Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ CAND trong chuyển đổi số
Thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế luôn tiên phong đi đầu trong trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những sáng kiến, mô hình hay của tuổi trẻ Công an Thừa Thiên Huế góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trong hai ngày cuối tuần qua (ngày 9 và 10/11), dù là ngày nghỉ nhưng Đại úy Nguyễn Bá Tùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cùng cán bộ của Đội là Thiếu tá Nguyễn Thân Ngọc Phú đã đến nhà cụ ông Trương Đình Bủng (77 tuổi, trú tại thôn Thủy Điền, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) để giải quyết thủ tục hành chính cho cụ Bủng. Biết cụ Bủng tuổi cao sức yếu, bản thân không thể tự đi đến trụ sở cơ quan Công an nên các anh đã mang máy móc để chụp ảnh chân dung, lấy dấu vân tay cụ Bủng nhằm hoàn thành thủ tục cấp Căn cước và tài khoản định danh điện tử (VNeID) cho cụ.
Trong khi đó, một tổ công tác khác gồm Thiếu úy Nguyễn Đình Phúc Hưng, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Quảng Điền và Trung úy Trương Thế Quý, cán bộ Công an xã Quảng Thái tìm đến nhà cụ bà Phạm Thị Hư (92 tuổi, trú tại thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái) để giúp cụ Hư làm các thủ tục, hoàn thành hồ sơ cấp Căn cước.
Đại úy Nguyễn Bá Tùng cho biết, với phương châm “2T” (Tận nhà nhận hồ sơ, tận tay trả kết quả) và “3K” (Không hình thức, không khoảng cách, không giới hạn”, các ĐVTN thuộc đơn vị đã không quản khó khăn, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để đến nhà các hộ dân là người già yếu, mất khả năng đi lại ở trên địa bàn huyện để thu nhận hồ sơ, làm thủ tục cấp Căn cước và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Với mô hình “Ngày cuối tuần giải quyết thủ tục hành chính tại nhà dân”, chỉ tính riêng trong 1 tháng qua, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu nhận, giải quyết gần 140 hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước và tài khoản định danh điện tử cho người có công cách mạng, người già yếu, ốm đau, bệnh tật, người hạn chế khả năng đi lại không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan Công an thực hiện thủ tục hành chính.
Thiếu tá Lê Viết Phương, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài mô hình trên, tuổi trẻ Công an tỉnh là lực lượng xung kích đi đầu, có mặt trong mọi nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số. ĐVTN Công an các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác số hóa, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Chủ công vận hành hệ thống camera giám sát an ninh công cộng và trật tự ATGT Công an tỉnh; triển khai hệ thống Trung tâm giám sát và phân quyền quản lý, vận hành camera cho Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn. Tuổi trẻ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế còn xung kích thực hiện nhiệm vụ bổ sung, cập nhật dữ liệu hồ sơ xe môtô với 3.240 lượt ĐVTN tham gia, hoàn thành nhập liệu 453.600 hồ sơ xe môtô do Công an tỉnh quản lý vào hệ thống dữ liệu quốc gia.
Đặc biệt, tuổi trẻ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập nhiều đội hình thanh niên tình nguyện gồm 120 ĐVTN về các địa phương để hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở thực hiện nhiệm vụ cấp Căn cước cho người dân. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trong thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến cho 2.935 cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và thân nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế. Phối hợp với Đoàn Thanh niên Đại học Huế tổ chức tuyên truyền, cài đặt ứng dụng và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho hơn 20.000 sinh viên thuộc các trường của Đại học Huế.
Theo Thiếu tá Lê Viết Phương, nhận thấy tại địa bàn huyện A Lưới tỷ lệ thu nhận hồ sơ và kích hoạt tài khoản định danh danh điện tử còn thấp, tuổi trẻ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đội hình tình nguyện “Ngày cuối tuần làm Công an xã”. Qua đó có 79 ĐVTN tăng cường hỗ trợ Công an huyện A Lưới với 29 tổ xung kích bố trí về 18 xã, thị trấn của huyện A Lưới. Với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các tổ xung kích đã thu nhận 2.882 hồ sơ và kích hoạt 5.429 hồ sơ định danh, góp phần nâng tỷ lệ thu nhận hồ sơ của toàn huyện A Lưới từ 25,76% lên 41,11%; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử từ 9,7% lên 26,75%. Ngoài ra, lực lượng ĐVTN Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều sáng kiến tiêu biểu gắn với chuyển đổi số đang được triển khai hiệu quả như mô hình “Phòng chống tội phạm thông qua hệ thống giám sát điều hành đô thị thông minh” của Chi đoàn Phòng Cảnh sát hình sự; “Thu thập chứng cứ điện tử phục vụ công tác điều tra” của Chi đoàn Phòng An ninh điều tra; mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đăng ký quản lý con dấu” của Chi đoàn Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH; “Phần mềm CIP4 phục vụ công tác truy vấn thông tin an ninh mạng” của Chi đoàn Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ Công an trong chuyển đổi số, thời gian tới, các tổ chức cơ sở Đoàn trong Công an tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực số cho ĐVTN. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, thành lập các đội thanh niên xung kích để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về chuyển đổi số, hướng dẫn các tiện ích, kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức các hoạt động cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết về chuyển đổi số của Đảng ủy Công an tỉnh. Tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tiên phong của ĐVTN thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số của đất nước cũng như trên các lĩnh vực công tác Công an và các hoạt động của Đoàn.