Rà soát các cơ sở chuyên "độ, chế" môtô, xe máy
Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn ra căng thẳng, nhưng những ngày giáp Tết, lượng phương tiện tham gia lưu thông vẫn đông, giao thông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Nhằm làm rõ hơn các phương án bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội.
PV: Mới đây, tại cuộc họp về ATGT, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã nhắc đến vấn đề “tái diễn” tình trạng đua xe trái phép tại một số tỉnh thành. Thực trạng này có diễn ra tại Hà Nội không? CSGT Hà Nội đã có phương án gì để ngăn chặn và xử lý tình trạng này, thưa ông?
Thiếu tá Đào Việt Long: Thời gian qua, các vụ việc liên quan đến tình trạng đua xe trái phép đã xảy ra trên một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Các đối tượng phần lớn là thanh, thiếu niên, với độ tuổi còn rất trẻ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đảm bảo TTATGT, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cho chính các đối tượng. Lực lượng CSGT Thủ đô luôn chấp hành nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT, CATP Hà Nội trong việc chủ động lên phương án, xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng phòng, chống đua xe trái phép diễn ra trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, chúng tôi tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm bắt các đối tượng, phương tiện thường được sử dụng đua xe trái phép, quản lý các cơ sở sửa chữa, chuyên “độ, chế” môtô, xe máy… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông. Đối với các trường hợp có hành vi vi phạm về TTATGT, trật tự công cộng, chúng tôi kiên quyết xử lý theo quy định nhằm tạo sức răn đe đối với người tham gia giao thông.
PV: Lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đánh giá thế nào về tình hình giao thông Hà Nội hiện nay? Liệu có vấn đề gì diễn biến đáng lo ngại, vượt tầm kiểm soát của lực lượng chức năng?
Thiếu tá Đào Việt Long: Hiện nay là thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao (đi mua sắm Tết, về quê, giao thương buôn bán…), vì vậy lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường nội đô cũng như cửa ngõ ra, vào thành phố, các tuyến trục chính luôn dày đặc. Phòng CSGT đã luôn chủ động chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác điều tra cơ bản, kiểm soát chặt chẽ tình hình TTATGT, kịp thời triển khai các biện pháp, giải quyết các vụ việc, sự cố phát sinh gây ảnh hưởng đến TTATGT, tuyệt đối không để xảy ra bị động bất ngờ.
PV: Càng về cuối năm, giao thông trên toàn thành phố lại càng diễn biến khó lường, nguy cơ ùn tắc vẫn thường trực. CSGT Hà Nội đã thực hiện những biện pháp gì và trong số các giải pháp đó,đâu sẽ là điểm nhấn, thưa ông?
Thiếu tá Đào Việt Long: CSGT Hà Nội luôn chủ động dự báo trong việc tình hình, lên phương án cụ thể và có hướng giải quyết phù hợp. Cụ thể, chúng tôi luôn đặt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông là công tác trọng tâm, được đặt lên hàng đầu.Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng làm tốt việc phối hợp với Kênh VOV Giao thông, cảnh báo người dân hạn chế không đi vào các tuyến đường đang xảy ra ùn ứ giao thông, các tuyến đường đang có vụ tai nạn xảy ra,…
Từ đó, người tham gia giao thông sẽ thay đổi tuyến đường để có lộ trình phù hợp, an toàn, thông suốt.Đồng thời, chúng tôi phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã, Công an phường, Công an xã, Cảnh sát trật tự,… trên địa bàn thành phố tăng cường phân luồng, hướng dẫn, chỉ huy điều khiển giao thông, đặc biệt là tại các điểm ngã ba, ngã tư, các cửa ngõ ra vào thành phố, các tuyến, trục chính, đường xuyên tâm – nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ngoài ra, với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông như hiện nay, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là điều tất yếu. Rất nhiều đối tượng còn lợi dụng hoạt động giao thông để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ; vận chuyển chất ma túy trái phép hay khai thác cát trái phép… Đối với những trường hợp không chấp hành luật giao thông, lực lượng CSGT sẽ kiểm tra, xử phạt, phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Một công tác rất quan trọng chính là công tác tổ chức giao thông. CSGT sẽ chủ động trong việc phối hợp với Công an địa phương, ngành GTVT đẩy nhanh tiến độ khảo sát điểm đen tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông để từ đó, xây dựng các đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm cải thiện tình trạng này. Tất cả các hoạt động phục vụ công tác chuyên môn đều được chúng tôi thực hiện trong điều kiện đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ đầy đủ 5K.
PV: Từ đầu tháng 12/2021, CSGT Hà Nội đã ra quân đảm bảo TTATGT. Vậy kết quả cụ thể từ ngày đầu ra quân đến nay như thế nào? Lỗi nào được coi là vi phạm nhiều nhất?
Thiếu tá Đào Việt Long: Từ ngày đầu ra quân đến nay, Phòng CSGT tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Cụ thể, chúng tôi đã xử lý hơn 14 nghìn trường hợp vi phạm, phạt hơn 7 tỷ đồng. Tước giấy tờ và tạm giữ GPLX của các phương tiện vi phạm theo đúng quy định. Trong đó, lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là lỗi về đội mũ bảo hiểm (5.972 trường hợp), chúng tôi nghiêm túc xử phạt vì không đội mũ bảo hiểm không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng đến những nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông của cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đa dạng hóa, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT đến nhân dân để hạn chế tối đa các vi phạm diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
PV: Năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông 5-10% trên cả 3 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu này, CSGT Hà Nội sẽ có giải pháp nào?
Thiếu tá Đào Việt Long: Năm 2022 được dự báo sẽ là một năm tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp hơn do dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động đang dần đi vào trạng thái “bình thường mới”, “thích ứng an toàn, linh hoạt”, do đó mục tiêu giảm tai nạn giao thông không phải dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, dự báo trước tình hình đó, Phòng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho CATP, Bộ Công an để kiềm chế, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!