Vì bình yên vùng đất Tây Nam Bộ
Là đơn vị tác chiến đặc biệt, thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh để trấn áp kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT trên địa bàn các tỉnh miền Tây, hơn 20 năm qua, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã lập nhiều, thành tích, góp phần bảo đảm bình yên cho nhân dân.
Càng đặc biệt hơn khi người đứng đầu đơn vị - Đại tá Nguyễn Tấn Phúc, Trung đoàn trưởng từng 3 lần được Bộ Công an trao tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND" (năm 2014, 2017, 2020), và hiện đang được đề nghị trao tặng danh hiệu này lần thứ tư.
Từ sinh viên đại học rẽ hướng sang chiến sĩ nghĩa vụ
Tôi có mặt tại Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ một ngày tiết trời mát mẻ dễ chịu, không khí huấn luyện tân binh rộn ràng lan tỏa khắp thao trường khi Trung đoàn vừa cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ khai giảng khóa huấn luyện công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND năm 2023.
Theo chân Đại tá Nguyễn Tấn Phúc thăm, kiểm tra công tác huấn luyện, uốn nắn các động tác điều lệnh cho chiến sĩ mới, điều mà tôi cảm nhận được ở anh không chỉ bằng tâm thế của người lãnh đạo chỉ huy dạn dày sương gió, mà như một người cha, người chú tận tuỵ, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau, bởi cách đây hơn 30 năm anh cũng là chiến sĩ mới vào ngành.
Sinh ra, lớn lên ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - quê hương cách mạng, vùng đất kháng chiến anh hùng, từ nhỏ cậu bé Nguyễn Tấn Phúc đã tranh thủ ngoài giờ học theo chúng bạn vẫy vùng sông nước, phụ giúp ba mẹ thu hoạch mùa màng... Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ và trở thành sinh viên khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ. "Khi đó, anh ruột tôi làm Trưởng Công an xã, nghe có đợt tuyển công dân nghĩa vụ liền về động viên em trai tình nguyện ghi tên", anh kể bằng chất giọng miền Tây mộc mạc, đặc trưng.
Thế rồi cái duyên với ngành đến từ đó, đang học năm thứ nhất đại học, năm 1990, anh được Công an tỉnh Cửu Long tuyển chọn vào lực lượng nghĩa vụ tại ngũ trong CAND khoá đầu tiên. Ở thời điểm ấy, chiến sĩ nghĩa vụ đang học đại học như anh là rất hiếm. Môi trường quân ngũ lạ lẫm với nhiều bỡ ngỡ, thế nhưng, kết thúc huấn luyện 4 tháng đạt kết quả tốt, anh được điều động về công tác tại Phòng CSCĐ Công an tỉnh Cửu Long (nay là Công an tỉnh Vĩnh Long).
Năm 2001, Bộ Công an thành lập Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ đóng quân tại TP Cần Thơ, cùng với hơn 600 CBCS Công an các đơn vị, địa phương công tác ở nhiều hệ lực lượng, Đại tá Nguyễn Tấn Phúc được điều động về đây, giữ chức Phó Ban Chính trị kiêm Bí thư đoàn cơ sở. Thay đổi môi trường từ địa phương lên cơ quan Bộ, đơn vị lại mới thành lập còn nhiều khó khăn, trong khi mới cưới vợ, phải xa gia đình khiến anh trăn trở... Nhưng qua quá trình làm quen công việc ở đây, anh càng thêm hiểu, thêm yêu, thêm gắn bó. Từ Trưởng ban Chính trị năm 2003, anh được bổ nhiệm Phó Trung đoàn trưởng năm 2009; là Chính uỷ Trung đoàn năm 2014 và từ năm 2015 đến nay là Trung đoàn trưởng.
Là một trong những người đầu tiên chung tay đặt nền móng xây dựng đơn vị, Đại tá Nguyễn Tấn Phúc chia sẻ, anh hiểu Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ bởi khi mới về được phân công làm mảng chính trị, tổ chức, nắm rất sâu về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, hoàn cảnh của từng con người. "Thuận lợi khi là người miền Tây, am hiểu phong tục, tập quán, địa lý, xã hội, đặc thù CBCS...", anh chia sẻ.
Trưởng thành từ người lính nên "rất hiểu lính", Đại tá Nguyễn Tấn Phúc đã cùng Ban chỉ huy đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, sát cánh bên CBCS, cùng lăn lộn thực tế, trải qua nhiều nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, từ tăng cường tham gia xử lý chuyên án Năm Cam, tham gia chữa cháy rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ, các chuyên án chống buôn lậu, khai thác khoáng sản trái phép; hay tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT tại các địa bàn được phân công...
... Đến người "thuyền trưởng" nêu gương của Trung đoàn "thép"
Kỷ niệm ấn tượng nhất với anh là lần tăng cường lực lượng hỗ trợ Công an tỉnh Đồng Nai đấu tranh chuyên án sản xuất, buôn bán xăng dầu giả hết sức tinh vi, với quy mô hoạt động và khối lượng hàng hoá được làm giả lớn thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ năm 2021. Các đối tượng rất manh động, tổ chức lực lượng canh gác, sử dụng tàu cao tốc tuần tra, bảo vệ xung quanh khu vực kho chứa và tàu chở dầu; trên bờ, chúng dùng nhà nuôi chim yến để ngụy trang, cảnh giới, cắt cử canh gác 24/24h không cho người lạ vào, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, phát hiện.
Trước tình hình đó, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ được phân công đấu tranh bắt giữ các đối tượng trên các ụ nổi, sà lan neo đậu tại các điểm tập kết và các sà lan nhỏ neo dọc theo sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long; khám xét các kho chứa xăng, cây xăng, trụ sở làm việc và nhà riêng các đối tượng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Nhận thấy các đối tượng ở trên các tàu chở hàng lớn, rất khó khăn trong công tác bí mật tiếp cận, Đại tá Nguyễn Tấn Phúc đã tham mưu Ban chuyên án biện pháp đánh bắt theo đúng nghiệp vụ CSCĐ, Cảnh sát đặc nhiệm.
"Chọn những CBCS có bản lĩnh, gan dạ, tiêu biểu về ý chí chiến đấu và thành thục kỹ chiến thuật, có thể độc lập tác chiến hoặc tác chiến theo đội hình tổ, đội. Bằng kinh nghiệm thực tế của bản thân qua các lần công tác, chiến đấu, tôi trực tiếp hướng dẫn CBCS gia cố, bổ sung một số công cụ hỗ trợ chuyên dùng", anh nhớ lại.
Và chính những "bí kíp" của anh đã giúp CBCS ra quân bảo đảm hiệu quả, tuyệt đối an toàn về người và phương tiện, cũng như an toàn cho chính các đối tượng khi thực hiện nhiệm vụ trên địa hình sông nước đầy rẫy hiểm nguy. Ở chuyên án này, Đại tá Nguyễn Tấn Phúc trực tiếp chỉ huy 60 CBCS, chia thành 2 đợt, phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai và Cục Cảnh sát hình sự thực hiện nhiệm vụ; phát hiện, bắt, thu giữ 26 đối tượng, 2 tàu biển có trọng tải 1.500 tấn, 5 sà lan có trọng tải từ 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn, hơn 2,68 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 sổ đỏ...
Anh cũng để lại dấu ấn khi trực tiếp tham gia, chỉ đạo CBCS tăng cường cho Công an các địa phương giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về ANTT tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh...; chỉ huy CBCS tăng cường hỗ trợ Tổng cục An ninh và Công an tỉnh An Giang đấu tranh, triệt phá chuyên án buôn lậu 281 tấn đường xuyên quốc gia từ Campuchia về Việt Nam (năm 2015); tăng cường hỗ trợ Công an tỉnh Đắk Nông và các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả của ông "trùm" Trịnh Sướng; hỗ trợ Cục CSGT triệt phá tụ điểm khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên, Hàm Luông; tăng cường phối hợp Công an tỉnh An Giang đấu tranh chuyên án triệt xoá tụ điểm đá gà, lắc tài xỉu; triệt xoá đường dây vận chuyển vàng và ngoại tệ trái phép qua biên giới...
Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ đồng thời chủ công trong nhiều hoạt động cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, hỏa hoạn; huy động hàng chục nghìn lượt CBCS mỗi năm tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội... Anh em trong Trung đoàn vẫn truyền tai nhau một phương châm sống và làm việc: "Hành động của người chỉ huy là giáo dục không lời đối với CBCS". Họ đã và đang thực hiện điều đó, không cần nhiều câu từ màu mè, sáo rỗng. Mà người chỉ huy gương mẫu, bằng hành động để nêu gương.
"Mình nghĩ đơn giản, trong đơn vị chiến đấu vũ trang tập trung, người chỉ huy phải chấp hành nghiêm quy định trước, nêu gương, làm mẫu trong mọi việc. Hành động của lãnh đạo, chỉ huy, người đi trước sẽ giúp CBCS, anh em đi sau noi theo. Chứ anh nói nhiều mà không hành động, không làm được thì cũng đâu có giáo dục được ai", Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ lý giải.
Trong công việc, Đại tá Nguyễn Tấn Phúc luôn nghiêm túc, công khai, minh bạch, rõ ràng; quan tâm, chăm lo chế độ chính sách và gần gũi, sẻ chia hoàn cảnh của từng CBCS, qua đó tạo tình cảm đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa CBCS trong đơn vị. Ghi nhận những chiến công, thành tích xuất sắc, Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; được Thủ tướng tặng Bằng khen, được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc cùng nhiều khen thưởng của bộ, ngành, địa phương...
Kiệm lời khi nói về mình, Đại tá Nguyễn Tấn Phúc chia sẻ, thành tích, chiến công là của tập thể Trung đoàn, mỗi cá nhân đều hy sinh một chút, vì lợi ích chung để xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh. Và sự phát triển đó là câu trả lời thuyết phục nhất. Bản lĩnh CSCĐ, chất "thép" của người lính được tôi luyện qua bao năm tháng thăng trầm đã tạo nên một vị chỉ huy, người "thuyền trưởng" can trường, mưu trí mà chất phác, giản dị nơi miền Tây Nam Bộ...