Tiện ích từ việc tích hợp dịch vụ công thiết yếu

Thứ Tư, 07/09/2022, 06:12

Theo Đề án 06, Bộ Công an có nhiệm vụ cung cấp 11/25 dịch vụ công thiết yếu, đến nay đã hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an 11/11 dịch vụ công, đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện.

Để hiểu rõ hơn về dịch vụ công thiết yếu đã tích hợp, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

PV: Thưa Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, đồng chí có thể nêu lại tên những dịch vụ công thiết yếu mà chúng ta đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công cho đến thời điểm hiện nay?

trung ta.jpg -0
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Xác định điểm nhấn của Đề án 06 trong năm 2022 là cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc các lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động... để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở dử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (DLQG về DC) để cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đến nay đã tích hợp 22/25 dịch vụ công thiết yếu trên cổng dịch vụ công quốc gia, cụ thể như sau: Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD); cấp lại, đổi thẻ CCCD; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; đăng ký biển số xe mô tô, gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình; cấp, cấp lại, sửa đổi bổ sung hộ chiếu phổ thông; làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn; cấp phiếu lý lịch tư pháp; tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình; đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; đăng ký dự thi tốt nghiệp PTTH quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; ấp điện mới từ lưới điện hạ áp; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.

PV: Vậy những tiện ích này đến với người dân, doanh nghiệp như thế nào để giảm thiểu thời gian đi lại, giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia đã mang lại  những  lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu của Đề án 06 là lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, người dân chỉ cung cấp thông tin giấy tờ một lần cho các cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính. Các tiện ích đã mang lại cụ thể như sau:

- Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) mọi lúc, mọi nơi; hệ thống sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

- Kết nối Cơ sở DLQG về DC với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tự động xác thực các thông tin, giấy tờ có liên quan của công dân. Tiến tới việc người dân thực hiện các giao dịch điện tử, các dịch vụ công không phải kê khai các thông tin đã có trong các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

- Thông tin công dân được bảo mật, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở DLQG về DC là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý.

- Đối với người dân, doanh nghiệp: Giải quyết trực tuyến qua thủ tục trên môi trường mạng, nhận kết quả điện tử hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu, không phải đi lại, không xuất trình giấy tờ, không phải tiếp xúc với cán bộ...

- Đối với cơ quan Nhà nước: Giải quyết các thủ tục hành chính trên hệ thống công nghệ thông tin, nhanh chóng, chính xác, không mất thời gian, nhân lực cho việc bố trí tiếp dân tại trụ sở, giảm thiểu áp lực đặc biệt phù hợp với giai đoạn dịch bệnh...

PV: Đồng chí có thể cho biết những ích lợi mang lại khi sử dụng định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, để người dân, doanh nghiệp hiểu, tham gia tích cực hơn nữa?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Ngày 18/7/2022, Bộ Công an chính thức công bố và đưa vào sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trên điện thoại thông minh. Hiện nay, công dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử bằng cách đến trụ sở cơ quan Công an để đăng ký hồ sơ (đăng ký mức độ 2) hoặc trực tiếp đăng ký tài khoản thông qua ứng dụng VNeID (đăng ký mức độ 1).

Với tài khoản định danh điện tử, công dân có thể: Sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập khi thực hiện các dịch vụ công, sẽ giảm bớt các thủ tục xác minh thông tin; người dân có quyền quyết định việc chia sẻ thông tin của mình phục vụ các giao dịch trên môi trường mạng bảo đảm chính xác, an toàn như tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông …; thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền nhiều lần giúp công dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.

Sử dụng các giấy tờ đã tích hợp vào VNeID thay thế các giấy tờ truyền thống như: Thẻ CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe, giấy phép lái xe… Hiện tại, tài khoản định danh điện tử là một phương thức để công dân quản lý thông tin thẻ CCCD điện tử, thông tin các giấy tờ khi công dân có nhu cầu tích hợp.

Bảo mật thông tin công dân, đảm bảo chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở DLQG về DC là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý.

Trong thời điểm hiện tại, căn cứ theo Quyết định 34/2021/QĐ-TTg, cơ bản công dân có thể sử dụng các tính năng trên tài khoản định danh điện tử: Ví giấy tờ: Hiển thị thông tin giấy tờ của công dân (thông tin trên thẻ CCCD gắn chip, thông tin thẻ BHYT, đăng ký xe); tích hợp thông tin người phụ thuộc là người dưới 14 tuổi có quan hệ là con hoặc là người được giám hộ; thực hiện “Thông báo lưu trú” mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan Công an; công dân có thể phản ánh kiến nghị về tình hình ANTT trên địa bàn; thực hiện chức năng phòng, chống dịch: Khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa và hiển thị thông tin tiêm chủng,…

PV: Từ ngày 31/12/2022 sẽ bỏ sổ hộ khẩu, vậy người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước sử dụng giấy tờ nào để thay thế?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Theo quy định của Luật CCCD, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì CCCD gắn chip điện tử, Thông báo số định danh cá nhân và Xác nhận thông tin về cư trú… là các loại giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho công dân, bảo đảm tính pháp lý chứng minh thông tin về cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương khẩn trương cấp thông báo số định danh cá nhân, cấp thẻ CCCD gắn chip kết hợp cấp định danh điện tử cho 100% người dân trên toàn quốc để phục vụ người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân.

Đồng thời, từ 1/7/2021, Cơ sở DLQG về DC đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân. Tuy nhiên, một số bộ, ngành hiện tại chưa kết nối, chia sẻ với Cơ sở DLQG về DC (do hạ tầng về hệ thống chưa đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin; chưa có cơ sở dữ liệu chuyên ngành…) dẫn đến liên thông, khai thác dữ liệu chưa thực hiện được, do vậy, một số cơ quan vẫn yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục nêu trên.

Để tham mưu, đề xuất giải quyết vướng mắc nêu trên, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo: Các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp hoàn thành việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của các bộ, ngành có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu  xác  nhận thông tin về cư trú; khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở DLQG về DC  phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, công tác chuyên môn; trong khi chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương có thể khai thác thông tin trong Cơ sở DLQG về DC để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính có yêu cầu chứng minh nơi cư trú theo quy định tại Nghị định số 37 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đang khẩn trương báo cáo, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc quyền căn cứ vào các loại giấy tờ nêu trên để xác định nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan cho công dân; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở DLQG về DC để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính, công tác chuyên môn. Sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong Cơ sở DLQG về DC thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính.         

PV: Vậy cách tra cứu thông tin công dân được thực hiện như thế nào?

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh: Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú thống nhất, đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị hết ngày 31/12/2022). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao triển khai Luật Cư trú năm 2020, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng hướng dẫn về các phương thức tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Cụ thể: Sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD; người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở DLQG về DC để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; sử dụng ứng dụng VneID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34, ngày 8/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ); sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56, ngày 15/5/2021 của Bộ Công an); sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở DLQG về DC.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Minh Hiền (thực hiện)
.
.