Tiết kiệm được 2.500 tỷ chi phí xã hội từ ứng dụng Đề án 06
Hiện nay, đã có 38/52 dịch vụ đã được cung cấp hoàn chỉnh; trong đó, thông báo lưu trú đạt tỷ lệ 97%; có hơn 2 triệu thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến; cấp hộ chiếu phổ thông đạt hơn 90%. Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu đã giúp tiết kiệm được 2.500 tỷ chi phí xã hội.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được đánh giá là “điểm sáng” trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, quyết tâm chính trị của người đứng đầu các ngành, các cấp trong thực hiện Đề án 06 được thể hiện rõ. Hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngày càng hoàn thiện, 100% các văn bản thuộc lộ trình Đề án 06 đã được ban hành gồm Luật Căn cước và Luật Giao dịch điện tử; Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; 3 thông tư và một số văn bản pháp luật khác.
Các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu liên quan đến người dân được cung cấp với chất lượng ngày càng tốt hơn. Trong đó, có 38/52 dịch vụ đã được cung cấp hoàn chỉnh. Điển hình như thông báo lưu trú đạt tỷ lệ 97% với hơn 6,3 triệu lượt người thực hiện việc khai báo lưu trú trực tuyến tại nhà; có hơn 2 triệu thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến; cấp hộ chiếu phổ thông đạt hơn 90%. Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu đã giúp tiết kiệm được 2.500 tỷ chi phí xã hội. Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân được miễn giảm phí; được cung cấp đầy đủ các giấy tờ đảm bảo các hoạt động, công việc hàng ngày cả trên môi trường mạng… Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn giúp cắt giảm và hạn chế dùng giấy tờ, góp phần cải cách hành chính, công khai, tiết kiệm, phòng ngừa tội phạm, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Từ việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đẩy mạnh tạo lập và kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, đồng thời đã báo cáo Bộ Chính trị đồng ý chủ trương và Chính phủ ban hành Nghị quyết 175/NQ-CP về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư với hơn 105 triệu dữ liệu được bổ sung, cập nhật đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, hiện đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được quan tâm hơn. Các giải pháp ứng dụng dữ liệu phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế xã hội được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, thuế, thanh toán, chi trả không dùng tiền mặt.
Đến nay, cả nước đã có 51/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho hơn 304 nghìn người với số tiền hơn 674 tỷ đồng. Từ nay đến Tết Giáp Thìn 2024, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội… phấn đấu chi trả an ninh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% các đối tượng có nhu cầu (994.249 người); phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai việc cho vay tín chấp tiêu dùng dưới 50 triệu dựa trên hệ thống chấm điểm khả tín công dân, góp phần phòng ngừa “tín dụng đen” và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.