Nâng cao hiệu quả gần 700 "Tổ liên gia an toàn PCCC" tại Hà Nam
Xác định công tác phòng ngừa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là yếu tố quyết định đến hiệu quả phòng cháy, chữa cháy (PCCC), vì vậy, thời gian qua, Công an tỉnh Hà Nam đã chú trọng xây dựng và triển khai nhân rộng 689 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và 70 "Điểm chữa cháy công cộng". Qua đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCCC, góp phần hiệu quả hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn.
Là địa bàn trung tâm, tập trung dân cư đông nhất, nhì tỉnh Hà Nam, phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) hiện có hơn 1.200 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu và 14 cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đặc biệt, trên địa bàn phường có chợ Bầu và nhiều hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện giao thương buôn bán, thuận lợi, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về PCCC.
Trước tình hình trên, Công an phường Lương Khánh Thiện đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PCCC; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CNCH và tăng cường công tác kiểm tra về bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, các ban ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ tham gia mô hình "Tổ liên gia an toàn về PCCC"; tổ chức rà soát, bổ sung, lắp đặt các "Điểm chữa cháy công cộng".
Chia sẻ về mô hình, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Công an phường Lương Khánh Thiện cho biết: Khi tham gia mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", mỗi hộ gia đình đều được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...).
Các phương tiện này đều được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy, nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy, 2 nút ấn báo cháy ở trong và ngoài nhà, được kết nối liên thông để khi có sự cố xảy ra tại một nhà thì tất cả các nhà khác trong Tổ liên gia đều biết để kịp thời hỗ trợ nhau.
Mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" như những "cánh tay nối dài" của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhằm báo động kịp thời, sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động nhân dân tham gia chữa cháy, chớp lấy "thời điểm vàng" trong công tác chữa cháy, CNCH khi có cháy nổ xảy ra.
Vì vậy, việc triển khai, nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCCC ngay từ cơ sở, ngay từ khu dân cư. Để mô hình đạt hiệu quả thực tiễn, Công an phường đã phối hợp lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về an toàn PCCC; tăng cường hướng dẫn kiến thức, cách sử dụng phương tiện chữa cháy, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đến nay trên địa bàn phường Lương Khánh Thiện đã có 24 "Tổ liên gia an toàn PCCC"; và 2 "Điểm chữa cháy công cộng", góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần PCCC trong từng tổ dân phố, người dân.
Ông Nguyễn Trọng Hữu, thành viên "Tổ liên gia an toàn về PCCC" thuộc tổ dân phố số 2, phường Lương Khánh Thiện cho biết, thời gian qua rất nhiều vụ cháy nhà dân để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên nhiều địa bàn cả nước, do vậy, tôi thấy mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" rất thiết thực, hiệu quả. Việc tham gia mô hình không chỉ thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, mỗi gia đình trong công tác PCCC mà còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi có sự cố xảy ra.
Còn tại thị xã Duy Tiên, một trong những địa bàn có tốc độ công nghiệp hóa mạnh của tỉnh Hà Nam với nhiều khu, cụm công nghiệp, khi nhu cầu sử dụng năng lượng điện, xăng, dầu, khí đốt của người dân và các cơ sở đều tăng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Việc triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia PCCC, phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ".
Là thành viên tích cực của "Tổ liên gia an toàn PCCC" của tổ dân phố Phạm Văn Đồng (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên), ông Nguyễn Văn Cương chia sẻ: "Tổ liên gia an toàn PCCC" chúng tôi gồm 5 hộ gia đình, với 13 thành viên là các hộ dân sinh sống trên cùng một dãy phố. Tổ có quy chế hoạt động rõ ràng trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về kinh phí. Mỗi hộ tham gia mô hình không chỉ thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC mà còn phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tích cực tuyên truyền để quần chúng tự giác chấp hành các quy định pháp luật về PCCC. Đặc biệt, các thành viên trong tổ chúng tôi ai cũng được lực lượng Công an hướng dẫn tập huấn về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ"...
Không chỉ phường Lương Khánh Thiện hay thị xã Duy Tiên, mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" là một trong những mô hình điển hình được triển khai hiệu quả trên nhiều địa bàn của tỉnh Hà Nam. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 689 "Tổ liên gia an toàn PCCC" và 70 "Điểm chữa cháy công cộng".
Với quan điểm, công tác phòng ngừa và ý thức, trách nhiệm của người dân là yếu tố quyết định giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, thời gian qua, song song với việc tăng cường kiểm tra, rà soát an toàn cháy nổ, nhất là đối với các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình, hộ kinh doanh mở lối thoát nạn thứ 2…, Công an tỉnh Hà Nam còn chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng".
Qua triển khai mô hình, đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm PCCC và CNCH cho gần 148.000 hộ gia đình tại các "Tổ liên gia an toàn PCCC" và trang bị 97.192 bình chữa cháy. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả bền vững công tác quản lý trên lĩnh vực PCCC và CNCH, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được lợi ích của mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng".
Tiếp tục rà soát, vận động các gia đình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ tham gia "Tổ liên gia an toàn PCCC"; bổ sung, lắp đặt "Điểm chữa cháy công cộng" tại các ngõ hẻm có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khó tiếp cận; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đồng thời, vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay nhất là đang vào mùa cao điểm hanh khô, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, thì mô hình sẽ là giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa và có hiệu quả đám cháy khi mới vừa nhen nhóm.