Ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”
Sáng 15/10, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an tổ chức buổi tọa đàm khoa học: Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen”.
Đại tá, TS. Mai Hoàng, Phó Cục trưởng Cục CSHS chủ trì tọa đàm.
Về phía đại biểu khách mời có đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng Nhà nước; Cục An ninh thông tin, Bộ Thông tin truyền thông; Vụ Tổng hợp, TAND tối cao; Vụ 2, VKSND tối cao, lãnh đạo các đơn vị chức năng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH; Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an); Phòng CSHS Công an TP Hà Nội; Học viện CSND và Cao đẳng CSND I; Báo CAND…
Thực trạng hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”
Từ cuối năm 2018, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương từ thành phố, thị xã đến nông thôn, miền núi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ANTT.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tiếp cận người có nhu cầu vay bằng nhiều thủ đoạn đoạn như: In tờ rơi, dán quảng cáo, tại các địa bàn công cộng, đăng thông tin, nhắn tin quảng cáo cho vay trên Internet, mạng xã hội, “núp bóng” các cơ sở kinh doanh tài chính, đòi nợ, cầm đồ, để đối phó với các cơ quan chức năng cho vay với lãi suất rất cao và phí cộng lại (từ 100% đến 300%, thậm chí đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính. Để đòi nợ, các đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn đe dọa, ném chất bẩn, chất thải, bôi nhọ danh dự hoặc thực hiện các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm, tổn hại về tinh thần, chiếm đoạt, hủy hoại tài sản…
Dưới sự điều hành của Đại tá Mai Hoàng, các đại biểu đã tham luận, đưa ra nhiều ý kiến quan trọng nhằm góp phần làm rõ hơn thực trạng và giải pháp trong phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó trưởng phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đã thông tin tình hình hoạt động của tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, ổ nhóm hoạt động phức tạp, phương thức thủ đoạn trên địa bàn thành phố. Công an TP Hà Nội đã triển khai chuyên đề 231 để thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 12 của Chính phủ; triệt phá một số vụ án điển hình như ổ nhóm đối tượng đang chữa bệnh nhưng vẫn chỉ đạo đường dây hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; đồng thời đưa ra những giải pháp, nhận diện phương thức thủ đoạn mới đối tượng thế chấp hình ảnh để vay tiền, qua đó, nghiên cứu để phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả; đối tượng liên quan đến cho vay qua APP…Thượng tá Quảng mong muốn thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa Công an quận, huyện, xã, phường ở cơ sở và lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.
Trao đổi về công tác quản lý các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT, góp phần phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Đại tá Trần Nam Trung, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, liên quan đến quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Cục đã rà soát, đề xuất đưa ra khỏi diện kinh doanh 171 cơ sở liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê; trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ dễ dàng hỗ trợ xác minh, tra cứu đối với công dân đăng ký kinh doanh cơ sở có điều kiện, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nhận diện đối tượng hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”….
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), bà Ngô Hoài Bắc nêu bật một giải pháp góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Trong đó, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, NHNN và toàn ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa. Từ năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay… Hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng đến các thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Ông Nguyễn Xuân Quang, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên không gian mạng, xây dựng trang Web cảnh báo, đưa thông tin các app có hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, để người dân có thể kiểm tra, tra cứu…
Thời gian tới, để ngăn chặn sớm nhất loại tội phạm này, Cục An toàn thông tin đề nghị có sự phối hợp với các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Tài Chính để khi có thông tin tin liên quan đến “tín dụng đen” trên không gian mạng, để nhanh chóng ngăn chặn, xử lý…
Trao đổi về tăng cường hiệu quả phối hợp trong thông tin, tuyên truyền, Trung tá Phan Đăng Trường, Trưởng ban Thời sự - Chính trị, Báo CAND cho biết, các loại hình báo chí của Cục truyền thông CAND đã và đang tăng cường phối hợp giữa Cục CSHS nói chung và Công an các đơn vị, địa phương trong thông tin, tuyên truyền đường lối chính sách, chỉ thị 12, các văn bản hướng dẫn liên quan đến “tín dụng đen”. Cũng theo Trung tá Phan Đăng Trường, việc tuyên truyền có hiệu quả phải đưa ra nhiều góc độ như: Khi phóng viên báo chí phát hiện vụ việc có dấu hiệu đòi nợ thuê, đổ chất thải… đã nhanh chóng thông tin trên báo. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp cơ quan Công an xác minh, điều tra; thông tin phản ánh kịp thời kết quả đấu tranh vụ án liên quan đến tội phạm “tín dung đen”, điển hình mới đây tuyên truyền vụ án bắt giữ ổ nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, chuyên đòi nợ thuê ở Thanh Hóa, Thái Bình…; đi sâu vào các vụ án cụ thể tuyên truyền về phía gia đình, tổ chức khi vướng vào “tín đụng đen” để lại hậu quả như thế nào? Những trường hợp nợ nần chồng chất “khuynh gia bại sản”, mâu thuẫn trong gia đình…; làm rõ hành vi thủ đoạn của đối tượng, bám theo khuyến cáo của Cục CSHS, Công an các địa phương, lực lượng chức năng, chuyên gia để người dân phòng ngừa.
Tại buổi tọa đàm, đại diện của Vụ 2, Viện KSND tối cao và Vụ Tổng hợp, TAND tối cao đã đưa các ý kiến về nâng cao hiệu hiệu quả phối hợp trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, góp phần giải quyết các vụ án hình sự; tình hình xét xử các vụ án, những khó khăn, vướng mắc, giải pháp và kiến nghị đề xuất liên quan đến “tín dụng đen”. Ngoài ra, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp và Khoa CSHS, Học viện CSND đưa ra ý kiến tham luận làm nổi bật định hướng trong công tác hoàn thiện pháp lý phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, nhấn mạnh về các bộ luật, nghị định, thông tư quy định và điều chỉnh về loại tội phạm này; cũng như chia sẻ về phòng ngừa tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” dưới góc độ nạn nhân học.