Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động phù hợp đặc thù và yêu cầu tình hình mới
Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việc xây dựng dự án luật này xuất phát từ cơ sở chính trị và thực tiễn, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ trong tình hình mới.
Quá trình xây dựng dự án Luật CSCĐ có một số vấn đề nảy sinh như: Quy định về quyền hạn của CSCĐ trong dự thảo luật có chồng chéo, trùng giẫm với các lực lượng khác hay không? Vì sao lại bổ sung quyền được mang vũ khí lên máy bay, tàu thủy… cho CSCĐ? Luật được ban hành sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của lực lượng CSCĐ... Một loạt các câu hỏi liên quan đến dự án luật này được làm rõ trong cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết cơ sở đề xuất xây dựng dự án Luật CSCĐ?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Việc xây dựng dự án Luật CSCĐ xuất phát từ các cơ sở sau đây. Về cơ sở chính trị, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng CAND nói chung, trong đó có CSCĐ.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam phần về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã xác định: “…Tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng Hải quân, Phòng không - không quân, lực lượng An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động…”; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng tiếp tục xác định:“… Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng Hải quân, Phòng không - không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, Cảnh sát biển, Tình báo, Cơ yếu, An ninh, Cảnh sát cơ động…”; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại.
Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là một bước quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định trên cần thiết phải được thể hiện ở văn bản luật.
Việc xây dựng dự án Luật CSCĐ còn xuất phát từ cơ sở thực tiễn. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia... tác động ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của CSCĐ. Mặt khác, qua hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
PV: Quyền hạn của CSCĐ được quy định trong dự thảo Luật CSCĐ bao gồm những gì, thưa đồng chí? Có ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quá rộng dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo với các lực lượng khác, thậm chí lạm quyền. Đồng chí có thể giải đáp thắc mắc này?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Dự thảo Luật CSCĐ đã quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh CSCĐ, bổ sung thêm 2 quyền hạn cho CSCĐ gồm: (1) Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. (2) Ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng các quy định quyền hạn của CSCĐ tại dự thảo Luật trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật có liên quan như Luật CAND năm 2018, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống khủng bố… đảm bảo chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.
PV: Dự thảo Luật đã bổ sung quyền được mang vũ khí lên máy bay, tàu thủy, được ngăn chặn thiết bị bay không người lái gây nguy hiểm đến người làm nhiệm vụ. Xin đồng chí cho biết vì sao lại bổ sung quyền này cho CSCĐ?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Dự thảo Luật quy định CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự trong 3 trường hợp: Chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.
Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định CSCĐ là đối tượng được mang vũ khí lên máy bay trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ tác chiến mà vẫn phải ký gửi hành lý theo quy định. Việc này nếu thực hiện nhiệm vụ bình thường theo kế hoạch thì không ảnh hưởng, tuy nhiên đối với những trường hợp cần cơ động nhanh lực lượng cùng các loại vũ khí, trang bị bằng đường hàng không để kịp thời giải quyết vụ việc thì sẽ không đảm bảo vì thời gian làm thủ tục ký gửi và nhận hành lý rất lâu. Do vậy, việc quy định CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự như tại dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu tác chiến, tính cơ động nhanh của CSCĐ trong việc thực hiện các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, CSCĐ được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật, văn hóa; bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng.
Theo quy định hiện hành, việc quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay đang được giao cho Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý nhưng chưa quy định các hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý đối với máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa nhưng chưa có quy định đối với phương tiện bay không người lái. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng quy định khoảng cách từ máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực bảo vệ mục tiêu của Bộ Công an theo chiều ngang không nhỏ hơn 500m ở mọi độ cao.
Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang, canh gác bảo vệ cần quy định thẩm quyền này cho CSCĐ.
PV: Việc tuần tra kiểm soát vi phạm trên đường, quyền huy động phương tiện của CSCĐ trong dự thảo Luật có gì khác so với các quy định hiện hành, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSCĐ tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại Pháp lệnh CSCĐ và hiện nay hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSCĐ được Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tại Thông tư số 58/2015/TT-BCA.Việc thực hiện nhiệm vụ vũ trang tuần tra, kiểm soát của CSCĐ là nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ. Từ thực tiễn trong những năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát của CSCĐ đã phát huy cao hiệu quả trong bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước, kịp thời phát hiện, khống chế, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần răn đe, thị uy các đối tượng phạm tội.
Dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ thẩm quyền huy động của CSCĐ chỉ trong trường hợp cấp bách khi thực hiện các nhiệm vụ chính và do CSCĐ chủ trì như chống khủng bố, giải cứu con tin, chống biểu tình, bạo loạn, bảo vệ mục tiêu, tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có thể xảy ra. Quy định này cũng phù hợp với quy định về thẩm quyền huy động của cán bộ, chiến sĩ CAND được quy định tại khoản 16 Điều 16 Luật CAND. Đồng thời, tại luật về một số lực lượng đã được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây cũng có chế định quy định về việc huy động như Luật Cảnh vệ năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
PV: Một trong những nội dung được chú ý gần đây là đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong “hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”. Đồng chí có thể nói rõ hơn về quy định này?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Tại dự thảo Chính phủ trình Quốc hội chưa có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, qua hoạt động khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sau kỳ hợp thứ 2 vừa qua tại một số địa phương; một số đại biểu đề nghị tại dự thảo Luật CSCĐ nên bổ sung thêm quy định về trách nhiệm HĐND, UBND cấp tỉnh trong việc “hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ phù hợp với khả năng của địa phương" để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương có thể hỗ trợ cho lực lượng CSCĐ đóng quân trên địa bàn.
Qua nghiên cứu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo nhận thấy ý kiến trên là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước nên đã đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật. Và tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, lãnh đạo Quốc hội và đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với việc bổ sung quy định này vào dự thảo Luật.
Thực tế hiện nay, doanh trại, thao trường tập luyện của các đơn vị CSCĐ mặc dù đã được quan tâm đầu tư, xây dựng, nhưng nhiều nơi còn quy mô nhỏ, gặp nhiều khó khăn, phải thuê địa điểm đóng quân (Bộ Tư lệnh CSCĐ đóng quân tại 61 địa điểm/34 tỉnh, thành phố nhưng còn 16 địa điểm phải thuê; CSCĐ địa phương còn 15 đơn vị chưa có doanh trại độc lập, phải ở chung với đơn vị khác). Do vậy, để đảm bảo cho CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện tại thì ngoài kinh phí của Chính phủ, Bộ Công an, CSCĐ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của CSCĐ.
PV: Khi Luật CSCĐ được thông qua, theo đồng chí sẽ có tác động như thế nào đối với hoạt động của lực lượng CSCĐ?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh: Việc xây dựng Luật CSCĐ là một bước quan trọng để thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nói chung; pháp luật về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Với việc Luật CSCĐ được Quốc hội thông qua, chúng tôi kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về CSCĐ và là cơ sở pháp lý vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, việc luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp; quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với đặc thù của lực lượng; quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế chỉ huy trong phối hợp của CSCĐ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương; hợp tác quốc tế của CSCĐ; bảo đảm điều kiện cho hoạt động của CSCĐ…
Đồng thời, với việc Quốc hội ban hành Luật CSCĐ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập và đối ngoại của đất nước.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!