Vĩnh Long: Đề án 06 mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Năm 2024, Công an tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện tốt vai trò là Cơ quan Thường trực Tổ công tác Đề án 06, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Rõ người, rõ việc, rõ thời gian
Công an tỉnh với vai trò Thường trực Tổ công tác đã chủ động, tích cực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các ngành, địa phương tham mưu ban hành trên 120 văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của đề án. Các ngành, địa phương đều tăng cường tuyên truyền về nội dung, tầm quan trọng của Đề án 06, nhất là về những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.
Công an tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức và phát động Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử, thu hút hơn 300 CBCS Công an tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức của các ngành, địa phương tham gia.
Thượng tá Trương Hữu Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Toàn tỉnh đã triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Có 10 dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 100% và 11 dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ từ 50% trở lên. Các ngành, địa phương tiếp tục khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân gắn chíp điện tử, định danh và xác thực điện tử.
Công an tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thu nhận hơn 1,1 triệu hồ sơ Căn cước công dân gắn chíp và 44.512 hồ sơ Căn cước gắn chíp (trong đó, có 23.677 hồ sơ là công dân dưới 14 tuổi); thu nhận và hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử được 703.845 tài khoản (mức độ 1 là 27.413 tài khoản; mức độ 2 là 676.432 tài khoản).
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Công an các cấp đã triển khai thực hiện rà soát, cập nhật, làm sạch hơn 20 nhóm chỉ tiêu phục vụ triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các sở, ngành và UBND cấp huyện đã và đang triển khai thực hiện 23/27 mô hình điểm của Đề án 06.
Điển hình, mô hình "Triển khai thực hiện 53 dịch vụ công theo Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ", đã góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, giảm phiền hà, thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử của người dân, từng bước hình thành công dân số, xã hội số. Mô hình "Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn", đã triển khai thực hiện hơn 80 cơ sở lưu trú thực hiện thông báo qua phần mềm ASM, với tổng số gần 60.000 lượt khách thông báo lưu trú.
Mô hình "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân và VNeID", đã triển khai tại 131/131 cơ sở khám, chữa bệnh (đạt 100%), với tổng số hơn 1,4 triệu lượt tra cứu thành công phục vụ công tác khám chữa bệnh. Người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ khi khám chữa bệnh.
Đại tá Trà Quang Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long khẳng định, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản đã đạt yêu cầu.