Lực lượng cứu hộ Bộ Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Những câu chuyện xúc động ở "tiền tuyến" và "hậu phương"

Chủ Nhật, 19/02/2023, 21:10

Chiều 19/2, cơn mưa lất phất tại sân bay Nội Bài không ngăn được bước chân của mọi người ra tận nơi đỗ máy bay đón 24 “người hùng” của lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam từ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trở về. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới  khiến ai có mặt ở đây cũng cảm thấy xúc động và tự hào.

“Đại sứ nhân dân, đại sứ thiện chí”

Có mặt tại sân bay đón Đoàn công tác tham gia CNCH Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, qua công tác CNCH của đoàn thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia thành viên Liên hợp quốc rất có trách nhiệm trong việc đóng góp cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề về khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng thảm hoạ thiên nhiên. Chúng ta hỗ trợ, chia sẻ với cộng đồng quốc tế, Đoàn công tác CNCH của Bộ Công an Việt Nam lên đường sau khi động đất xảy ra thể hiện tính hội nhập, tính chiến đấu, tính chuyên nghiệp rất cao của lực lượng CNCH Việt Nam nói chung và đặc biệt của lực lượng CNCH CAND nói riêng. Thể hiện tính chủ động trong việc bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ công tác CNCH với mọi điều kiện, khu vực khác nhau. Với 24 CBCS CNCH của CAND và 76 CBCS chiến sỹ QĐND sang CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tinh thần hiệp đồng chiến đấu. Tất cả 100 CBCS- họ chính là đại sứ nhân dân, đại sứ thiện chí, thậm chí họ là những hiệp sỹ trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt tại vùng xảy ra động đất.

Xúc động với những gương mặt sạm đen của lực lượng cứu hộ trong ngày trở về -0
Lực lượng CNCH Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, qua công tác CNCH rút ra nhiều bài học về việc nhận đình tình hình, tham mưu chiến đấu, về việc quyết định đưa đội CNCH đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm rất cần thiết. Qua công tác CNCH, ngoài tác nghiệp tại hiện trường, chúng ta còn học được rất nhiều kinh nghiệm của bạn bè quốc tế từ các nước khác trong công tác CNCH. Việc tích luỹ kinh nghiệm như thế này sẽ tạo ra những bài học, kinh nghiệm rút ra cho cán bộ, chiến sỹ của chúng ta. “Các CBCS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về khỏe mạnh là điều vô cùng tốt đẹp. Trong công tác CNCH, chúng ta đã vượt qua những khó khăn, cứu được người dân gặp nạn và đảm bảo được tính mạng, sức khoẻ của bản thân và đồng đội trong điều kiện hết sức ngặt nghèo”- Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ.

Giây phút thiêng liêng phát hiện sự sống trong đống đổ nát

Trước sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh cảm thấy vô cùng vinh dự. Kỉ niệm mà Trung tá Nguyễn Chí Thành và nhiều đồng đội không thể quên khi CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ là thời khắc phát hiện sự sống dưới đống đổ nát sau mấy ngày bị vùi lấp. Ngay lập tức, CBCS tìm cách nói chuyện, phát tín hiệu với nạn nhân để xác định rõ vị trí, phối hợp thực hiện công tác cứu hộ.

"Bản thân tôi đã trao đổi trực tiếp với nạn nhân. Giây phút đấy thật thiêng liêng, không thể quên được trong cuộc đời làm công tác CNCH của tôi. Tới khi lực lượng CNCH đưa được nạn nhân ra ngoài, tôi và đồng đội vô cùng xúc động, không thể diễn tả bằng lời", Trung tá Thành xúc động kể lại giây phút phối hợp với lực lượng cứu nạn đưa chàng trai 17 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ ra ngoài an toàn.

Xúc động với những gương mặt sạm đen của lực lượng cứu hộ trong ngày trở về -0
Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó Trưởng khoa CNCH, Trường Đại học PCCC chia sẻ về công việc tai Thổ Nhĩ Kỳ và gia đình tại buổi đón tiếp.

Trong không khí trang trọng của buổi tiếp đón Đoàn công tác CNCH Bộ Công an Việt Nam, sự xúc động, nụ cười, niềm vui hạnh phúc tràn ngập căn phòng. Tuy trải qua quãng đường dài của chuyến bay nhưng trên khuôn mặt của các anh rắn rỏi, khỏe mạnh không chút mệt mỏi. Chỉ rất đặc biệt ở chỗ, hầu hết trên khuôn mặt các anh, làn da ở phần mũi, má đều sạm đen. Chia sẻ về điều này, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó Trưởng khoa CNCH, Trường Đại học PCCC cười tươi cho biết: “Khuôn mặt chúng tôi đen bởi vì thời tiết quá lạnh trong khi trời lại nắng nên bị nẻ, một phần ở hiện trường quá nhiều bụi”. Được biết, từ khi nhận nhiệm vụ đặc biệt sang đất nước Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hỗ trợ cứu nạn, đã nhiều ngày qua, các anh chưa được tắm.

“Ngày 18/2, quá trình đoàn ra sân bay thì anh em có thuê nhà nghỉ, khách sạn vào đó thay bộ quần áo đã mặc suốt những ngày qua ở hiện trường và thay những bộ quần áo sạch sẽ hơn để lên máy bay trở về Việt Nam” - Thiếu tá Nguyễn Văn Cần kể lại.

Đại uý Đỗ Hoàng Thanh, giảng viên Khoa CNCH, Đại học PCCC Bộ Công an chia sẻ, công tác CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ rất khốc liệt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh Đại uý Thanh và các đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua những ngày CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại úy Đỗ Hoàng Thanh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. Trong đó, phải thường xuyên trau dồi, nghiên cứu các thiết bị để làm sao có thể áp dụng linh hoạt trong từng điều kiện, môi trường khác nhau.

Theo Đại uý Thanh, ở môi trường tìm kiếm đông người, nhiều đoàn đến từ các quốc gia khác nhau thì khả năng về ngôn ngữ là yếu tố vô cùng cần thiết để có thể thống nhất về phương án CNCH nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng đội cũng như người gặp nạn. Bên cạnh đó, việc CNCH ở nước ngoài rất khác với trong nước, nhất là về khí hậu, điều kiện bảo hộ… Đại uý Thanh nêu những điểm khác biệt giữa tham gia công tác CNCH ở Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, điều khác biệt lớn hơn cả là cứu hộ ở trong nước các vụ việc chỉ xảy ra ở mức độ nhỏ, lẻ còn ở Thổ Nhĩ Kỳ là tai nạn liên hoàn, với hàng loạt hiện trường. Các CBCS vừa làm việc ở hiện trường này nhưng vẫn phải quán xuyến các hiện trường khác xung quanh bởi nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Xúc động với những gương mặt sạm đen của lực lượng cứu hộ trong ngày trở về -0
Đại úy Đỗ Hoàng Thanh, giảng viên Khoa CNCH, Trường Đại học PCCC nhớ lại công việc tham gia CNCH tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến hiện trường, Đoàn CNCH đã được người dân đón tiếp rất nhiệt tình, được các đoàn phối hợp tốt nhất trong công tác CNCH. “Đây là lần đầu tiên đoàn ra nước ngoài thực hiện CNCH. Khi đoàn công tác sang làm nhiệm vụ đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam. Bộ Công an của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cử một đồng chí luôn theo sát đoàn để đảm bảo an ninh cũng như kết nối giữa lực lượng CNCH Việt Nam với lực lượng CNCH các nước. Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của nhóm tình nguyện là người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kết nối, hỗ trợ về lương thực, thực phẩm. Có những người dân khi biết Đoàn CNCH của Việt Nam tới đã nhiệt liệt chào đón và ủng hộ từ tinh thần đến những bữa ăn nhỏ khi chúng tôi di chuyển về nước" …”- Thiếu tá Nguyễn Văn Cần và Đại uý Đỗ Hoàng Thanh kể về những tình cảm mà người dân nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ gửi cho Đoàn.

“Ôi bố đi sao hỏa à!?”

Nhắc về vợ, con đang háo hức gặp, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần cho hay, gia đình anh có 2 con đều do vợ tự tay chăm sóc khi anh vắng nhà. Đây là một trong những lần làm nhiệm vụ CNCH như bao lần khác, chỉ có điều khoảng cách địa lý quá xa xôi, điều kiện bên Thổ Nhĩ Kỳ hết sức khó khăn. Gia đình và anh em bạn bè thường xuyên nhắn tin gửi lời động viện để anh em hoạt động bên đó vững tâm hơn cảm thấy phía sau mình luôn có người hỗ trợ.

“Giờ làm việc của chiến sĩ CNCH không cố định, có hôm làm từ sáng đến chiều tối hoặc từ sáng đến đêm nên không phải lúc nào cũng liên hệ được với gia đình. Có lần con gái gọi điện thoại, tôi đang ở hiện trường nghỉ giải lao để ăn trưa. Lúc này, tôi vẫn đeo mặt nạ trên mặt, con gái có hỏi: "Ôi bố đi sao hỏa à!?”. Tôi phì cười nói, đúng bố đang ở sao hỏa, ở rất xa con để làm nhiệm vụ đặc biệt cứu người con ạ”- Thiếu tá Nguyễn Văn Cần chia sẻ. “Cũng như tâm trạng của nhiều phụ nữ khác khi chồng đi làm nhiệm vụ, vợ tôi luôn động viên, nếu chồng không đi thì anh em đồng đội khác cũng sẽ đi. Anh cố gắng giữ gìn sức khỏe, tránh tai nạn thương cấp ở hiện trường. Bởi vì hiện trường sụp đổ thì luôn rủi ro tiềm ẩn, nguy cơ có thể sập thêm, an toàn là trên hết” - Thiếu tá Nguyễn Văn Cần cho biết thêm.

Vợ mới sinh con được 4 tháng, Đại uý Đỗ Hoàng Thanh cho biết: “Em đi công tác, vợ và con ở nhà được ông bà nội chăm sóc. Do chênh lệnh múi giờ, vợ lại chăm con nhỏ nên ít khi chúng em có thời gian tâm sự gọi điện thoại. Thỉnh thoảng có nói chuyện, vợ cho xem ảnh con rồi động viên em giữ gìn sức khỏe, sớm trở về hoàn thành nhiệm vụ với gia đình”. 

Ngày hôm nay các anh đã được trở về với gia đình, với đồng đội và tiếp tục công việc của mình ở đơn vị. Nhưng những gì các anh đã làm được trên nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn được khắc ghi trong lòng người dân hai nước, tạo dấu ấn vô cùng đẹp về hình ảnh người chiến sỹ CAND Việt Nam.

M.Hiền - K.Hà - N.Thắng
.
.