Thẻ căn cước công dân gắn chip mới sẽ mang lại rất nhiều lợi ích

Thứ Sáu, 24/03/2023, 10:40

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với các dự án, trong đó có Luật Căn cước công dân (CCCD, sửa đổi).

Theo đó, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân, là bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và in trên thẻ cứng. Thẻ CCCD gắn chip với 13 trường thông tin, hình ảnh, ngoài ra một số thông tin cũ in trên CCCD gắn chip được đề xuất bỏ.

Để hiểu thêm hơn về vấn đề này, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng sắp có mẫu thẻ CCCD mới là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), Xin đồng chí cho biết mẫu thẻ CCCD mới sẽ thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) quy định thông tin trên thẻ CCCD sẽ được thay đổi, lược bỏ một số thông tin so với quy định như thay đổi thông tin về nơi thường trú, quê quán thành nơi cư trú, nơi đăng ký khai sinh, thay đổi thông tin về họ tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ thành nơi cấp: Bộ Công an. Bên cạnh đó, một số thông tin trên thẻ sẽ được lược bỏ như vân tay, đặc điểm nhân dạng của người cấp thẻ. Việc quy định như trên để bảo đảm thuận lợi, bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình cấp, sử dụng thẻ CCCD.

Lợi ích mang lại từ thẻ căn cước công dân gắn chip mới -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

PV: Hiện nay nhiều người dân đang sử dụng chứng minh nhân dân (CMND), hay thẻ CCCD gắn chip trong giao dịch, vậy có phải làm lại CCCD theo mẫu mới sửa đổi? Nếu trường hợp vẫn giữ thì tồn tại CCCD mã vạch và CCCD gắn chip, CCCD gắn chip mẫu mới với nhiều thông tin khác nhau, lâu dài thì có ảnh hưởng đến giao dịch không, thưa Thiếu tướng?

Lợi ích mang lại từ thẻ căn cước công dân gắn chip mới -0
Căn cước công dân gắn chip mới với 13 trường thông tin, hình ảnh.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Dự thảo Luật quy định chuyển tiếp theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến CMND, thẻ CCCD trong các giấy tờ đã cấp.

Hiện nay về cơ bản Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của CMND cơ bản không tác động đến công dân; quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng CMND cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ CCCD và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử. Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay; những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ (không tác động đến các thẻ CCCD đã cấp).

PV: Thiếu tướng có thể cho biết vì sao khi làm thẻ CCCD gắn chip thay cho CMND sao không thay đổi các trường thông tin môt thể để đảm bảo tính thống nhất?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Thẻ CCCD gắn chip hiện nay được Bộ Công an tổ chức cấp từ tháng 1/2021, các thông tin thể hiện trên thẻ theo quy định của Luật CCCD năm 2014. Đến thời điểm hiện nay, khi xây dựng Luật CCCD (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi các thông tin trên thẻ để bảo đảm thuận lợi, bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình cấp, sử dụng thẻ CCCD.

PV: Trong Luật CCCD (sửa đổi) phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú, nếu trường hợp người dân thay đổi nơi ở, có ảnh hưởng đến công tác quản lý con người của các cơ quan chức năng không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Như đã nói ở trên, việc thay đổi thông tin nơi thường trú thành nơi cư trú, thay đổi thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh để bảo đảm thuận lợi cho công dân trong quá trình cấp, sử dụng thẻ CCCD. Ví dụ như đối với mẫu thẻ CCCD cũ, công dân bắt buộc phải có thông tin về nơi đăng ký thường trú mới được cấp thẻ CCCD. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ CCCD. Khi công dân có sự thay đổi thông tin sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, do vậy cơ quan quản lý CCCD hoàn toàn có thể quản lý được công dân.

PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng việc lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ CCCD cũng vậy, có gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân hay không? Khi bỏ các dữ liệu trên, chúng ta sẽ quản lý công dân như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Những thông tin về vân tay, đặc điểm nhân dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ CCCD, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD (chip điện tử). Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ CCCD để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin trong chip điện tử thông qua các phương tiện nghiệp vụ, không có phát sinh vướng mắc gì cả.

Xin cảm ơn Thiếu tướng! 

Minh Hiền
.
.