Sắp khánh thành Tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ"
Sau hơn 1 năm nỗ lực triển khai, công trình tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” đã được hoàn thiện, thông qua nghiệm thu, dự kiến chính thức khánh thành tại Hà Nội vào ngày 17/7.
Tượng đài chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), chiến sĩ Cảnh sát Giao thông chủ đề “Công an nhân dân vì dân phục vụ” là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND, được đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Công trình nhằm tôn vinh hình tượng cao đẹp, đóng góp của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và Cảnh sát giao thông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng CAND; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an với các tầng lớp nhân dân.
Công trình được xây dựng tại hai thành phố lớn nhất cả nước với kỳ vọng là công trình điêu khắc có giá trị nghệ thuật, xứng tầm công trình văn hóa tiêu biểu tại Thủ đô Hà Nội và thành phố mang tên Bác.
Sau hơn 1 năm nỗ lực triển khai, công trình tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” tại Hà Nội đã được hoàn thiện, thông qua nghiệm thu, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Tại Hà Nội, tượng đài nằm sát tường rào Công viên Thống Nhất trên đường Trần Nhân Tông (đoạn từ cổng công viên đến đường Quang Trung), quận Hai Bà Trưng. Tượng đài gồm 7 nhân vật, cao khoảng 7,2m. Chất liệu là ép đồng công nghệ mới.
Chia sẻ về công trình tượng đài này, các nhà khoa học, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc trong Hội đồng nghệ thuật đều đánh giá rất cao cả về nội dung và hình thức thể hiện.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cụm tượng “Công an nhân dân vì dân phục vụ” đạt chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu nội dung đề ra. Cụm tượng đã truyền tải được nội dung và thông điệp đến người xem bởi phong cách nghệ thuật thuật hiện thực, gần gũi, giản dị và truyền cảm.
Khảo sát kỹ lưỡng công trình, PGS, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nguyên Trưởng khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật bày tỏ ngạc nhiên khi chỉ trong một thời gian ngắn, với kỹ thuật thực hiện tương đối mới nhưng nhóm tác giả và đội ngũ kỹ thuật đã xử lý tốt, tỷ lệ nhóm tượng vừa phải, chất lượng của các nhân vật bằng đồng thép đạt yêu cầu.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, công trình tượng đài nói trên là kết quả từ sự quyết tâm rất lớn của Bộ Công an. Trong một thời gian ngắn, Ban tổ chức đã triển khai thành công các cuộc thi, xét chọn mẫu phác thảo, xây dựng nhiều phương án và chọn được phương án tốt nhất.
Đặc biệt, việc chuyển từ 2 nhóm tượng ở 2 không gian khác nhau như dự định ban đầu để thành 1 nhóm thống nhất là quyết định rất táo bạo. Bởi lẽ, trong nghệ thuật điêu khắc, có khi chỉ chuyển cái tay nhân vật là phải chuyển cả bố cục nhưng Ban tổ chức, nhóm tác giả đã hợp nhất thành công. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, thông thường, với một công trình có nhiều nhân vật, làm bằng chất liệu đồng như tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” thì thời gian thực hiện rất dài, có khi đến 5 năm. Với công trình này, nhóm tác giả và kỹ thuật đã hoàn thành rất nhanh.
Nhà Điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng nhận định: Tượng nhân vật có hồn, chân dung đẹp, phong phú, không giống bất cứ tượng nào đã có ở Việt Nam. Chất liệu thép thủy lực, khối căng, màu sắc đồng đạt giá trị thẩm mỹ truyền thống. Động tác, trang phục nhân vật đúng với thực tế của lực lượng CAND.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chuyên gia về kiến trúc đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng nhận định: Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” không phải là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà là tác phẩm nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, ca ngợi lực lượng CSND. Tượng đài đã được thực hiện rất thành công, đảm bảo về nghệ thuật và đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an đề ra.
Cũng theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, xây dựng tượng đài về lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát Giao thông chưa được giới điêu khắc ở Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới, người lính cứu hỏa được tôn vinh nhiều và hình thức thể hiện rất phong phú. Việc xây dựng tượng đài về Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát giao thông không chỉ mang ý nghĩa nghệ thuật mà còn mang tính giáo dục, giúp công chúng hiểu rõ hơn nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an, từ đó cảm thông, chia sẻ hơn với lực lượng CAND, nâng cao ý thức hơn hơn trong tuân thủ Luật An toàn giao thông, trong phòng chống cháy nổ. Việc bố trí quảng trường trước tượng đài rất hợp lý, tạo không gian phù hợp cho lực lượng CAND tổ chức các hoạt động như lễ ra quân, phát động tháng an toàn giao thông…