Những đột phá giúp Công an Hà Nội "phủ sóng" 100% CCCD gắn chip trên địa bàn

Thứ Năm, 06/07/2023, 16:18

Chiều 6/7, thông tin với PV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Công an TP Hà Nội đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip lần đầu cho hơn 6,2 triệu trường hợp công dân có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn thành phố, đạt 100% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Cùng với đó,  toàn TP Hà Nội đã thu nhận tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 5.330.114 trường hợp (đạt 89%%); đã kích hoạt tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 4.471.982 trường hợp (đạt 74,7%). Những đơn vị có tỷ lệ thu nhận cao nhất vượt chỉ tiêu được giao là Công an quận Tây Hồ (đạt 106,1%), Hà Đông (đạt 105,3%), Nam Từ Liêm (đạt 102,7%). Đơn vị có tỷ lệ kích hoạt cao nhất là Tây Hồ (đạt 94,4%), Hà Đông (đạt 93,4%), Gia Lâm (đạt 88,7%).

Sáu đột phá giúp Công an Hà Nội cán đích cấp CCCD -0
Công an TP Hà Nội đã hoàn thành "phủ sóng" cấp CCCD gắn chip.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đánh giá, có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như, Hà Nội là thành phố có số nhân khẩu đăng ký thường trú lớn nhất cả nước với gần 8 triệu nhân khẩu. Thành phần dân cư cũng rất đa dạng, biến động cư trú diễn ra thường xuyên, nhiều công dân Hà Nội đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là địa bàn có rất nhiều nhân khẩu của tỉnh, thành phố khác đến học tập, làm việc; trong đó, có nhiều trường hợp qua rà soát chưa được cấp CCCD gắn chíp, chưa được thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử.

Mặc dù có nhiều khó khăn, song theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, có 6 bài học kinh nghiệm giúp Công an TP Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip. Điển hình như, Mệnh lệnh 01 của Giám đốc Công an TP Hà Nội đã góp phần chuyển hóa nhận thức của người đứng đầu các đơn vị trong quá trình thực hiện. Nhiều vấn đề khó đã được giải quyết khi người đứng đầu xác định rõ trách nhiệm của mình. Chỉ tiêu, thông tin được phân tích cụ thể, rõ ràng, từ số liệu cho đến các khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Công an TP đã huy động tổng lực các lực lượng vào thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Giám đốc Công an TP.

Kết quả đã tạo sự chuyển biến đồng bộ của cả đơn vị, lan tỏa đến toàn thể CBCS cùng vào cuộc tích cực. Mệnh lệnh 01 đã đặt trách nhiệm trực tiếp vào người đứng đầu đơn vị, cho nên bất kỳ chỉ huy nào cũng không thể lơ là, chậm trễ trong quá trình triển khai thực hiện.

Người đứng đầu đơn vị với quyết tâm chính trị lớn, chủ động tham mưu, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác phối hợp triển khai thực hiện Tổ Đề án 06 trên địa bàn. Quá trình thực hiện, Công an TP Hà Nội thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của Trung tâm dữ liệu dân cư trong việc giải quyết dứt điểm các vấn đề về làm sạch dữ liệu, kịp thời giải đáp, hướng dẫn các vấn đề khó khăn, phát sinh trong quá trình thu nhận hồ sơ cấp CCCD.

Bên cạnh các Tổ thu nhận của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an quận, huyện, thị xã, lực lượng Công an cấp xã cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong công tác tổ chức điều tra cơ bản, vận động, tuyên truyền và trực tiếp phối hợp các Tổ thu nhận lưu động ở cơ sở.

“Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo rà soát, theo dõi và bám, nắm kết quả thực hiện hàng ngày, cụ thể đến từng đơn vị cấp xã. Kịp thời nhân rộng mô hình đối với những đơn vị có kết quả tốt, cách làm hay, động viên, khích lệ các tổ công tác có hiệu quả, hiệu suất công việc cao. Đồng thời, đối với những đơn vị có nhiều tồn tại, hạn chế và chậm chuyển biến, có hình thức phê bình, kiểm điểm nếu để ảnh hưởng đến kết quả chung của Công an TP do các nguyên nhân, điều kiện chủ quan”- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, đơn vị còn tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của Công an các địa phương trong cả nước. Công an các quận, huyện thành lập các tổ hỗ trợ công dân, làm đầu mối, kịp thời nối máy đến các điểm thu nhận của địa phương khác, hỗ trợ công dân thu nhận hồ sơ tại nơi sinh sống. Với những biện pháp chủ động và quyết liệt trên đã giải quyết được số lượng lớn trường hợp công dân đang ở ngoại tỉnh chưa được cấp thẻ CCCD. 

Trong thời gian tới, cùng với việc nỗ lực thu nhận, cấp tài khoản định danh điện tử, Công an TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID giải quyết thủ tục hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử, phát triển các tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác cấp CCCD cho công dân đến độ tuổi, số chấp hành xong án phạt tù, số đi nước ngoài trở về; nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an các địa phương để xác minh, làm rõ số công dân không có mặt ở địa phương. Rà soát, phân tích dữ liệu các nhóm đối tượng cụ thể, chi tiết theo độ tuổi để triển khai cấp CCCD gắn chíp và cấp định danh điện tử gắn với nơi thường trú, tạm trú; đảm bảo 100% công dân trong độ tuổi được cấp thẻ CCCD gắn chíp, định danh điện tử mức 2, cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID.”- Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết.

Hoàng Phong
.
.