Những tiện ích từ Đề án 06
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 của Đề án 06. Thành công của Đề án qua 2 năm triển khai đã góp phần quan trọng thực hiện Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số để đạt được mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Phát hiện nhiều trường hợp sử dụng thẻ CCCD để trục lợi
Ngày 13/1, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, trong năm 2022, năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt… Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Những kết quả đạt được thể hiện qua thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu như trực tiếp triển khai các dịch vụ công thuộc Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, trong đó, tại chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 10/10/2023, đã có 1/3 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án 06 được tôn vinh là dịch vụ công xuất sắc trong năm 2023, gồm thông báo lưu trú (97%)… Người dân không cần đi lại nhiều lần đến cơ quan hành chính, cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, góp phần hạn chế “tham nhũng vặt”.
Tham mưu triển khai 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” đã triển khai chính thức trên toàn quốc từ 10/7/2023, đến nay, đã tiếp nhận 433.515 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh và 33.818 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử. Cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 21 ngày làm việc xuống còn 4 ngày, giảm hồ sơ, giấy tờ phải chuẩn bị (từ 3 mẫu đơn thành 1 mẫu đơn; các thông tin dân cư được tự động điền; giảm giấy tờ trùng lặp của thủ tục,...), giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện thủ tục, tiết kiệm được 15,6 tỷ đồng. “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đã cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 25 ngày xuống còn 10 ngày làm việc, tiết kiệm được 1,6 tỷ đồng.
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, ngày 21/10/2023, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam với 9 nội dung, trong đó, lực lượng Công an các địa phương sẽ phối hợp với cán bộ bưu điện tỉnh/ thành phố triển khai, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại 100% các điểm bưu điện tỉnh, thành phố.
Về nhóm tiện ích về phát triển kinh tế, xã hội, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Trong đó, đối với ngân hàng, đã ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch 42 triệu dữ liệu cho ngành Ngân hàng, giúp ngành Ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng. Tổ chức thu phí xác thực khoảng 150 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật, trong số phí thu, đã nộp ngân sách Nhà nước 70%. Phối hợp với các đơn vị hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng công dân, giúp ngành Ngân hàng đánh giá hạn chế rủi ro trong quá trình cho vay tín chấp, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân. Người dân có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay “tín dụng đen”.
Việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng, góp phần số hóa, tạo lập dữ liệu sạch, tiết kiệm chi phí quản lý của các tổ chức tín dụng, mở rộng nhiều tiện ích số cho người dân, tăng nhanh thanh toán không dùng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân. Bước đầu loại bỏ dịch vụ xác thực danh tính khách hàng truyền thống. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã ký kết với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH triển khai giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử, gồm 8 đơn vị: VIB, Pvcombank, ACB, Sacombank, Vietcredit, Momo, Mireaaceet, JACC. Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử thay thế thẻ ATM. Tiết kiệm tiền in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ.
Đối với viễn thông: Ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) với 102 triệu yêu cầu xác thực theo hình thức trực tuyến; 5 nhà mạng viễn thông (ASIM, ITEL, Vietnamobile, Gtel Mobile, Mobicast) theo hình thức offline với 311,656,000 yêu cầu xác thực. Góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động phục vụ công tác quản lý nhà nước, giảm rủi ro khi mở đăng ký, mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, đăng ký thực hiện các dịch vụ công. Loại bỏ dần tình trạng “sim rác”, tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống.
Còn về phía y tế thì việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã được triển khai tại 12.455 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, đạt 100%, tiết kiệm tiền in thẻ bảo hiểm y tế giấy với số tiền 24,7 tỷ đồng.
Riêng về bảo hiểm: Triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại 2 điểm thuộc TP Hà Nội và tỉnh Bình Dương; giảm quy trình 4 bước (Lấy số thứ tự bằng CCCD gắn chíp, thẻ bảo hiểm y tế. Qua bộ phận hướng dẫn để thông tin thủ tục. Đến bộ phận tiếp đón để xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, CCCD để cán bộ kiểm tra, phân luồng vào khám chữa bệnh) rút gọn xuống còn 2 bước do đã kết hợp xác thực sinh trắc và tra cứu thẻ bảo hiểm y tế, thời gian trung bình xác thực sinh trắc chỉ từ 6 giây đến 13 giây/lượt thực hiện, giúp người dân đi khám, chữa bệnh chủ động làm thủ tục và được phân vào chuyên khoa khám, chữa bệnh sớm, giúp cơ sở y tế tiết kiệm nguồn nhân lực, chỉ cần bố trí một cán bộ y tế tại tất cả các quầy xác thực. Đáng chú ý, theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, qua triển khai giải pháp xác thực sinh trắc, đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng thẻ CCCD trục lợi bảo hiểm với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Về giao thông vận tải: Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi từ tháng 2/2023, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ tháng 4/2023, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài từ ngày 13/5/2023. Sử dụng tài khoản định danh điện tử thay thế thẻ CCCD khi công dân đi máy bay tại 22 sân bay nội địa trên toàn quốc từ tháng 8/2023. Giúp người dân xuất trình giấy tờ một lần, giảm tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm soát an ninh, tiết kiệm nhân sự.
Giáo dục - Đào tạo: Ngày 21/5/2023, Bộ Công an đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thử nghiệm, đánh giá sử dụng và tích hợp giải pháp xác thực CCCD gắn chíp, khi làm thủ tục vào phòng thi, thí sinh chỉ cần quét thẻ CCCD gắn chíp, đối chiếu khuôn mặt, quá trình xác thực thông tin chỉ mất từ 8 giây đến 12 giây/thí sinh, qua đó, giúp các trường đại học giải quyết tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục. Từ tích hợp này, Bộ Công an đã triển khai 4 thiết bị cho 1.200 thí sinh dự thi tại Đại học Tài nguyên và Môi trường, quá trình làm thủ tục chỉ mất 1,5 giờ.
Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Đề án 06 đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như giảm thiểu nhân lực trong quản lý nhà nước. Theo đó, Bộ Công an đã triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đến nay, đã có 27.923 cơ sở lưu trú và 14.179 công dân sử dụng. Giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh như: Quản lý phòng, quản lý nhân viên, các dịch vụ cung cấp cho khách lưu trú và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú của khách hàng và gửi thông báo lưu trú đến cơ quan Công an nhanh chóng, kịp thời... Bên cạnh đó, triển khai 152 thiết bị camera kiểm soát vào/ra trụ sở, cơ quan, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Nam để giám sát khu du lịch, các khu vực trọng điểm. Tiết kiệm nhân lực trong quá trình kiểm soát ra vào trụ sở, khu du lịch
Bước tiến mới từ định danh điện tử quốc gia
Trong nhóm tiện ích phát triển công dân số, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an hoàn thành và công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động ngày 18/7/2022. Đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức trở thành một trong những quốc gia trên thế giới có định danh điện tử quốc gia. Đến nay, đã đôn đốc các địa phương thu nhận trên 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, kích hoạt trên 49,7 triệu tài khoản định danh điện tử, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 69,25%. Có 42 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. Cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chíp.
Đã tham mưu với Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 10 tiện ích trên VNeID, cụ thể: Đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia với trung bình 15.312 lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập/ 01 ngày, giúp người dân khắc phục tình trạng công dân không có số điện thoại chính chủ để tạo tài khoản đăng nhập, sử dụng dịch vụ công.
Tích hợp 169,5 triệu thông tin mũi tiêm COVID-19 với tài khoản định danh điện tử. Giúp người dân không phải mang giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khi tham gia giao thông trong năm 2022.
Triển khai dịch vụ công thông báo lưu trú trên tài khoản định danh điện tử với 1,1 triệu lượt. Qua đó, giúp người dân không phải đến cơ quan Công an để thực hiện khai báo lưu trú.
Tích hợp thẻ CCCD trên tài khoản định danh điện tử. Giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ, sử dụng tài khoản định danh điện tử làm thủ tục tại 22 các cảng hàng không nội địa mà không cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp; tích hợp thông tin cư trú của công dân, gồm thông tin hành chính của chủ hộ và các thành viên khác trong hộ gia đình lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy.
Ngoài ra, triển khai tiện ích kiến nghị, phản ánh về ANTT trên tài khoản định danh điện tử: Đã có 5.974 kiến nghị phản ánh từ người dân. Tạo thuận tiện cho người dân trong việc phản ánh về tình hình an ninh - trật tự mà không phải đến cơ quan Công an, góp phần giúp phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa; triển khai tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn tội phạm trên tài khoản định danh điện tử với các nội dung cảnh báo thủ đoạn giả danh các cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trung bình có 7,764 lượt truy cập/ngày, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, liên quan đến tích hợp ví điện tử lên tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an đã tiến hành tích hợp xong với Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Epay, đang tiến hành triển khai tích hợp với dịch vụ ví điện tử của đơn vị Gtel. Giúp người dân có thể thanh toán trên ví điện tử với các dịch vụ thiết yếu như: Thanh toán điện, nước, truyền hình, Internet, nạp tiền điện thoại…; tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 148.537 dữ liệu thông tin bảo hiểm xã hội, 16,8 triệu dữ liệu thông tin bảo hiểm y tế trên tài khoản định danh điện tử. Giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ.
Triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên tài khoản định danh điện tử với 10,3 triệu hồ sơ. Hiện đang triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội trước khi nhân rộng trên toàn quốc. Với ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ có một quyển sổ y bạ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, tạo thuận lợi cán bộ y tế chẩn đoán, người dân theo dõi được tình hình sức khỏe của bản thân.
Triển khai tiện ích kê khai, đăng ký, nộp thuế, sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành Thuế, Hải quan: Bộ Công an đã phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng eTax Mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử dành cho cá nhân từ ngày 5/8/2023. Đến nay, đã có 243.980 lượt truy cập vào hệ thống thuế điện tử bằng tài khoản định danh điện tử. Hiện đang tập trung triển khai các tiện ích khác trên tài khoản định danh điện tử, như: Tiện ích cấp Phiếu lý lịch tư pháp triển khai thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong tháng 1/2024; nghiên cứu triển khai nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên tài khoản định danh điện tử…
Cũng theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, nhóm tiện ích hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, đến nay Cục đã tích cực đôn đốc các đơn vị, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận trên 1,3 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và làm sạch dữ liệu, tiết kiệm trên 500 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đồng bộ trên 537 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư; trực tiếp hỗ trợ các tổ chức, đoàn thể thu thập dữ liệu, quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nổi bật là: Thu thập, cập nhật thông tin 5,1 triệu dữ liệu hội viên Hội Nông dân; 1,9 triệu thông tin hội viên Hội Người cao tuổi; 1,8 triệu thông tin của Hội Cựu chiến binh; hoàn thành Phần mềm hỗ trợ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thu thập, cập nhật, phát triển Cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã có 57/63 địa phương thực hiện cập nhật 9,4 triệu thông tin người lao động vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hỗ trợ 20 địa phương triển khai giải pháp số hoá dữ liệu hộ tịch điện tử trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư. Riêng việc triển khai giải pháp này tại tỉnh Thái Nguyên đã số hóa được được 1,1 triệu bản ghi dữ liệu hộ tịch, đạt 100%, giảm thời gian thực hiện từ 3 năm xuống 50 ngày, tiết kiệm được 18 tỷ đồng.
Hiện, Bộ Công an đang hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về hạ tầng để cài đặt và vận hành phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; thu thập dữ liệu tăng ni, phật tử cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bắt đầu từ tháng 12/2023.
Có thể nói, yếu tố mang tính quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tế cho thấy, ở bộ, ngành, địa phương nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện Đề án 06 thì ở nơi đó, người dân, doanh nghiệp tích cực, hưởng ứng tham gia, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.