Nhiều nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ
Bộ Công an đang lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức, cơ quan đối với dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Tách biện pháp cảnh vệ ra khỏi chế độ cảnh vệ để tạo thuận lợi cho lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ; bổ sung đối tượng cảnh vệ; cụ thể hóa quyền hạn của Cảnh vệ... là những nội dung Bộ Công an đề xuất tại dự thảo Hồ sơ.
Bổ sung Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao là đối tượng cảnh vệ
Trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Bộ Công an cho biết, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ là nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu, nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương. Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình an ninh chính trị trên thế giới, trong nước hiện nay, cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao vì đặc thù công việc của hai chức vụ này liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền tự do của con người, đặc thù nghề nghiệp mang tính rủi ro cao, cần được bảo vệ. Qua tham khảo luật của một số quốc gia trên thế giới, đồng thời Luật hóa Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đối với đối tượng cảnh vệ là các "sự kiện đặc biệt quan trọng", Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi hội nghị quốc tế được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng. Tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ hiện nay quy định "sự kiện đặc biệt quan trọng" là đối tượng cảnh vệ gồm: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị -xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị". Như vậy một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1 và điểm a, b khoản 2 Điều 10 (hiện tại đối tượng cảnh vệ gồm 37 đồng chí, kể cả các lãnh đạo đã nghỉ hưu như Nguyên Tổng Bí thư, Nguyên Chủ tịch nước…) tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là "sự kiện đặc biệt quan trọng" và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ.
Tuy nhiên, tại Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Bộ Công an nêu rõ, thực tế có nhiều hội nghị quốc tế, thành phần đại biểu cấp chuyên viên hoặc cấp vụ trở xuống (do yêu cầu đối ngoại có đối tượng cảnh vệ tham dự và theo Luật Cảnh vệ được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng) được áp dụng các biện pháp cảnh vệ dành cho đại biểu tương tự như khi triển khai bảo vệ Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị cấp cao ASEAN, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng…, điều này không phù hợp.
Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 10 như sau: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; Hội nghị quốc tế do Nhà nước đăng cai tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị".
Tách biện pháp cảnh vệ ra khỏi chế độ cảnh vệ
Tại dự thảo Tổng kết 5 năm thi hành Luật Cảnh vệ, Bộ Công an đề xuất tách biện pháp cảnh vệ ra khỏi chế độ cảnh vệ để tạo thuận lợi cho lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ. Một số biện pháp, chế độ cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng nội dung của các biện pháp chưa quy định cụ thể trong Luật như kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng; kiểm tra an ninh, an toàn thường xuyên tại khu vực trọng yếu, địa điểm hoạt động của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Do vậy, nội dung này cần thiết được đưa vào Luật Cảnh vệ, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả công tác cảnh vệ.
Đồng thời, Luật Cảnh vệ cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong thực hiện công tác cảnh vệ, như Tư lệnh Cảnh vệ có quyền phát hành thẻ, giấy, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ (cả trong nước và nước ngoài). Trong trường hợp cần thiết, được thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 theo hướng quy định lực lượng Cảnh vệ gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Quốc phòng để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật CAND.
Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng.