Quản trị hiện đại, tiền đề xây dựng Chính phủ số
Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an tỉnh Bạc Liêu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu các chuyên ngành khác để số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường trực tuyến. Đây là bước tiến mới trong thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp người dân tiếp cận gần hơn với dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Hiện, ngành Công an đã đưa 224 dịch vụ công thiết yếu thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH); quản lý xuất nhập cảnh; phòng cháy, chữa cháy (PCCC); quản lý trật tự an toàn giao thông lên mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong tiến trình đổi mới quản trị theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, là tiền đề thực hiện nhiệm vụ trọng tâm quốc gia được nêu trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thượng tá Lê Quốc Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Việc ứng dụng DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính, mang đến nhiều lợi ích thiết thực". Việc sử dụng các DVCTT đem lại nhiều tiện ích thiết thực, người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết TTHC ở mọi lúc, mọi nơi, giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ; không phải đi lại nhiều lần, không mất thời gian chờ đợi; vừa tạo điều kiện thuận cho công dân vừa giúp giảm áp lực hồ sơ, giấy tờ công việc cho các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, khi sử dụng DVCTT, công dân có thể theo dõi trạng thái hiện tại của quy trình giải quyết hồ sơ mà mình đã đăng ký. Điều này góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại cho công dân khi nộp hồ sơ; tăng tính minh bạch trong giải quyết TTHC của cơ quan Công an.
Tính đến ngày 31/10/2023, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, giải quyết 157.387 hồ sơ trực tuyến, đạt 53,6%. Trong đó, nhiều lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến rất cao, như: Đăng ký, quản lý con dấu có 419 hồ sơ, đạt 100%; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có 72 hồ sơ, đạt 100%; PCCC có 303 hồ sơ, đạt 96,5%; quản lý xuất nhập cảnh có 19.864 hồ sơ, đạt 85,8%; đăng ký, quản lý cư trú có 94.495 hồ sơ, đạt 69,9%.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bạc Liêu tăng cường phối hợp với sở, ban, ngành chức năng, triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu các chuyên ngành khác để số hóa trong giải quyết TTHC trên môi trường trực tuyến. Điển hình như việc phối hợp ngành Tư pháp trong tiến hành kiểm tra, đối sánh, cập nhật, đồng bộ dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư của công dân trên toàn tỉnh; phối hợp với ngành Y tế trong đồng bộ dữ liệu dân cư phục vụ đăng ký khám chữa bệnh, đối chiếu thông tin bảo hiểm y tế, quản lý lưu trú đối với bệnh nhân và người thân thăm nuôi…
Theo số liệu thống kế của Sở Tư pháp Bạc Liêu, hiện đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, rà soát đối sánh 1.179.085 dữ liệu đăng ký hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm tạo thành bộ dữ liệu dùng chung phục vụ khai thác, sử dụng dữ liệu liên quan đến lĩnh vực tư pháp thời gian tới. Thượng tá, bác sĩ Võ Văn Trạng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Công an tỉnh thành lập Tổ công tác đến bệnh viện để kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Điều này hỗ trợ bệnh viện rất nhiều trong việc tiếp nhận hồ sơ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh nhân theo hình thức trực tuyến, giảm thời gian của bệnh nhân và cả y, bác sĩ. Đồng thời, việc triển khai phần mềm ASM cũng đã giải quyết được việc quản lý bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ thông tin thân nhân lưu trú chăm nuôi bệnh và những người ra, vào bệnh viện vốn tồn tại nhiều bất cập trước đây"…
Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong thời gian tới, Công an tỉnh Bạc Liêu tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số trong thực hiện công tác chuyên môn, nhất là tại những đơn vị thực hiện chức năng giải quyết TTHC. Chú trọng việc kiện toàn bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết các TTHC cho công dân; bố trí cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin cao, đảm bảo thực hiện giải quyết TTHC cho công dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, chất lượng. Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ ngành Công an và kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; bảo đảm kết nối, liên thông và thực hiện chia sẻ dữ liệu một cách thông suốt, đồng bộ, an ninh, an toàn với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng DVCTT trong thực hiện các TTHC. Phối hợp với các nhà mạng viễn thông tổ chức rà soát, cập nhật thông tin chính chủ cho thuê bao di động của người dân, tạo thuận lợi khi đăng ký tài khoản định danh điện tử; phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, THPT tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên cài đặt ứng dụng VNeID; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cơ sở "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động người dân đăng ký DVCTT, tài khoản định danh điện tử.
Thượng tá Trang Minh Trường, Trưởng Công an huyện Vĩnh Lợi cho biết: "Công an huyện tích cực tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể trong thực hiện Đề án 06, mà trước mắt là triển khai thực hiện 43 mô hình điểm để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với DVCTT; tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, công khai, minh bạch và đúng quy định. Từ đó, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận các dịch vụ công của ngành Công an một cách nhanh nhất, gần nhất và thực sự trở thành trung tâm phục vụ".