Tăng tốc chuyển đổi số, vì lợi ích của người dân
Bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" góp phần phục vụ việc cấp căn cước công dân (CCCD); tài khoản định danh điện tử; dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)... là những nội dung trọng tâm cần thực hiện trong cao điểm 90 ngày đêm triển khai các quy định của Luật Cư trú và đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP vừa được Công an tỉnh Bạc Liêu phát động.
Công an tỉnh Bạc Liệu chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương rà soát, giải quyết hồ sơ đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân; tăng cường các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư; phân loại công dân trên địa bàn chưa được cấp CCCD theo diện thường trú, tạm trú chưa được đăng ký thường trú; cập nhật biến động dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối sánh, điều chỉnh; tổ chức phân bổ chỉ tiêu cho Công an các xã, phường, thị trấn bảo đảm trước ngày 1/1/2023 kích hoạt thành công hơn 850.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2.
Thượng tá Lê Quốc Cường, Phó trưởng Phòng CSQLHC về TTXH Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Luật Cư trú quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi cư trú mới vào cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trước đây".
Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", Công an xã, phường, thị trấn trong tỉnh "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dữ liệu", sử dụng hiệu quả mạng xã hội Zalo, Facebook để thông báo cho người dân biết thời gian, địa điểm cấp CCCD lưu động; sắp xếp, bố trí cho người dân bắt số thứ tự tương ứng với từng khung giờ cụ thể. Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi đi làm CCCD thì chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết, như: BHYT, BHXH, giấy phép lái xe, giấy đăng ký phương tiện… để tích hợp làm định danh điện tử. Với cách làm như vậy, khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD sẽ thuận tiện hơn, tránh mất nhiều thời gian hướng dẫn thủ tục, không để người dân chờ đợi lâu, không để xảy ra trường hợp máy chờ người hoặc người chờ máy.
Ông Võ Minh Sơn (ngụ xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), chia sẻ: "Nhà tôi cách xa trung tâm huyện. Lúc đầu tôi nghĩ đi làm CCCD sẽ mất nhiều thời gian, nhiều loại thủ tục, ảnh hưởng đến công việc, nhưng khi được các anh Công an xã thông báo, tôi đến làm CCCD được hướng dẫn nhiệt tình, không mất nhiều thời gian, mà thấy CCCD gắn chíp có nhiều tiện ích".
Công an tỉnh Bạc Liêu tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân (thẻ CCCD; thiết bị đọc mã QR; thiết bị đọc chíp trên CCCD; khai thác thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng phần mềm VNeID trên thiết bị điện tử; sử dụng giấy xác nhận cư trú; sử dụng số định danh cá nhân) để thay thế việc yêu cầu xuất trình hộ khẩu, sổ tạm trú khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Đối với 11 DVCTT thuộc Đề án 06 do Bộ Công an chủ trì, Công an các cấp phải bảo đảm tối thiểu 30% hồ sơ đăng ký thường trú, 50% hồ sơ đăng ký tạm trú, 70% hồ sơ khai báo tạm vắng, 100% hồ sơ thông báo lưu trú; các thủ tục còn lại đảm bảo đạt từ 30-40% được thực hiện thông qua DVCTT.
Thiếu tá Kiều Quốc Thanh, Trưởng Công an phường 1 (TP Bạc Liêu) cho biết: "Phường 1 có gần 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, Công an phường đã hướng dẫn cho tất cả chủ cơ sở cách thức đăng ký cư trú trên cổng DVCTT, được sự đồng thuận cao của người dân. Khi đăng ký DVCTT, người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có thiết bị kết nối mạng internet. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho công dân; đồng thời giúp cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực cư trú".
Để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh Bạc Liêu còn triển khai hiệu quả các "mô hình điểm" như: Bố trí máy tính internet tại bộ phận tiếp dân, một cửa để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính qua DVCTT; bảo đảm 100% nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn thực hiện thông báo lưu trú qua DVCTT hoặc phần mềm VNeID trên thiết bị điện tử; đồng bộ 100% đối tượng chính sách trên hệ thống định danh và xác thực điện tử để chi trả trợ cấp; tổ chức cho 100% CSKV, Công an cấp xã được đào tạo, tập huấn thực hiện Đề án 06/CP trên hệ thống đào tạo trực tuyến ADTEECH.
Công an tỉnh Tây Ninh với cao điểm 90 ngày, đêm triển khai Luật Cư trú
Chiều 31/10, Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quân mở đợt cao điểm 90 ngày, đêm triển khai giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06/CP.
Theo đó, Công an tỉnh Tây Ninh đã lập danh sách 150.000 công dân trong độ tuổi cấp CCCD nhưng chưa làm thủ tục cấp thẻ; phân loại theo từng huyện, xã, ấp, khu phố để gửi cho lực lượng Công an cấp cơ sở tổ chức mời công dân đến làm CCCD gắn chip điện tử.
Công an tỉnh Tây Ninh triển khai ngày đêm, bắt đầu từ 7h đến 22h hằng ngày để thu nhận hồ sơ cấp CCCD, tiếp nhận hồ sơ đăng ký định danh điện tử cho tất cả công dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Lực lượng Công an khẩn trương hoàn thành điều tra cơ bản rà soát, phân loại công dân trên địa bàn chưa được cấp CCCD theo diện thường trú, tạm trú, chưa được giải quyết đăng ký thường trú; các trường hợp không thể thu nhận hồ sơ cấp CCCD; cập nhật, tạo biến động dân cư trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các trường hợp không thể thu nhận hồ sơ cấp thẻ để Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an đối sánh, điều chỉnh kịp thời danh sách các trường hợp chưa thu nhận hồ sơ cấp CCCD.
H.Thủy-N.Minh