Lan tỏa việc người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế

Thứ Bảy, 20/01/2024, 08:12

Hưởng ứng thư kêu gọi của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc toàn dân thực hiện cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo, từ ngày 13/1, Ban Thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công an các huyện, thị triển khai chương trình “Đổi VK, VLN, CCHT và pháo – Nhận bình chữa cháy” tại các xã vùng sâu, vùng xa. Chỉ sau chưa đầy 1 tuần triển khai, người dân ở 2 huyện Nam Đông và Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đã tự nguyện giao nộp 38 súng tự chế, 8 dao kiếm.

Tại trụ sở UBND xã Thượng Long (huyện Nam Đông) nơi triển khai chương trình “Đổi VK, VLN, CCHT và pháo – Nhận bình chữa cháy”, từ sáng sớm, đã có hàng chục người dân ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Xuân, Hương Hữu… mang theo súng tự chế, dao đến tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Anh Phạm Văn Ná (trú thôn Aprung, xã Thượng Long) chia sẻ, sau khi được các anh Công an xã, Công an viên tuyên truyền việc tàng trữ súng tự chế vừa gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và vi phạm pháp luật, bản thân anh đã hiểu và tự nguyện mang súng tự chế đi giao nộp cho cơ quan chức năng. Súng tự chế mà anh Ná vừa giao nộp cho lực lượng chức năng cũng như súng tự chế của các hộ dân trên địa bàn, phần lớn là do người dân đặt mua phụ tùng về và tự lắp ráp, dùng để bắn chim.

Tương tự, anh Trần Văn Bảy, người dân tộc Cơ Tu trú thôn Aprung, xã Thượng Long cũng vừa tự nguyện giao nộp một súng tự chế. “Việc giao nộp súng cho Công an khiến bản thân mình và người nhà rất yên tâm khi không còn vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, gia đình mình còn được cán bộ Công an tặng gạo, quà và bình chữa cháy nên mình rất vui”, anh Bảy cho hay.

Lan tỏa việc người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế -0
Người dân huyện miền núi Nam Đông đưa súng tự chế đến chờ giao nộp cho cơ quan Công an.

Chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ triển khai tại huyện miền núi Nam Đông, lực lượng Công an đã tiếp nhận 31 súng tự chế do người dân sinh sống trên địa bàn huyện tự nguyện mang đến giao nộp. Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở xã Thượng Long giao nộp 6 súng tự chế.

“Những năm gần đây, công tác quản lý, thu hồi VK, VLN luôn được Công an xã đặc biệt chú trọng, công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều giải pháp, hình thức để người dân nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn từ tàng trữ vũ khí tự chế... Qua đó, vào các năm 2022, 2023, đã có hàng chục người dân tự nguyện đến cơ quan Công an xã giao nộp súng tự chế, góp phần ổn định ANTT nông thôn, khu vực miền núi”, Trung tá Phan Tiến Dũng, Trưởng Công an xã Thượng Long cho biết.

Sau khi đổi VK, VLN để lấy gạo và bình chữa cháy, đông đảo người dân miền núi được cán bộ Công an hướng dẫn cụ thể và thực hành cách sử dụng bình chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân lạm dụng súng tự chế và hậu quả đã gây ra một số vụ cố ý gây thương tích hay vụ án mạng thương tâm từ loại vũ khí này. Điều đáng lo, tại các huyện vùng cao, với tập quán canh tác cũng như phong tục bao đời nay của đồng bào khi đi làm nương rẫy, đều mang theo súng tự chế vừa để bảo vệ bản thân, vừa để săn bắn. Vì vậy, để thay đổi tập tục của người dân, những năm gần đây; lực lượng Công an xã, đặc biệt là Công an bán chuyên trách, Công an viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền đến người dân.

Anh Trần Minh Đông, Công an viên bán chuyên trách thôn 8 (xã Thượng Long) cho biết, qua nắm chắc, bám sát địa bàn, các anh phát hiện được những trường hợp nào có nguy cơ tàng trữ súng tự chế. Sau đó, tìm cách tiếp cận, vận động, giải thích về tác hại của việc tàng trữ súng tự chế gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, người dân đã dần dần nhận thức được sự nguy hiểm nên họ tự nguyện đưa súng đến giao nộp cho chính quyền, cho Công an.

Để công tác thu hồi VK, VLN, CCHT và pháo nổ đạt hiệu quả cao, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an cơ sở thì thời gian qua, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản cũng tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật giúp cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Qua đó, nhiều người dân đã tự nguyện đến cơ quan chức năng để giao nộp nhiều súng tự chế, dao kiếm… Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2023 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hồi được hàng trăm loại VK, VLN các loại. Qua đó, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về VK, VLN, CCHT và pháo nổ trên địa bàn tỉnh.

Theo cơ quan Công an, chương trình “Đổi VK, VLN, CCHT và pháo – Nhận bình chữa cháy” là hình thức tuyên truyền mới, được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia. Qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT và pháo nổ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu một bình chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Thiếu tá Lê Viết Phương, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh cho biết, cũng trong đợt cao điểm nay, Ban Thanh niên Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh Hue-S, Công an và Đoàn thanh niên các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân tại các địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân để tự nguyện giao nộp VK, VLN, CCHT và pháo nổ góp phần chung tay đảm bảo ANTT trên địa bàn, cùng nhà nhà đón một mùa Xuân Giáp Thìn trong bình an và hạnh phúc.

Trong dịp triển khai chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo – Nhận bình chữa cháy” (diễn ra từ giữa tháng 1/2024 đến giữa tháng 2/2024), Ban Thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên Huế còn phối hợp với một số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức trao tặng hàng trăm suất quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo.

Hải Lan
.
.