Phá án xuyên không gian mạng

Thứ Sáu, 22/07/2022, 07:10

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, viễn thông, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, các nền tảng số để hoạt động phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Loại tội phạm “ẩn danh” này hoạt động tinh vi và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Chính vì thế, để có thể điều tra, làm rõ và truy bắt được chúng, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát cũng phải “xuyên không gian mạng” để đánh án. Hành trình đó bội phần gian nan, vất vả…

Gian nan hành trình phá án

Là một trong những điều tra viên kỳ cựu chuyên đấu tranh với tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ: Đấu tranh với loại tội phạm này, anh em đánh án luôn xác định là phải “xuyên thời gian, xuyên không gian” để lặn lội phá án.

img-8141.jpg -0
Một số tang vật thu giữ trong chuyên án sử dụng công nghệ cao để đánh bạc do Công an Nghệ An vừa triệt phá.

Với chuyên án “Đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền vé máy bay của Việt kiều” mà Công an tỉnh Nghệ An vừa khám phá là một trong những điển hình. Thiếu tá Hiếu kể: Đơn vị nhận được đơn trình báo từ người thân của một số Việt kiều quê ở Nghệ An tố cáo bị một đối tượng thông qua mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Theo đó, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp trên thế giới, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về Việt Nam để tránh dịch. Tuy nhiên, do số lượng các chuyến bay giải cứu và hành khách trên mỗi chuyến bị hạn chế rất nhiều so với bình thường nên công dân muốn trở về Việt Nam phải đăng ký và có sự bảo hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Do đó, đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tình hình trên để chiếm đoạt tài sản của các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có nhu cầu về nước dưới hình thức mua, bán vé máy bay.

Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng yêu cầu bị hại cung cấp thông tin về đối tượng lừa đảo thì họ chỉ đưa ra được tài khoản mạng xã hội của đối tượng cùng số điện thoại liên lạc. Khi Cảnh sát vào cuộc thì cả tài khoản mạng xã hội lẫn số điện thoại đều bị khoá. Trước tình hình đó, đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an huyện Nghĩa Đàn phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp xác lập chuyên án để điều tra, làm rõ.

Việc điều tra, làm rõ thủ phạm ẩn danh trên mạng không khác gì “mò kim đáy bể”, bởi mọi thông tin về đối tượng không còn tồn tại. Không nản chí, mỗi thành viên Ban chuyên án không kể ngày đêm cùng nhau lần tìm từng dấu vết dù nhỏ nhất từ “thế giới ảo” để có thể dựng được thông tin về đối tượng trong đời thực.

Và liên tục 6 tháng ròng rã “xuyên không gian và xuyên thời gian” các thành viên ban chuyên án cũng đã “chỉ mặt, điểm tên” được đối tượng là Hồ Sơn Tùng (SN 1992), quê quán xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi bám theo đối tượng từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, cuối cùng, Tùng cũng bị sa lưới khi đang lẩn trốn tại TP Hải Phòng.

Quá trình điều tra làm rõ Hồ Sơn Tùng đã sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi. Đối tượng sử dụng các tài khoản Facebook ảo do mình lập nên với danh nghĩa là Việt kiều đã được về Việt Nam trong đại dịch COVID-19 và có ý muốn giúp đỡ, chia sẻ, hướng dẫn những người còn mắc kẹt ở nước ngoài làm thủ tục, giấy tờ cần thiết để có thể về nước rồi thông qua các hội, nhóm nhắn tin để tìm kiếm những công dân có nhu cầu về Việt Nam.

Khi nắm bắt được nhu cầu về nước của công dân, Tùng hướng dẫn họ gửi yêu cầu đến địa chỉ hộp thư điện tử mà Tùng đã lập sẵn và giả danh là hộp thư điện tử của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước kèm theo các hình ảnh giấy tờ cần thiết như hộ chiếu, giấy xác nhận đã tiêm chủng COVID-19, giấy xét nghiệm COVID-19.

Sau khoảng 1 đến 2 ngày, Tùng sử dụng hộp thư điện tử giả mạo này trả lời công dân với nội dung đề nghị của họ đã được chấp thuận, đồng thời gửi kèm thông tin số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo để bị hại trực tiếp liên lạc và được tư vấn về lịch bay cũng như lịch trình di chuyển rồi hướng dẫn họ chuyển tiền để Tùng đặt mua vé máy bay giúp.

Tuy nhiên, Tùng đề nghị bị hại chuyển tiền vào các số tài khoản của các công ty, cá nhân chuyên mua, bán các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính xách tay… rồi từ đó Tùng chiếm đoạt bằng cách đặt mua các thiết bị điện tử tương ứng với số tiền mà các bị hại đã chuyển. Khi nhận được hàng là các thiết bị điện tử, Tùng đem bán lại để nhận tiền mặt.

Và những chiến công

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đấu tranh, làm rõ hàng trăm vụ tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc.

Một trong những chuyên án điển hình của Công an tỉnh Nghệ An trong đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội trên không gian mạng khám phá trong thời gian gần đây, đó là chuyên án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao thu thập tài khoản ngân hàng rồi đem bán cho người nước ngoài sử dụng. 

Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các trinh sát phát hiện nhóm đối tượng có hành vi thu thập, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng với số lượng lớn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Xác minh thông tin, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Nghĩa Đàn phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh, triệt phá.

Sau quá trình điều tra, xác định thời điểm chín muồi, Ban chuyên án đã cử 6 tổ công tác với 80 cán bộ, chiến sĩ tham gia, bí mật tiếp cận các địa điểm có đối tượng trong chuyên án. Vào ngày 16/5/2022, các tổ công tác tại Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ và Hà Nội đồng loạt tiến hành bắt, khám xét người, chỗ ở và nơi làm việc đối với 6 đối tượng.

Mở rộng chuyên án, bắt giữ thêm 5 đối tượng cấp dưới của nhóm đối tượng cầm đầu. Thu giữ 21 điện thoại di động; 8 máy tính xách tay; 3 ôtô; hơn 1.500 phôi sim điện thoại; 678 thẻ ngân hàng các loại và vật chứng khác có liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng. Đồng thời phong tỏa trên 1.200 tài khoản ngân hàng có liên quan đến các đối tượng trong chuyên án.

Hay gần đây nhất, Công an thị xã Thái Hòa đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh phá chuyên án triệt xóa nhóm tội phạm đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, số đề; bắt giữ, khám xét khẩn cấp đối với 9 đối tượng, thu giữ hơn 150 triệu đồng; 16 điện thoại di động; 1 laptop; 6 thẻ ATM; 4 sổ tiết kiệm trị giá 550 triệu đồng và sổ sách liên quan đến hành vi đánh bạc. Qua điều tra, xác định từ đầu tháng 4 đến ngày bắt giữ, số tiền các đối tượng sử dụng đánh bạc là khoảng 15 tỷ đồng.

Thuỳ Anh
.
.