp, phát hiện và hỗ trợ tại chỗ khi xảy ra các vụ BLGĐ...

Phú Lữ
.
.
.