Xây dựng mô hình tự quản, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở
Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), trong đó, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến và hoạt động tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển sâu rộng và từng bước đi vào thực chất, qua đó cổ vũ và khích lệ mạnh mẽ ý thức, tinh thần, thái độ và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Hiệu quả từ các mô hình phòng, chống tội phạm
Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở tỉnh Bắc Kạn đã luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và sự hưởng ứng của nhân dân. Xác định việc xây dựng các mô hình này đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, lực lượng Công an các cấp đã chủ động làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm tại cơ sở.
Để huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn ANTT ở cơ sở, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn và duy trì các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT ở cơ sở. Hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.
Ông Triệu Hữu Thanh, thôn Khau Cà, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã đã huy động được sức mạnh của nhân dân nên ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải trong nhân dân cũng có chuyển biến tích cực; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong việc tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì vậy, những năm qua, Cao Sơn là địa bàn duy nhất của huyện Bạch Thông không có tệ nạn và tội phạm ma túy. Đặc biệt, trong thôn chúng tôi được chính quyền địa phương và lực lượng Công an xã đã xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình “Hộ an toàn, thôn bản bình yên”. Các thành viên tham gia mô hình, với trách nhiệm của mình, đã góp phần giữ gìn ANTT, từ đó, đã giảm thiểu các vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn.
Hiệu quả thiết thực nhất của các mô hình chính là đã khơi dậy được ý thức người dân chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Từ đó, giúp cơ quan Công an kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và giải quyết các vụ việc xảy ra liên quan đến an ninh, trật tự ngay tại cơ sở.
Trong năm 2021, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, phát động tập trung phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 872 thôn, bản, khu dân cư; thu hút hơn 43.000 lượt người tham gia, thu được 661 tin có giá trị. Vận động nhân dân tự giác giao nộp 66 khẩu súng các loại; 0,5kg đạn chì; 1kg đạn bi; 2 nỏ tự chế; 674 viên đạn các loại... Tham gia hòa giải nhiều trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn từ cơ sở.
Trung tá Nguyễn Bằng Giang, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Với vai trò nòng cốt, những năm qua, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt “Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ” với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, hướng về cơ sở, qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm, được biểu dương, khen thưởng. Họ thực sự là những “cánh tay nối dài” góp phần cùng với lực lượng Công an toàn tỉnh bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương”.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 45 loại mô hình tổ chức quần chúng làm công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, được triển khai tại 1.310 khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Trong đó những mô hình nổi bật, tiêu biểu tiếp tục được nhân rộng như: Mô hình Hộ an toàn, thôn bản, tổ dân phố bình yên; tổ hòa giải; mô hình “Giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”; mô hình Liên gia tự quản, tổ an ninh liên thôn... Các mô hình đều được xây dựng theo hướng thiết thực, hợp lòng dân, vừa sức dân, vì lợi ích, yêu cầu của nhân dân, hiện đang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu góp phần ổn định an ninh trật tự.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền
Thời gian tới Công an tỉnh tập trung tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo ANTQ.
Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng để có kế hoạch duy trì các mô hình đạt hiệu quả, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình hoạt động trung bình hoặc còn yếu. Nghiên cứu, xây dựng mô hình mới phù hợp với điều kiện của từng lĩnh vực, địa bàn và thanh loại những mô hình kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết liên tịch, chương trình, kế hoạch liên ngành đã ký kết về công tác bảo đảm ANTT; mỗi ngành, đoàn thể xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị.
Có thể nói, các mô hình tự quản về ANTT đã hoạt động có hiệu quả, đảm bảo giải quyết tốt các vụ việc nhỏ phát sinh ở cơ sở. Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến ANTT và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cơ bản được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh điểm nóng và các mâu thuẫn kéo dài, góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT tại địa phương.