Niềm vinh dự tác nghiệp ở Trường Sa

Thứ Sáu, 21/06/2024, 07:47

Gần 25 năm công tác tại Báo CAND, tôi có điều kiện đặt chân đến nhiều vùng miền của Tổ quốc. Ở những nơi từng đến, mỗi con người được gặp đều để lại trong tôi những ấn tượng và cảm xúc riêng. Song hành trình đặc biệt nhất có lẽ là chuyến đi cùng đoàn công tác của Bộ Công an đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 vào những ngày giữa tháng 4/2024.

Trong hải trình hàng trăm hải lý ấy, tôi đã được trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về biển đảo và càng thêm yêu Tổ quốc.

Tình người đọng mãi

Với tôi, chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2 cùng đoàn công tác của Bộ Công an là một hành trình trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc khó quên. Đến với Trường Sa có lẽ chỉ có một lần trong đời nhưng hành trình của cảm xúc thì cứ mãi neo giữ trong tim…

Chuyen_tac_nghiep_4-1718931073502.JPG
Phóng viên Quỳnh Vinh (Ban Thời sự - Chính trị Báo CAND, hàng đầu bên phải) trong lần tác nghiệp tại Trường Sa, tháng 4/2023.

Trước đó, cũng như nhiều phóng viên, tôi mong mỏi và háo hức được một lần đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió, vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, gặp gỡ những người lính can trường, gan dạ… Thật may mắn, vào những ngày tháng 4, theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị, tôi được tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Công an đến thăm phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Với sự hăm hở và mong mỏi như vậy, hành trang tôi mang theo không chỉ là những thiết bị tác nghiệp mà còn là tình cảm với quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Đồng thời, đó còn là niềm vinh dự, xen lẫn hồi hộp và tự hào khi trở thành cầu nối để mỗi người dân chưa có điều kiện đến với Trường Sa hiểu hơn về biển đảo và thêm yêu Tổ quốc qua những bài viết của tôi.

Song cũng như nhiều phóng viên khác, trước khi xuất phát, bên cạnh sự háo hức, tôi cũng khá lo lắng trong việc lựa chọn đề tài. Bởi trước đó đã có không ít phóng viên đến với Trường Sa, lựa chọn góc độ nào để viết bài cũng là một việc không dễ dàng, trong khi thời gian lưu trú đến các đảo không lâu…

Niềm vinh dự tác nghiệp ở Trường Sa -0
Phóng viên Xuân Mai (Ban Thời sự - Chính trị Báo CAND) tác nghiệp tại đảo Sinh Tồn.

Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ ngày 16/4 đến ngày 22/4. Đoàn công tác do Đại tá Trần Đức Cảnh, Phó Tham mưu trưởng Hải quân làm Trưởng đoàn; tham gia đoàn công tác bao gồm 200 đại biểu. Trong năm 2024, đây là chuyến công tác do Bộ Quốc phòng tổ chức, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tạo điều kiện để các đoàn đến thăm quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND làm Trưởng đoàn, thành phần là cán bộ, sĩ quan, lãnh đạo chỉ huy các cấp trong CAND và Công an các địa phương. Cùng với đó là các đơn vị ngoài lực lượng, gắn bó mật thiết với lực lượng CAND cùng tham gia. Hành trang Đoàn công tác của Bộ Công an mang theo cùng với tình cảm của lãnh đạo, CBCS của lực lượng CAND còn là những món quà thiết thực, có giá trị hơn 4,5 tỷ đồng, được đóng góp bằng tình cảm của các thành viên những mong chia sẻ khó khăn, gian khổ với quân và dân trên quần đảo Trường Sa. 

Trong hải trình này, tôi cùng hai đồng nghiệp của Cục Truyền thông CAND là những người đầu tiên đặt chân lên tàu KN390. Bước chân lên tàu, tôi và đồng nghiệp ngỡ ngàng trước sự hiện đại của tàu KN390. Trên tàu, có đầy đủ các tiện nghi như một du thuyền trên biển. Ấn tượng của tôi còn là sự nồng ấm, nhiệt tình và thân thiện của những CBCS trên tàu KN390. Trong suốt hải trình, tôi và các đồng nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của các cán bộ tàu KN390, từ bữa ăn đến những vật dụng thiết yếu như một chiếc mũ cối đội vừa đầu, một đôi dép rọ đúng size…, hay những vật dụng cá nhân cần thiết.

Hải trình lần này, chúng tôi đi theo tuyến Đà Nẵng - đảo Sinh Tồn - đảo Cô Lin - đảo Núi Le B - đảo Tốc Tan B - đảo Đá Tây A - đảo Trường Sa - Nhà giàn DKI/2 (Phúc Tần) – Cảng Quốc tế Cam Ranh. Đúng 8h ngày 16/4, đoàn tàu rời bến trong không khí háo hức, tiếng còi tàu chào cảng hòa lẫn trong sự xúc động của các đại biểu, và tình cảm gửi gắm từ đất liền tới đảo xa của CBCS ở lại, làm cho khung cảnh của buổi lễ trở nên trang nghiêm, đầy ý nghĩa, hướng về biển đảo quê hương. Trước khi tàu khởi hành, Đoàn đã tổ chức họp mặt, tổ chức lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Nhà truyền thống Vùng 3 Hải quân, tham quan tàu Lữ đoàn 172… Trong Đoàn Công tác của Bộ Công an nhiều người lần đầu tiên đặt chân đến quần đảo Trương Sa. Vì thế, ai cũng háo hức, mong chờ được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những con tàu hoá thân quen

Thật may mắn, hải trình 6 ngày đêm của đoàn công tác diễn ra trong điều kiện thời tiết vô cùng thuận lợi. Chúng tôi đã được ra thăm CBCS và nhân dân trên các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Đá Tây A, Tốc Tan, Trường Sa và nhà giàn DK-1/2.

Niềm vinh dự tác nghiệp ở Trường Sa -0
Được thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự lớn của những người làm báo.

Được nghe, được biết đến Trường Sa qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chỉ khi được đặt chân đến một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc, tôi mới cảm nhận được sự hùng vĩ của biển cả và càng thấu hiểu hơn sự kiên cường và sức sống mãnh liệt ở mảnh đất thiêng liêng và đầy gian khó này. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, QĐND và người dân, cuộc sống của CBCS trên đảo đã được cải thiện nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vất vả của những chiến sĩ Trường Sa. 

Xung quanh các đảo nổi, đảo chìm chỉ có biển xanh ngắt mênh mông, nắng nóng và gió biển… Trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên ấy, tôi vẫn thấy được màu xanh của những cây bàng vuông, cây phong ba cùng những vườn rau xanh mướt. Giữa nơi đảo xa khó khăn là thế, tôi vẫn bắt gặp nụ cười trong trẻo của các em thơ; tiếng giảng bài; tiếng chuông chùa âm vang trên đảo Đá Tây A và đảo Trường Sa.

Ở đó, tôi còn được gặp những người lính Hải quân với nước da rám nắng; những người thầy tình nguyện dạy chữ trên đảo và cả những ngư dân đang ngày đêm bám biển. Những hình ảnh và cảm xúc được cảm nhận chân thực từ trái tim khiến tôi càng thêm cảm phục về nghị lực của những người lính đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương. Khi ấy, tôi hiểu rằng, chủ quyền không chỉ là những cột mốc biểu tượng thiêng liêng trên quần đảo Trường Sa mà còn là những con người bằng xương, bằng thịt đang ngày ngày tạo nên nhịp sống ở Trường Sa. Tôi và các thành viên của đoàn công tác cảm nhận hơn tình yêu Tổ quốc; cảm phục những người lính hải quân đang ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thời gian đến thăm các đảo, Đoàn công tác của Bộ Công an đã có hoạt động trao quà tình nghĩa tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Đồng thời, trong quá trình sinh hoạt trên tàu KN390, Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để động viên CBCS trên tàu KN390, thăm các đồng chí ở bộ phận chỉ huy tàu, bộ phận phụ trách thông tin, liên lạc của tàu, bộ phận máy tàu và bộ phận nhà bếp của tàu và kịp thời động viên các đồng chí cả về mặt tinh thần và vật chất để các đồng chí tiếp tục yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Mỗi hoạt động được tham gia, giúp tôi có thêm tư liệu để sau chuyến đi có những bài viết sinh động. Đến với Trường Sa, tôi cùng các đồng nghiệp càng thấy rằng mình phải nỗ lực hơn nữa để góp phần không nhỏ với những người lính hải quân đang ngày đêm can trường bám biển thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó - bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.            

Sau hành trình 6 ngày đến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/2, chúng tôi trở lại với đất liền, với những lo toan thường nhật của cuộc sống. Lúc này, tôi càng cảm nhận hơn nữa từng lời trong bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng “Ngày qua ngày, đêm qua đêm chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta/ Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/ Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca /Về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ/ đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta/ Giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Và mỗi khi được nghe bài hát về Trường Sa, trong tôi lại trào dâng những cảm xúc. Tôi lại nhớ đến tiếng gọi báo thức lúc 5h30 hằng ngày “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Nhớ những chuyến ca nô, chuyến xuồng trong hành trình lên và xuống các đảo. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, sau những buổi gặp mặt, những buổi tập luyện giao lưu văn nghệ và những bữa cơm, giữa Đoàn công tác của Bộ Công an và các thành viên của tàu KN390, từ những người xa lạ, chúng tôi bỗng trở nên thân thiết như thành viên của gia đình trên con tàu KN390.

Xuân Mai
.
.