Xứ Thanh đấu tranh quyết liệt với tội phạm tham nhũng
Trong 3 năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã truy tố 103 vụ với 271 bị can liên quan tới các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, gây thiệt hại hơn 213 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Công an Thanh Hóa đã phát hiện 14 vụ, liên quan đến 42 đối tượng, trong đó khởi tố 11 vụ, 28 bị can về tội tham nhũng. Trong tổng số tài sản thiệt hại do các vụ án tham nhũng là hơn 58 tỷ đồng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực thu hồi gần 52 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, tính đến thời điểm đầu tháng 12/2022, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt gần 49.000 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội thì ANTT trên địa bàn Thanh Hóa thời gian qua cũng có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là tội phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng. Việc đấu tranh với tội phạm tham nhũng đòi hỏi sự quyết liệt, can trường, bởi đối tượng tham nhũng tiêu cực được phát hiện chủ yếu là cán bộ, đảng viên, người có chức vụ quyền hạn, có kiến thức về quản lý nhà nước, có mối quan hệ rộng. Ngoài ra, các đối tượng thường tổ chức thành đường dây khép kín để che giấu tội phạm nên đấu tranh với tội phạm tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóa, các lực lượng chức năng đã đấu tranh quyết liệt, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, đã liên tục phát hiện, điều tra, xử lý mạnh tay đối với tội phạm tham nhũng.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Ngọc Tiến -Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa cho hay, trong khoảng thời gian 3 năm (2019 - 2022), các tổ chức thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 973 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 179 cuộc thanh tra đột xuất); 2.013 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 5.345 cá nhân và 3.901 tổ chức. Qua thanh tra, đã phát hiện các sai phạm về kinh tế với số tiền trên 466 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 208 tỷ đồng (hiện đã thu hồi được 175 tỷ đồng), kiến nghị xử lý khác trên 222 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.012 tổ chức và 1.197 cá nhân với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Thanh tra đã chuyển 9 vụ việc có hành vi tham nhũng, tiêu cực đến cơ quan điều tra xem xét, giải quyết.
Cũng trong khoảng thời gian trên, các cơ quan tố tụng của Thanh Hóa đã tiếp nhận 152 tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Từ đó, tổ chức điều tra, xác minh làm rõ và ra quyết định khởi tố 81 vụ. Đặc biệt, Cơ quan điều tra 2 cấp tại Thanh Hóa đã thụ lý điều tra 150 vụ với 328 bị can (trong đó số cũ là 31 vụ/110 bị can). Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đã truy tố 103 vụ với 271 bị can, đang tiếp tục điều tra 30 vụ với 55 bị can.
Trong số các vụ án đã khởi tố, phần lớn sai phạm đều liên quan đến lĩnh vực đất đai, như: Sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất thực hiện dự án... Trong số các bị can bị khởi tố, có những người nguyên là lãnh đạo hoặc đang là lãnh đạo, cán bộ các xã, thị trấn...
Điển hình nhất là vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với bà Đinh Cẩm Vân (SN 1965), nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa vào ngày 5/10/2022. Bà Đinh Cẩm Vân bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trước đó, ngày 22/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Bá Hùng (SN 1966), Bí thư Huyện ủy Như Xuân (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa) và ông Văn Xuân Hùng (SN 1959), nguyên Trưởng phòng Quản lý Công sản, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa.
Bà Vân và 2 thuộc cấp bị bắt là do liên quan đến sai phạm tại Dự án Hạc Thành Tower tọa lạc trên khu “đất vàng” nằm ở ngã tư đường Hạc Thành và đường Phan Chu Trinh, gần với Quảng trường Lam Sơn, thuộc trung tâm TP Thanh Hoá. Cụ thể, năm 2013, khi dự án được phê duyệt, dù đã tăng diện tích hơn trước nhưng các cán bộ nói trên của Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa vẫn tham mưu áp giá đất thời điểm năm 2009 để có lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Hay như vụ việc điều tra, bắt giữ, truy tố và xét xử 3 cựu lãnh đạo UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) gồm: ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định; ông Hoàng Văn Phúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Hà Duyên Lục, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định. Các đối tượng nói trên bị truy tố tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất". Cụ thể, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 2 dự án Khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và Khu dân cư số 1 thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, các bị cáo Lưu Vũ Lâm, Hoàng Văn Phúc và Hà Duyên Lục là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã vi phạm quy định cho người được bồi thường cao hơn so với quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền là gần 9 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 3/11/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Khánh (SN 1960), trú tại xã Yên Tâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân và ngày 4/11/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Cầm Bá Xuân (SN 1965), nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 BLHS. Cụ thể, vào năm 2014, ông Lê Văn Khánh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất ở trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, Thượng tá Nguyễn Thành Long -Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Ngay từ đầu năm, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh đã triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ, đi sâu nắm tình hình tại các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm là nơi dễ xảy ra hoạt động tham nhũng, tiêu cực... Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng trong năm 2022 đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Qua các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà Công an tỉnh Thanh Hoá phát hiện, khởi tố thời gian qua cho thấy, dù cán bộ ở cấp nào, đang đương chức hay đã nghỉ hưu, nếu có sai phạm trong quá trình công tác thì cũng đều phải trả giá đắt, không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”.