Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, 25 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (12/3/1997 – 12/3/2022):

Những chiến sĩ quả cảm trên mặt trận ma túy

Thứ Năm, 10/03/2022, 11:15

Trải qua 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, cùng sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các lực lượng trong và ngoài ngành, sự ủng hộ to lớn của Nhân dân, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, viết tiếp truyền thống Anh hùng của lực lượng CAND Việt Nam.

“Lời tuyên thệ dưới Cờ Tổ quốc”

Những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế tập trung nhiều công sức và tài chính cho công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy trên thế giới chưa có dấu hiệu giảm. Các khu vực gần Việt Nam như “Tam giác vàng” và “Trăng lưỡi liềm vàng” diện tích trồng cây có chứa chất ma túy giảm nhưng việc điều chế các chất ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng và phát triển lan ra nhiều nước khác trên thế giới. Các nước có đường biên giới chung hoặc gần với nước ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma,… tội phạm ma túy gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp.

Trong nước, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo đã thu được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, do chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp của tệ nạn và tội phạm ma túy quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực, tệ nạn và tội phạm ma túy ở Việt Nam cũng có xu hướng tiếp tục gia tăng. Hậu quả của ma tuý gây tác hại đặc biệt nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma tuý trở thành nhiệm vụ cấp bách và quyết liệt hơn bao giờ hết rất cấp bách và quyết liệt.

Tình hình phát triển phức tạp của các loại tội phạm ma tuý đòi hỏi phải có một hệ thống tổ chức chuyên sâu và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có chất lượng để đảm bảo cho cuộc đấu tranh chống ma tuý đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp với xu hướng của Công an và Cảnh sát các nước, đủ sức ngăn chặn sự phát triển của loại tội phạm nguy hiểm này. Trong bối cảnh đó, ngày 12/3/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 192/QĐ-BNV-X13 thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý  (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – C04) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Buổi đầu thành lập, Cục có 38 cán bộ, chiến sĩ được biên chế ở 3 Phòng nghiệp vụ.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm về các chủ trương, biện pháp lớn mang tính chiến lược, đồng thời chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý toàn quốc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về ma tuý; trực tiếp điều tra những vụ án lớn, đặc biệt phức tạp về tội phạm ma tuý; là lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác tổ chức phối hợp lực lượng tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Xuất phát từ đặc thù cuộc chiến chống tội phạm ma tuý vô cùng nguy hiểm, cam go, ác liệt, ngày 15/7/1997, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý) đã tổ chức lễ tuyên thệ trước Đảng, trước Chính phủ và Nhân dân, thề kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma tuý vì lợi ích quốc gia; bình yên của Nhân dân và danh dự của lực lượng CAND. Có thể nói, đây là lực lượng đầu tiên ra “Lời tuyên thệ dưới Cờ Tổ quốc”, khẳng định lực lượng chiến đấu phải “đặc biệt tinh nhuệ” trong đó trinh sát làm nhiệm vụ phải là những người có bản lĩnh vững vàng, gan dạ, tinh thông nghiệp vụ.

Căn cứ tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ở các địa phương, ngày 11/10/1997, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định số 824/QĐ-BNV-X13 thành lập Phòng, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý. Theo đó, thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống ma tuý trực thuộc Giám đốc Công an ở 42 tỉnh, thành phố; trong đó các tỉnh biên giới Việt - Trung, phần lớn các tỉnh biên giới Việt - Lào, các Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số địa phương trên 9 tuyến và cụm địa bàn trọng điểm đều thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý; các địa phương còn lại thành lập Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Phòng Cảnh sát hình sự.

Tháng 01/1998, Bộ Công an thành lập Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy (gọi tắt là VPU, số hiệu C34), nhằm tăng cường lực lượng thực hiện công tác tham mưu các nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Năm 1999, Bộ Công an cho phép Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân) thành lập Bộ môn Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý (sau này là Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy) đào tạo học viên theo chuyên ngành này để tiến tới có lượng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống ma tuý bổ sung cho Cục và Công an các địa phương.

Năm 2004, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ra đời và đi vào thực hiện đã đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy. Theo đó, đổi tên Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C17), chuyển Phòng Hướng dẫn và điều tra tội phạm về ma túy (Phòng 6 của Cục Cảnh sát điều tra (C16) về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Cuối năm 2005, hệ thống tổ chức của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy cơ bản được hoàn thiện ở ba cấp: Cục (Bộ Công an) đến các Phòng (Công an các tỉnh, thành phố) và các Đội, Tổ (ở Công an các quận, huyện, thị xã).

Ngày 28/7/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ký, ban hành Quyết định số 6710/QĐ-BCA, về tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (có hiệu lực kể từ ngày 28/7/2020) và Thông tư số 84/2020/TT-BCA, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (có hiệu lực kể từ ngày 03/9/2020).

Đây là lực lượng chủ công, nòng cốt, đi đầu hàng ngày, hàng giờ bám sát địa bàn, lăn lộn cùng với nhân dân các dân tộc từ thành phố đến những vùng nông thôn hẻo lánh, từ hải đảo xa xôi đến những vùng núi non hiểm trở; trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, đường biển… Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề đòi hỏi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt, cùng các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả, từng bước đẩy lùi tình hình phức tạp, tiến tới loại bỏ tội phạm và tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống xã hội.

Những chiến sĩ quả cảm trên mặt trận ma túy -0
Lễ tuyên thệ của các cán bộ, chiến sĩ mới về nhận công tác tại Cục Cảnh sát điều tra  tội phạm về ma túy.

Tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy

Sau ngày thành lập, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong cả nước đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên tất cả các mặt của công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999, phần tội phạm về ma túy được sửa đổi chặt chẽ hơn về mặt khoa học hình sự, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm về ma túy (từ Điều 192 đến Điều 201).

Tiếp tục tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, ngày 9/12/2000, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2001), gồm 8 Chương, 56 Điều. Luật Phòng, chống ma túy là cơ sở pháp lý vững chắc giúp lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy. Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều Nghị định và Thông tư hướng dẫn về công tác phòng, chống tội phạm ma túy.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, trước đó ngày 25/8/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686 về việc thành lập Uỷ ban quốc gia phòng, chống ma tuý. Ngày 5/6/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 61 (thay thế Quyết định 686) thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và ma túy, mại dâm do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch; 4 Phó Chủ tịch là Bộ trưởng các Bộ Công an, Y tế, Lao động, Thương binh xã hội, Uỷ viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 18 uỷ viên là lãnh đạo các bộ ngành; đồng thời Chính phủ quyết định lấy tháng 6 hàng năm là “Tháng hành động phòng chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”; phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm các giai đoạn 1998 - 2000, 2001 - 2005,  Đề án và Kế hoạch tổng thể kiểm soát ma tuý qua biên giới đến năm 2010... Đặc biệt, Nghị định số 99 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc CAND, gồm 8 Chương, 22 Điều. Đây là lần đầu tiên, các biện pháp nghiệp vụ bí mật của lực lượng CAND được quy định khá toàn diện trong một văn bản quy phạm pháp luật; trong đó quy định đầy đủ, cụ thể về các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết trong đấu tranh với các tội phạm về ma túy (Chương 3 của Nghị định 99).  

Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm ma túy; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân, trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học và gia đình về tác hại của ma túy, về quan điểm xử lý tội phạm ma túy của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao ý thức pháp luật, ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy; coi trọng công tác phát động phong trào quần chúng tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy; động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia phát hiện, tố giác, truy bắt các đối tượng phạm tội ma túy. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động xây dựng và triển khai ký kết 16 Quy chế, Kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành nhằm tạo thế trận tổng lực trong phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy.

Trước tình hình tái trồng cây có chứa chất ma túy ngày càng tăng, với trách nhiệm được giao, lực lượng Công an phối kết hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh đưa công tác xóa cây thuốc phiện vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để chỉ đạo các Sở, ban, ngành thực hiện gắn với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; có nhiều quyết sách, giải quyết kiên quyết trong công tác vận động cấm tái trồng, chuyển đổi thay thế, xóa bỏ cây chứa các chất ma túy. Nhiều nơi, đồng bào tham gia tự giác, ở nhiều địa phương đã đưa công tác xóa bỏ và thay thế cây thuốc phiện vào Nghị quyết của cấp ủy và xây dựng chương trình hành động của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, có mục tiêu, bước đi, cách làm bằng các kế hoạch, phương án thực hiện cụ thể.

Tham mưu ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021

Trước thực trạng tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ Công an trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo Ban Bí thư tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21 và trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; tham mưu với Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, trong đó Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những văn bản quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt tham mưu với Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, cấp ủy, UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy.

Trong lĩnh vực tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tích cực nghiên cứu, đề xuất và phối hợp với các ngành, các lực lượng tham mưu với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng. Trong đó, tham mưu ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022); phối hợp tham mưu để ban hành Chương Các tội phạm về ma túy của Bộ luật Hình sự; phối hợp nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định ban hành Danh mục các chất ma túy và tiền chất… Đây là các văn bản pháp lý quan trọng, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng và toàn xã hội làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần kiềm chế và kiểm soát tình hình, nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm về ma túy. Đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã ký trên 30 quy chế, kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành.

Ghi nhận những thành tích đạt được, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng 7 tập thể và 6 cá nhân trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và khen thưởng.

Bên cạnh những chiến công được ghi nhận là những mất mát không nhỏ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu quên mình, hy sinh vì dân vì nước. Sau 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an, Bộ đội và quần chúng nhân dân đã anh dũng hy sinh trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm về ma túy; hơn 700 cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị phơi nhiễm HIV do sự chống trả của tội phạm ma túy.

Minh Hiền
.
.