Thái Bình xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số thiết chế pháp lý và ANTT
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là thước đo của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương về mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2022, điểm chỉ số PCI của tỉnh Thái Bình đạt 65,78 điểm xếp thứ 28/63 toàn quốc, tăng 19 bậc so với năm 2021; trong đó điểm thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự (ANTT) đạt 8,50 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc, tăng 44 bậc so với năm 2021.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI) là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; trên cơ sở kết quả chỉ số DDCI để làm rõ những mặt tồn tại, hạn chế, những “điểm nghẽn” trong công tác cải cách thủ tục hành chính, từ đó kịp thời có giải pháp để tháo gỡ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Kết quả chỉ số DDCI của Công an tỉnh Thái Bình thuộc nhóm dẫn đầu các sở, ngành. Kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an tỉnh Thái Bình năm 2022 cho thấy: 100% doanh nghiệp khi được hỏi đều đánh giá rất hài lòng hoặc hài lòng về tinh thần, thái độ của cán bộ, chiến sĩ, cũng như chất lượng và thời gian giải quyết thủ tục hành chính của lực lượng Công an.
Thời gian qua, để nâng cao Chỉ số xếp hạng PCI và chỉ số DDCI, Công an tỉnh Thái Bình đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo đột phá, nâng cao chỉ số xếp hạng trong cả nước cũng như trong khu vực, tạo niềm tin và động lực để doanh nghiệp đến đầu tư tại Thái Bình. Đồng thời chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm; chỉ thị về “tăng cường công tác bảo đảm ANTT trong tình hình hiện nay”; trong đó đã quán triệt, thống nhất nhận thức, xác định: Bảo đảm môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt.
Công an tỉnh Thái Bình cũng đã tập trung cao độ thực hiện quyết liệt Đề án 06 và 2 Dự án gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm nhiều loại giấy tờ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai đầy đủ 100% thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh và tại bộ phận một cửa Công an các cấp; đề xuất Bộ Công an cắt giảm, đơn giản hóa 16 quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Công an tỉnh đã mạnh dạn cắt giảm thời gian giải quyết đối với 101 thủ tục hành chính (tổng thời gian cắt giảm 182,5/579 ngày làm việc; tỉ lệ cắt giảm thời gian giải quyết đạt 31,5% so với quy định) tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Triển khai cung cấp 119 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia, năm 2022, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 125.815 hồ sơ trực tuyến đạt 54,4%, 6 tháng đầu năm 2023 tiếp nhận 88.684 hồ sơ trực tuyến đạt 78%, tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Được biết, đến nay, các lĩnh vực thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp như: Quản lý xuất nhập cảnh; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu; phòng cháy, chữa cháy; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đăng ký xe đã được triển khai tiếp nhận hồ sơ thủ tục hoàn toàn trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở, chủ doanh nghiệp tổ chức tiếp, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, người lao động, không để xảy ra các vụ biểu tình, khiếu kiện đông người; xử lý 15 vụ việc vi phạm các quy định trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; hướng dẫn, kiến nghị xử lý 23 đối tượng, doanh nghiệp, dự án có vi phạm trên lĩnh vực an ninh kinh tế.
Công an tỉnh đã liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã triệt phá 43 đường dây, ổ nhóm, bắt xử lý 134 đối tượng, trong đó có nhiều đường dây, ổ nhóm phức tạp, nguy hiểm “núp bóng” công ty, doanh nghiệp để hoạt động phạm tội làm ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, khởi tố 25 vụ, 43 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” .
Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian tới, Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, của tỉnh về nhiệm vụ công tác Công an, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, các giải pháp nâng cao điểm chỉ số PCI, DDCI của tỉnh và các chỉ số khác. Đưa các tiêu chí thành phần của chỉ số PCI, DDCI vào thành một trong những chỉ tiêu công tác “cứng” hằng năm để tập trung chỉ đạo; xây dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển – kinh tế - xã hội của địa phương.