Những nhiệm vụ cần làm ở các địa bàn giáp ranh và yêu cầu thay đổi tư duy trong thực hiện Đề án 06

Thứ Bảy, 21/01/2023, 08:57

Phường Trung Văn, huyện Nam Từ Liêm và huyện Thanh Trì, TP Hà Nội là những địa bàn giáp ranh, có những nét đặc thù rất riêng về cơ cấu, tỷ lệ, di biến động dân cư và lối sống, sinh hoạt. Các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại những địa bàn này được lực lượng Công an cơ sở triển khai cũng phải có đặc thù; nhận diện nhanh, đúng, trúng và triển khai hiệu quả, nhất là thời điểm giao thừa đang cận kề, được lãnh đạo Bộ Công an quán triệt, chỉ đạo rõ tới từng đơn vị Công an cả nước.

Phường Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm và huyện Thanh Trì, TP Hà Nội được xem là hai địa bàn rất đặc thù, điển hình cho sự giao thoa giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, đô thị hóa với tốc độ cao, tại hai địa bàn này vẫn còn mang đậm nét sống làng xã từ xa xưa.

Cùng với đó, mật độ cư dân đông, sự giao thoa giữa những người ở nơi khác đến tạm trú, làm ăn sinh sống với người dân có hộ khẩu mang tính đan chéo, chằng chịt. Biến động về dân cư trong những khung thời gian như Tết tại các địa bàn này rất rõ ràng. Chính vì vậy, những nguy cơ có thể gây mất ANTT, tiềm ẩn các yếu tố dễ phát sinh tội phạm phức tạp hơn, khó lường hơn. Rõ ràng, trên cả nước, những địa bàn mang các yếu tố về dân cư, tính “chia đôi” giữa thành thị, nông thôn như phường Trung Văn và huyện Thanh Trì là rất nhiều. 

Những nhiệm vụ cần làm ở các địa bàn giáp ranh và yêu cầu thay đổi tư duy trong thực hiện Đề án 06 -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá tính phức tạp cũng như chỉ rõ những biện pháp đảm bảo ANTT tại các địa bàn giáp ranh.

Đến thời điểm này, không riêng gì Công an phường Trung Văn, Công an huyện Thanh Trì, điều lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chính là Công an cơ sở đã yên tâm với tình hình ANTT hiện tại hay chưa? Cần đề xuất gì với Công an TP, với lãnh đạo Bộ để đảm bảo được mục tiêu giữ gìn ANTT phục vụ người dân vui Tết, đón xuân an toàn?

Muốn đảm bảo tốt ANTT ở những địa bàn giáp ranh, các địa bàn tương tự cũng như trên cả nước, Công an các đơn vị, địa phương phải nắm bắt được di biến động dân cư; làm thật tốt công tác điều tra cơ bản trên các lĩnh vực, địa bàn, từ đó xây dựng, triển khai phương án, biện pháp thật sự phù hợp, đúng, trúng, sâu đối với từng “mảng việc”, nhiệm vụ được giao. Phải nhận diện được những hệ, loại tội phạm cũng như sự thay đổi, tỷ lệ, nguyên nhân gốc của các loại tội phạm trong bối cảnh, tình hình mới. Đặc biệt, phải nhận diện được những nguy cơ phát sinh tội phạm, mất ANTT, biện pháp, phương án phòng ngừa, xử trí tại các lễ hội được “bùng phát” sau thời gian “ngủ đông” vì COVID-19.

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, nguy cơ cũng như những diễn biến, tình hình phức tạp của pháo nổ có thể nảy sinh, trách nhiệm của từng chỉ huy, CBCS, từng CSKV phải làm những nhiệm vụ gì, biện pháp ra sao?. Đó là tăng cường kết hợp giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, gắn kết chặt chẽ trách nhiệm giữa lực lượng Công an cấp cơ sở với chính quyền, tổ dân phố, thôn, xã trong việc tuyên truyền, gọi hỏi, giáo dục, răn đe…đối với những đối tượng có thể xảy ra vi phạm, qua đó phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm đốt pháo nổ trong dịp Tết.

Đối với Đề án 06, trong năm 2023, các đơn vị, địa phương nếu không chuyển mình về nhận thức, tư duy và từ đó có cách làm mới, sáng tạo thì sẽ “mang nợ” với nhân dân. Nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trong năm 2023 sẽ thay đổi rất cơ bản, chuyển hướng mạnh mẽ so với năm 2022, bởi đây là năm hành động, năm số hóa, kết nối dữ liệu, năm sử dụng các dịch vụ công liên thông, trực tuyến, chuyển hoàn toàn từ trạng thái giải quyết thủ tục hành chính thủ công sang hiện đại, môi trường số.

Các đơn vị phải nhận thức rõ ràng, đầy đủ thì mới có cách làm hay, sáng tạo. Công an cũng như chính quyền các cấp phải xuống tới từng khu dân cư, từng thôn, xã, chung cư để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số, dịch vụ liên thông. Muốn người dân làm được, thích thú, đam mê với sự thay đổi này thì các điều kiện về hạ tầng, thiết bị, thông tin, hướng dẫn, phải được Công an và chính quyền các cấp đáp ứng đầy đủ…. Tinh thần làm việc xuyên Tết, không chỉ riêng nhiệm vụ đảm bảo ANTT mà còn trên mảng việc thực hiện Đề án 06, được lãnh đạo Bộ Công an truyền tải, chỉ đạo quyết liệt tới tất cả các đơn vị Công an trên cả nước.

Những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an cũng như gợi mở, hướng dẫn của lãnh đạo các cục nghiệp vụ của Bộ Công an mang tính phổ quát, là bài học sâu sắc, tựa như cẩm nang, sổ tay, gạch đầu dòng để các đơn vị bám sát vào đó thực hiện. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân vui Tết, đón xuân, đây là mục tiêu xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an đặt ra không chỉ đối với Công an phường Trung Văn, Công an huyện Thanh Trì tại buổi kiểm tra, mà còn là của tất cả các đơn vị, Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt có ý nghĩa hơn khi thời khắc giao thừa đón năm mới Quý Mão 2023 đang đến gần.

Hoàng Phong
.
.