Rút ngắn thời gian cấp CCCD nhờ dịch vụ công trực tuyến
Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương - Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC) Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Cũng như nhiều dịch vụ công trực tuyến khác, hiện nay công dân có thể đăng ký trước thông tin để thực hiện việc cấp Căn cước công dân (CCCD) qua internet, rút ngắn thời gian chờ đợi, khai báo thông tin khi đến lăn tay, chụp ảnh.
Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho công dân và tổ chức doanh nghiệp, được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tác động trực tiếp mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội…
Đáng chú ý, từ khi Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào sử dụng, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo liên thông, công khai, minh bạch thông tin trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính đã và đang mang lại nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong cấp CCCD không chỉ góp phần tăng tính công khai, minh bạch của các thủ tục này mà còn tạo điều kiện cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp và mang lại nhiều tiện ích khác như: Có thể đăng ký các hồ sơ về cư trú và CCCD trực tuyến 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ địa điểm nào, việc tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, tiện lợi.
Theo Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương - Đội 1, Phòng CSQLHC, Công an tỉnh Thanh Hóa: Nếu như trước đây, khi sử dụng dịch vụ công truyền thống, công dân và các tổ chức, doanh nghiệp muốn đăng ký các thủ tục về cấp CCCD thì phải trực tiếp đến các cơ quan Công an làm thủ tục theo đúng quy trình. Quá trình chờ được giải quyết hoặc nhận kết quả giải quyết hồ sơ hành chính có thể đi lại nhiều lần và phải đến trực tiếp cơ quan Công an để nhận kết quả. Nhưng với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân chỉ cần sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet để đăng ký hồ sơ, thủ tục hoặc tra cứu thông tin, tiến độ cũng như kết quả giải quyết hồ sơ ngay tại nhà, văn phòng, đơn vị hoặc ngay tại cơ sở kinh doanh.
Với thủ tục đơn giản, thuận tiện, chỉ sau vài thao tác trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet, hồ sơ đã được gửi đến cơ quan Công an có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.Việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục được cụ thể, rõ ràng, không phải phát sinh thêm nhiều loại giấy tờ, thủ tục không liên quan như khi thực hiện đăng ký dịch vụ công truyền thống. Đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm giấy tờ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho công dân, doanh nghiệp. Hiệu quả kinh tế cho cả người sử dụng dịch vụ công trực tuyến và cơ quan Công an thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với lĩnh vực cấp CCCD nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Tuy nhiên, hiện thủ tục cấp CCCD chỉ mới ở mức độ 3, do vậy, sau khi khai báo thông tin hồ sơ cấp CCCD trực tuyến, công dân đang phải đến trực tiếp để lăn tay, chụp ảnh, Trung tá Lê Quỳnh Hương cho biết thêm.
Theo đánh giá của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công của Công an Thanh Hóa trên tất cả các lĩnh vực đều đạt trên 53%. Trong đó, có một số lĩnh vực đạt tỷ lệ cao, như: Lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; lĩnh vực con dấu đạt 100%; lĩnh vực xuất nhập cảnh đạt 91,74%, lĩnh vực giao thông đạt 71,8%; lĩnh vực cư trú đạt 94,58% v.v…
Thời gian tới, để góp phần nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến cũng như tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực cấp CCCD. Trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền tiện ích về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trong cấp CCCD, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… Đồng thời, phân công, bố trí cán bộ theo dõi, hướng dẫn công dân và tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trên phần mềm hệ thống cấp, quản lý CCCD; niêm yết hướng dẫn việc đăng ký cấp CCCD bằng hình thức trực tuyến; trang bị máy tính kết nối Internet ngay tại các điểm tiếp công dân; công khai số điện thoại, đường dây nóng, các kênh liên lạc hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho công dân trong quá trình nộp và giải quyết hồ sơ trực tuyến… Mục tiêu cao nhất là tạo mọi điều kiện cho công dân, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp khi thực hiện thủ tục cấp CCCD, đảm bảo mọi quyền lợi và mang lại nhiều tiện ích cho công dân khi đăng ký hồ sơ trực tuyến.
Với sự nỗ lực của ngành Công an, dịch vụ công đang dần được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính. Sự hài lòng của người dân chính là động lực để Công an Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp đưa dịch vụ công đến gần hơn với nhân dân.