Trao “chìa khóa” để người dân mở cửa “ngôi nhà số” (kỳ 1)
Ngày 27/4 vừa qua, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% dân số trong độ tuổi cấp. Đây được xem là một dấu mốc lịch sử không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng tỉnh Hà Nam mà còn của cả nước, góp phần xây dựng, tạo nên “công dân số” – thành tố quan trọng để phát triển xã hội số, Chính phủ số.
Trái ngọt mang dấu ấn của những người đứng đầu
Nói về công tác cấp CCCD gắn chip, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam không khỏi vui mừng bởi hiện nay, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện. Đặt ra dấu mốc 30/4 sẽ hoàn thành, song Công an tỉnh Hà Nam không chỉ hoàn thành chỉ tiêu cấp 100% CCCD mà còn vượt tiến độ về thời gian, khi ngày 22/4, 6/6 đơn vị cấp huyện và 109/109 cấp xã đã hoàn thành 100% cấp CCCD gắn chip cho công dân.
Trước đó, nhiều xã, phường của tỉnh Hà Nam cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước hoàn thành chỉ tiêu này. Cộng hưởng những quyết tâm và trách nhiệm đó, đã tạo nên kết quả mang dấu ấn “lịch sử” trên. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và đặc biệt là kinh nghiệm để hoàn thành một nhiệm vụ được đánh giá là khó khăn trên, chúng tôi nhận thấy một chi tiết đặc biệt, đó chính là sự thống nhất về nhận thức và hành động quyết liệt từ người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến lãnh đạo các cấp và cả người dân.
Diện tích của tỉnh Hà Nam không quá lớn, điều kiện kinh tế - xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giáp với nhiều địa phương và cũng được xem là “cửa ngõ” của Thủ đô. Chính vì vậy, những khó khăn của Hà Nam trong nhiệm vụ trên cơ bản tương đồng với các tỉnh, thành bạn. Lợi thế duy nhất mà tỉnh Hà Nam có được, lại chính là điều mà tự thân Hà Nam tạo ra, đó chính là thái độ của lãnh đạo các cấp đối với các nhiệm vụ trong Đề án 06.
Trao đổi với PV, Đại tá Tô Anh Dũng đánh giá: Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã thổi một luồng sinh khí mới vào các cấp lãnh đạo sở, ngành trên địa bàn trong quá trình tiếp cận, thực hiện Đề án 06. Nếu như người đứng đầu của tổ công tác không quyết liệt thì các cấp lãnh đạo sở, ngành, địa phương cũng khó có thể phát huy hết những cách làm sáng tạo. Công an tỉnh trong vai trò Tổ phó Thường trực cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò tham mưu đến lãnh đạo các cấp trong thực hiện Đề án.
“Trong dấu mốc hoàn thành cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân, vai trò và dấu ấn của lãnh đạo tỉnh, các cấp và sự hỗ trợ giúp đỡ của người dân rất đậm nét”- Đại tá Tô Anh Dũng khẳng định. Thông tin với PV, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh triển khai quyết liệt các nhiệm vụ của đề án, trong đó chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương thực hiện việc cấp CCCD, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân có đủ điều kiện trên địa bàn. Việc này sẽ góp phần phuc vụ người dân, doanh nghiệp giải quyết những thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện trên môi trường điện tử, giảm bớt giấy tờ, thời gian, công sức và chi phí của người dân, đồng thời xây dựng “công dân số”.
Đánh giá về Công an tỉnh Hà Nam trong vai trò Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đồng chí Trương Quốc Huy khẳng định: Quá trình thực hiện, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm để tận tụy phục vụ nhân dân. Từ đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho đến từng CBCS ở Công an các cấp đều luôn đau đáu với nhiệm vụ, với Đề án 06, với “đúng, đủ, sạch, sống” của dữ liệu.
Lấy ví dụ về những tổ công tác trực tiếp đi “tìm dân”, “gặp dân” và “phục vụ dân” khi cấp CCCD, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam bày tỏ xúc động và cho biết: Ngày 27/4 thực sự là dấu mốc rất quan trọng và vui mừng đối với lãnh đạo tỉnh và nhân dân Hà Nam. Khi có CCCD gắn chip, người dân có điều kiện rất quan trọng được xem là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa trong “ngôi nhà” chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những tiền đề đặc biệt quan trọng giúp Hà Nam chuyển mình về mọi mặt kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Vững chắc nền tảng “đúng, đủ, sạch, sống”
Trong niềm vui phủ sóng CCCD gắn chip đến tất cả người dân trên địa bàn, chúng tôi về Công an thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam vào đúng dịp lễ kỷ niệm 30/4-1/5. Đại úy Đoàn Khánh Sơn, Trưởng Công an thị trấn Ba Sao cho biết, bức tranh về kinh tế - xã hội của thị trấn đang từng ngày được thay da đổi thịt bởi sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền. Nếu như trước kia người dân chỉ tập trung vào nông nghiệp, thì nay với những dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn, nhân dân có thêm điều kiện để làm ăn, phát triển kinh tế. Câu chuyện về thu thập, cấp CCCD gắn chip trên địa bàn thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, bởi không phải người dân nào cũng hiểu, ủng hộ, thậm chí có những trường hợp còn chống đối. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì vận động, tuyên truyền, đặc biệt là giúp người dân hiểu được tiện ích của việc có tấm thẻ CCCD gắn chip trên tay, Công an thị trấn Ba Sao là một trong số những đơn vị Công an cấp xã, phường đầu tiên của tỉnh Hà Nam về đích “phủ sóng” CCCD gắn chip.
Kể về khoảng thời gian đi “tìm dân” để cấp CCCD gắn chip, với 6 cán bộ bao gồm cả chỉ huy và CBCS Công an thị trấn Ba Sao, đó là những ngày tháng không bao giờ có thể quên được. Khi hoàn thành xong chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip rồi, theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, nhiệm vụ duy trì, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” tiếp tục được Ban chỉ huy Công an thị trấn Ba Sao thực hiện hiệu quả. Từng ngày, tuần, tháng, những dữ liệu về “đúng, đủ, sạch, sống” của cư dân trên địa bàn liên tục được Công an thị trấn Ba Sao bồi đắp, phục vụ cho hoạt động kinh tế - xã hội của người dân.
Đồng chí Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch thị trấn Ba Sao đánh giá: Tất cả những “kênh” liên lạc, kết nối với người dân trên địa bàn thị trấn Ba Sao đều được chính quyền và Công an thị trấn Ba Sao ứng dụng, triển khai hiệu quả. Những tổ công tác thực hiện Đề án 06 các cấp phát huy vai trò quan trọng trong việc kéo người dân ứng dụng công nghệ, làm các dịch vụ công trực tuyến liên thông. Tỷ lệ người dân ở cơ sở trực tiếp thực hiện dịch vụ công khoảng từ 30-40%. Tỷ lệ này đang được chính quyền thị trấn Ba Sao nâng lên từng ngày.
“Khi cấp đầy đủ CCCD gắn chip cho người dân thì họ đã có đủ những điều kiện cá nhân để có thể triển khai những dịch vụ công trực tuyến”- đồng chí Nguyễn Bình Minh cho biết. Để duy trì dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, không chỉ Công an thị trấn Ba Sao, hơn 100 Công an xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ này. Việc Bộ Công an đưa lực lượng Công an chính quy về xã được xem là mấu chốt quan trọng nhất nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên tại Hà Nam cũng như trên toàn quốc.
Đồng chí Trương Quốc Huy đánh giá, bước đầu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng lực lượng Công an xã đã nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, tích cực triển khai các mặt công tác đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua đó tình hình ANTT tại các xã, thị trấn đều có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tội phạm, vi phạm pháp luật đã giảm rõ rệt. Cùng với việc trang cấp 42 phương tiện chuyên dụng của Bộ Công an cho Công an xã Hà Nam, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng trụ sở làm việc cho Công an xã, thị trấn.
Trong thời gian tới, những trụ sở này được xây dựng sẽ góp phần đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho lực lượng Công an xã hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có yêu cầu về dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Trên nền tảng CCCD gắn chip, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tỉnh Hà Nam cũng chỉ đạo các sở, ngành tập trung sớm rà soát, xây dựng những dịch vụ số, phục vụ cho việc xây dựng công dân số, xã hội số, chính quyền số, Chính phủ số…