Vượt hàng nghìn cây số cấp căn cước công dân cho người xa quê

Thứ Sáu, 23/06/2023, 08:00

Cuối tháng 4 vừa qua, Hà Nam là tỉnh đầu tiên công bố hoàn thành cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho 100% dân số trong độ tuổi theo quy định với tổng cộng 754.277 hồ sơ CCCD, trở thành địa phương về đích cấp CCCD sớm nhất cả nước.

Để có được thành quả này, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh Hà Nam triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắn chip.

Một trong những giải pháp tiên phong, giúp đẩy nhanh tiến độ “phủ kín” cấp CCCD gắn chip, đó là chủ động đến tận nơi, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm thủ tục.

img-3581.jpg -0
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao Thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng Công an tỉnh Hà Nam - đơn vị đầu tiên trong toàn quốc “về đích” cấp CCCD gắn chip cho người dân.
 

Đa phần là những người già yếu, neo đơn, những người bệnh nặng, người tâm thần, có hoàn cảnh vô cùng éo le, khó khăn trong việc đi lại. Công an tỉnh Hà Nam không quản ngại nắng mưa, sớm, khuya vất vả, cử CBCS đến tận nhà hay các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội làm thủ tục thu nhận hồ sơ.

Những chuyến đi vì dân

Trung uý Trịnh Đức Trung, Phó trưởng Công an thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam nhớ mãi chuyến đi cùng với 3 CBCS trong tổ công tác để hỗ trợ các công dân Hà Nam đang sinh sống, làm việc tại một số tỉnh, thành phía Nam làm thủ tục cấp CCCD gắn chip. Trong đó, trường hợp cụ Lê Đức Viên (88 tuổi, quê ở xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Hiện cụ Viên đang sống cùng gia đình chị Lan (con gái cụ Viên) ở xã Thanh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước – một xã khó khăn chỉ cách biên giới Campuchia khoảng chục cây số. Nơi đây dân số thưa thớt, đường sá đi lại rất khó khăn, xung quanh chỉ toàn rừng cao su. Hơn chục năm nay, cụ Viên bị mắc bệnh bại não. Hoàn cảnh gia đình chị Lan cũng rất khó khăn, công ăn việc làm không ổn định, trong khi cụ Viên và chị đều không có bảo hiểm y tế, chị không có tiền để thuốc thang, chữa trị cho cha.

Qua trò chuyện, chị Lan cho biết, trước đây cụ Viên có CMND nhưng bị mất đã lâu. Vì nghèo, lại ốm đau bệnh tật nên chị không có điều kiện đưa cha quay ra Bắc, trở về Hà Nam làm thủ tục xin cấp lại CMND.  Để tạo điều kiện làm thủ tục cấp CCCD cho cụ, các CBCS Công an tỉnh Hà Nam đã vào tận Bình Phước, mượn 2 chiếc xe máy của Công an phường Tân Đồng (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) chở theo thiết bị đi gần bảy chục cây số xuyên đường rừng để tìm đến tận nhà giúp cụ Viên làm thủ tục cấp CCCD.

Nhớ lại chuyến đi để lại rất nhiều kỷ niệm đặc biệt này, Trung uý Trịnh Đức Trung cho biết: Con đường ngắn nhất để đến được nhà cụ Viên theo chỉ dẫn của Google map dài đúng 61km, trong đó có gần 30km đường mòn xuyên rừng cao su. Trên đường đi vắng người qua lại, không có hàng quán để dừng chân, cũng chẳng gặp ai để hỏi đường, anh em trong tổ công tác đành tự vừa đi, vừa dò đường theo chỉ dẫn của Google map.

DB10-Vượt hàng nghìn cây số cấp căn cước công dân cho người xa quê -0
Trung úy Trịnh Đức Trung và các CBCS trong tổ công tác Công an tỉnh Hà Nam đến tận nhà làm thủ tục cấp CCCD cho cụ Viên (88 tuổi) đang sinh sống ở Bình Phước.

Đen đủi là, chạy xe được khoảng 20km thì một trong hai chiếc xe máy chở 4 CBCS trong tổ công tác cùng máy móc thiết bị đột nhiên bị bục bình xăng. Xung quanh lúc đó vắng bóng người qua lại; nhà dân, hàng quán sửa xe và cây xăng đều không có. Sau một hồi loay hoay xé áo mưa bịt được chỗ bục nhưng xăng trong bình đã chảy cạn. Tổ công tác đành cắt cử nhau, 2 CBCS ở lại trông nom thiết bị cùng chiếc xe máy bị hỏng, 2 người còn lại chở nhau phóng đi tìm mua xăng. Dò tìm mãi, cuối cùng cũng tìm được một cây xăng cách đó khoảng 15km. Sau khi hoàn tất thủ tục chụp ảnh, lấy dấu vân tay của cụ Viên, xúc động trước tấm lòng tận tụy của tổ công tác Công an tỉnh Hà Nam, gia đình chị Lan cứ khẩn khoản mời các CBCS ở lại ăn cơm cùng gia đình. Nhưng do đường sá xa xôi, lại chở theo máy móc thiết bị, nên tổ công tác xin phép về ngay. Để tránh gặp bất trắc như lúc đi, tổ công tác quyết định trở về thành phố theo Quốc lộ 13, cho dù quãng đường xa hơn khoảng gần 20 km.

Ngoài cụ Viên, Trung úy Trịnh Đức Trung vẫn nhớ như in trường hợp bác Nguyễn Văn Phát (55 tuổi, quê ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, Hà Nam). Hơn chục năm nay, bác Phát vào tỉnh Lâm Đồng làm thuê nghề gỗ, công việc vất vả, đời sống cũng rất khó khăn. Qua hội nhóm đồng hương thông báo trên mạng xã hội, biết tin có tổ công tác lưu động vào Bình Dương giúp công dân Hà Nam làm CCCD gắn chíp, bác Phát vội chạy xe máy gần 100 km từ Lâm Đồng xuống phường Tân Phú (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) để làm thủ tục cấp CCCD. Đường xa, “phóng tít” đến nỗi chiếc xe máy cũ rụng cả biển kiểm soát. Thấy hoàn cảnh bác Phát khó khăn, CBCS trong tổ công tác không thu lệ phí theo quy định. Anh em còn gom tiền vừa giúp bác Phát trả lệ phí, vừa biếu bác Phát 500.000 đồng để làm lộ phí, mua xăng và nước uống dọc đường.

Đóng giả bác sĩ để làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người bệnh

Trong nhiều câu chuyện được các CBCS Công an tỉnh Hà Nam kể về hành trình triển khai thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip, chúng tôi  ấn tượng mãi với câu chuyện tổ công tác lưu động Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Thanh Liêm và Công an xã Liêm Phong phải đóng giả làm bác sĩ để làm thủ tục cấp CCCD cho cụ Nguyễn Thị Nhận (84 tuổi, ở thôn Hạ Trang, xã Liêm Phong). Trước đó, người nhà nhiều lần ra sức thuyết phục nhưng do cao tuổi, lại ốm đau lâu ngày nên cụ Nhận nhất quyết từ chối không làm CCCD.

Qua trò chuyện với gia đình, được người thân cho biết cụ Nhận chỉ nghe lời bác sĩ. Các CBCS Công an huyện Thanh Liêm và Công an xã Liêm Phong đã bàn với người thân của cụ Nhận cho phép CBCS trong tổ công tác “đóng giả” làm bác sĩ, y tá đến nhà khám bệnh rồi thuyết phục cụ Nhận để tranh thủ chụp ảnh, lấy vân tay, hoàn thành thủ tục hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip cho cụ Nhận. Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Văn Bền, con trai cụ Nhận xúc động bày tỏ cảm ơn các CBCS Công an xã Liêm Phong và Công an huyện Thanh Liêm đã không quản ngại vất vả, đến tận nhà làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho cụ Nhận, giúp gia đình thêm thuận tiện trong việc thanh toán bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho cụ sau này.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Sự (62 tuổi, quê ở xã Đinh Xá, TP Phủ Lý, Hà Nam). Bà Sự bị bệnh tâm thần, đang được chăm sóc, điều trị ở Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trung tâm này ở khá xa khu dân cư, cách TP Thủ Dầu Một khoảng 45km. Đường sá đi lại khó khăn, có những đoạn chỉ toàn đường đất, đầy ổ gà. Để giúp bà Sự làm CCCD gắn chip, các CBCS Công an tỉnh Hà Nam đã mượn xe máy của Công an phường Tân Phú (TP Thủ Dầu Một) chở thiết bị đến trung tâm điều dưỡng.

Qua trao đổi với lãnh đạo trung tâm, trước khi phát bệnh tâm thần và được đưa vào trung tâm này chăm sóc điều trị, bà Sự sống lang thang ở khu vực bến xe TP Hồ Chí Minh hơn 11 năm. Cũng vì bà Sự mắc bệnh tâm thần, không có giấy tờ tùy thân, CCCD và thẻ bảo hiểm y tế đều không có, nên hàng tháng mọi khoản chi phí khám chữa bệnh cho bà Sự đều do trung tâm chi trả. Trước tình cảnh éo le của bà Sự, tổ công tác Công an tỉnh Hà Nam đã góp tiền trả lệ phí làm CCCD giúp bà Sự.

Câu chuyện CBCS Công an tỉnh Hà Nam đi “tìm” dân, đến tận nơi thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho công dân Hà Nam thời gian qua gặp không ít khó khăn, bởi không phải người dân nào cũng hiểu, ủng hộ, thậm chí có số ít trường hợp bất hợp tác. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì tuyên truyền, vận động và tận tụy đến tận nhà giúp người già yếu, bệnh tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm thủ tục; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được tiện ích của thẻ CCCD gắn chip của mỗi CBCS Công an đã góp phần đưa Hà Nam trở thành tỉnh đầu tiên về đích hoàn thành cấp CCCD sớm nhất cả nước.

Tâm Phạm
.
.