Những nhà báo CAND tác nghiệp ở Trường Sa: Thiêng liêng Tổ quốc

Thứ Năm, 30/01/2014, 00:59
Trong những chuyến rong ruổi đến mọi miền Tổ quốc, từ biên giới đến hải đảo, từ vùng núi cao đến những làng quê bình dị, mỗi nơi đều để lại những dấu ấn, kỷ niệm khó phai đối với phóng viên báo CAND. Nhưng, có một địa chỉ mà được đặt chân đến là niềm vinh dự, tự hào. Với 15 nhà báo CAND đã từng được đến Trường Sa, từ đồng chí Đại tá Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập đến các cán bộ, chiến sỹ như Việt Anh, Huyền Nga, Công Trường, Việt Đông hay những phóng viên còn rất trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề như Vũ Hân, Trần Huy… sau những chuyến đi ấy, hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng như gần gụi hơn, gắn bó hơn.

Đại tá, TS Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND: Xúc động đến run người khi thắp hương tại bia chủ quyền ở đảo Đá Tây

Tàu chúng tôi cập đảo Đá Tây lúc 9 giờ 47 phút, sát ngày truyền thống của Bộ đội Hải quân Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo tình hình trên đảo, gặp gỡ trao đổi với các chiến sĩ, tôi là một trong 10 người đầu tiên được lên xuồng sang trụ sở Công ty Thủy sản Trường Sa cùng nằm trong cụm đảo Đá Tây. Trước khi đi thăm những hầm nuôi cá, tôm giống nghiên cứu, chúng tôi thật xúc động được  anh em cán bộ kỹ thuật dẫn ra thăm, thắp hương tại bia chủ quyền ở đây. Bia được xây ở phía Tây của Đảo. Phía trên bia là quốc huy Việt Nam; sát đó hiện lên dòng chữ hiên ngang trước sóng biển :“Đảo Đá Tây – Trường Sa”.

Dưới chân bia là tấm phù điêu hình trống đồng. Bên trên được thiết kế đơn giản như một bàn thờ, mà trong đó có 4 câu thơ của Lý Thường Kiệt được khắc trên bia đá: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Tôi cùng một số người lần lượt giâng hương trước bia. Tôi run run cắm mãi mới được những nén hương. Tiếng sóng biển đập bờ đá phía sau lưng, và trong tôi như vọng về tiếng của cha ông thuở nào “Nam quốc sơn hà…”. Tiếng vọng từ ngàn xưa khẳng định với Năm Châu rằng, đây chính là một phần của lãnh thổ của Việt Nam; thuộc chủ quyền của Việt Nam, là bất khả xâm phạm... Sau hồi chụp mấy tấm hình, chúng tôi rời khỏi bia chủ quyền cứ quyến luyến, bồi hồi, lưu luyến, giống như mỗi khi phải chia tay bộ đội trên đảo để đi tới một đảo khác.

Nhà báo Trần Duy Hiển: Tự hào được chạm tay vào cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông

Dù đã vài lần được đi hải đảo nhưng lần đầu tiên đến Trường Sa (tháng 5-2013), cảm xúc trong tôi trào dâng khi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc chủ quyền, vừa tự hào, vừa thiêng liêng, thành kính.

Khi tàu HQ 996 vừa cập đảo Trường Sa Lớn, mọi người trong đoàn háo hức ngắm nhìn, chạm tay vào cột mốc hiên ngang giữa quảng trường (đồng thời là sân bay), chụp ảnh ghi lại những thời khắc ngắn ngủi ghé thăm đảo… Ngôi chùa Trường Sa Lớn cho tôi cảm giác thật ấm cúng, thân quen như mọi ngôi chùa ở đất liền. Nơi đây có bức tượng Phật ngọc, vốn là báu vật tại Chùa vàng Shwedagon (thủ đô Yangon) mà Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm chính thức Myanmar; khi về nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cung tiến chùa Trường Sa Lớn....

Chuyến đi Trường Sa với tôi là một trải nghiệm đáng nhớ. Được gặp cán bộ, quân và dân Trường Sa cũng như bộ đội tại các Nhà giàn DK, tôi càng thêm tin tưởng vào ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của những con người tiên phong nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhà báo - nhạc sỹ Lê Tâm, tác giả ca khúc “Đồng hương Trường Sa của tôi”, được trao giải nhất cuộc thi viết về đề tài “Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa” năm 2013: Một cơ duyên đầy vinh dự đã cho tôi có được cơ hội đến với những người lính đảo Trường Sa.

Trường Sa, Hoàng Sa luôn luôn là tình yêu ở trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ và những người viết nhạc như chúng tôi. Trước đây, khi tôi chưa ra đảo, tôi cũng đã viết về Trường Sa dở dang nhưng sau khi được ra đảo, tôi mới thấy hình dung của mình về Trường Sa khi còn ở đất liền là quá sơ sài.

Phác thảo ca khúc “Đồng hương Trường Sa của tôi” đã bắt đầu sơ phác bằng những cảm xúc đầu tiên trên đảo, nhưng phải về đất liền mới chỉnh sửa để hoàn thành. Đây là một món quà dành tặng các chiến sĩ Trường Sa như tặng những người anh em của tôi. Khi ca khúc được phát sóng lần đầu tiên trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp Xuân Trường Sa của VTV1 đầu  2013, nhiều anh em lính đảo đã rất thích thú, liên lạc bảo tôi gửi nhạc nền để anh em tập hát.

Trong bài hát, tôi đưa những con người cụ thể, đang sống trên Trường Sa Lớn vào ca từ. “Đồng hương ơi, nếu mai ghé đất liền thì Giáp qua nhà tôi chơi. Hãy mang đến trong khu vườn tôi một cụm phong ba…”. Đó chính là anh Lương Xuân Giáp, Phó Chính trị viên ở đảo Trường Sa Lớn, người tôi bắt tay đầu tiên khi bước lên đảo. Chính Giáp đã “đặt hàng” rằng “Anh Tâm phải viết về Trường Sa đi”. Muốn cảm nhận không khí trực chiến thì tôi sẽ đưa anh đi tuần quanh đảo”.  Với ca khúc trên, tôi đã giữ lời hứa với Giáp và anh em.

Nhà báo Phan Đăng Trường: Rời Trường Sa, bần thần đợi lá thư quê...

Tôi có vinh dự hai lần được đến Trường Sa. Lần đầu tiên vào tháng 4/2002.  Độ ấy, Trường Sa không điện sáng, không điện thoại, không sóng vô tuyến. Độ ấy, liên lạc với đất liền chỉ bởi những cánh thư tay, nhưng mỗi năm tàu chỉ cập đảo vài lần, thành ra nhiều khi lính đảo gửi thư từ tháng 4 nhưng phải đến tháng 10 mới nhận được phản hồi. Thế nên khi tôi đến đảo, lính nhà mình mặn mà lắm, ai cũng trầm tư hóng tin quê nhà. Nhiều chàng lính trẻ độ mười tám, đôi mươi nghe kể chuyện quê mà mắt đỏ hoe, nhét vội phong thư vào túi tôi, bảo anh có về Hà Nội thì ra Bưu điện Bờ Hồ bỏ giùm...

Chín năm sau, tháng 4/2011, tôi trở lại Trường Sa và giờ đã là bức tranh khác. Sáng chia tay rời đảo, các chàng lính cũng bịn rịn ra cầu cảng tiễn đưa. Nhưng tôi đợi mãi, đợi mãi, không thấy bất kỳ một phong thư nào nhét vào ba lô nhờ về Bưu điện Bờ Hồ bỏ giùm. Đó là điều đáng mừng. Trường Sa như đã gần hơn.    

Nhà báo Hoàng Minh Trí: Nhớ lắm Trường Sa ơi…

4h sáng, Trường Sa Lớn như dải đất mỏng cuối chân trời, từng gương mặt như bừng sáng đứng trên boong nhiều giờ đồng hồ hướng về những đồng chí, đồng đội ngày đêm canh giữ chủ quyền trên mảnh đất thiêng liêng. Sinh hoạt 5 ngày trên Trường Sa Lớn mới cảm nhận được sự hi sinh lớn lao của những người lính, của những người dân sinh sống trên đảo. Những đứa trẻ tíu tít lũn cũn đi học trong bộ đồng phục áo yếm hải quân, căn phòng học cũng thật đặc biệt, nó đặc biệt bởi đầy đủ học sinh từ lớp 1 tới lớp 5. Mỗi "lớp" 1, 2 học sinh cắm cúi chép, ê a đánh vần lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng và cả sự ồn ào của những cánh quạt khổng lồ phong gió.

Trở về với đất liền, sự hoang hoải nhớ thương tới những người lính, người bạn trên đảo luôn khó giữ đôi mắt không bị ướt. Thi thoảng lại một cuộc gọi, một tin nhắn từ đảo xa đòi hẹn ngày gặp lại. Chắc chắn, tôi sẽ còn tiếp tục đến với các anh. Nhớ lắm Trường Sa ơi...

Nhà báo Ngọc Yến: Từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu Tổ quốc

Đã gần tròn 10 năm kể từ ngày tôi được ra thăm các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Ngày đó, tôi đã vinh dự là 1 trong những người đầu tiên tham dự chuyến du lịch Trường Sa, và cũng là nữ phóng viên đầu tiên của Báo CAND được đặt chân đến nơi đây.

Khi luồng ánh sáng chói lòa từ quả cầu lửa nhô lên từ phía chân trời, chúng tôi không khỏi rưng rưng xúc động. Tình yêu Tổ quốc, ý thức trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước đều trỗi dậy mãnh liệt đối với tất cả mọi người có mặt trên con tàu HQ996. Người phụ nữ nhỏ nhắn đứng bên cạnh tôi chợt khóc òa. Chị đi thăm chồng công tác tại đảo. Trong số những người lính đang vẫy tay chào đón, có người chồng của chị. Không hiểu bằng cách nào, ở đảo, anh đã kiếm được một bông hồng tặng chị. Và cái ôm mạnh mẽ của người lính đảo, giọt nước mắt hội ngộ đã khiến cả trăm con người lặng đi. 

Nhà báo Trần Huy: Tin yêu những đứa trẻ lớn lên ở Trường Sa

Tháng 5/2012, tôi có dịp cùng Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân ra thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ngay khi vừa đặt chân lên xã đảo Sinh Tồn, điều khiến tôi ngạc nhiên và xúc động là những đứa trẻ - những cư dân nhí của Trường Sa. Với đôi mắt sáng ngời, em Trần Phan Trọng Nghĩa - học sinh lớp 2 Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn cứ ríu rít: “Cháu muốn học toán cho thật giỏi. Lớn lên cháu muốn làm bác sĩ để khám chữa bệnh cho các cô, các chú ở đảo…”. Và những đứa trẻ khác, mỗi em một ước mơ. Em Trần Thị Thu Hiền (lớp 5) muốn làm cô giáo dạy văn, em Văn Thái muốn làm chiến sĩ hải quân... Ở nơi đảo xa đầy nắng gió, cái sự học vẫn đang vươn lên từng ngày. Từ những đứa trẻ, đã thấy bừng sáng nghị lực và khát vọng. 

Nhà báo Hà Ly: Đón sinh nhật ở Trường Sa

Do gió mùa đột ngột đổi hướng nên con tàu HQ 996 phải trở về đất liền chậm hơn 2 ngày. Tàu rời đảo Đá Nam ngày 7/1/2012, trong khi mùng 8/1 là sinh nhật tôi. Vậy là tôi đón sinh nhật tuổi 26 trên tàu. Khi ấy, trên tàu gần như đã hết lương thực sau khi trải qua hải trình dài 30 ngày, với hơn 500 con người. Từ mấy ngày trước, hầu hết mọi người đã phải chuyển qua ăn đồ hộp do thực phẩm tươi đã hết hoặc bị hư hỏng. Do vậy, gọi là tiệc sinh nhật nhưng chỉ có nước lọc và ít bánh kẹo mang theo dự phòng. Mọi người quây quần bên nhau, những nụ cười nở vội trên những gương mặt đã mệt nhoài vì say sóng. Đêm đó, cả tàu thức. Chỉ có tiếng hát và gió biển. Những ngày cùng chung một con tàu, tất thảy chúng tôi, từ những đồng nghiệp báo chí tới những người lính hải quân, đều coi nhau như một gia đình. Mùa đông năm ấy, cái đêm ấy, tôi đón tuổi mới trong hạnh phúc ngập tràn

Ngọc Yến - Hà Ly (thực hiện)
.
.
.