Ký kết Chương trình phối hợp về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Chương trình phối hợp nhằm tạo sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng của Chính phủ.
Ngày 17/4, Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ – TTg ngày 17/8/2023 (Quyết định 22) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giai đoạn 2024 – 2028. Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Tạm giữ, Tạm giam và Thi hành án hình sự (TGTG,THAHS) tại cộng đồng và ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đồng chủ trì buổi ký kết.
Chương trình phối hợp nhằm tạo sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng của Chính phủ; bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường trách nhiệm và hợp tác giữa Công an các địa phương và các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố, góp phần chung vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Chương trình phối hợp gồm 3 mục, 5 nội dung gồm: phối hợp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin; phối hợp trong kiểm tra, hướng dẫn; phối hợp trong thực hiện thông tin, truyền thông và các nội dung phối hợp khác.
Phát biểu tại phiên họp, Đại tá Vũ Trọng Chiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng cho biết, mỗi năm các trại giam trả về cho xã hội hàng nghìn người chấp hành xong án phạt tù. Với số vốn được Ngân hàng Chính sách cho vay, hi vọng họ có việc làm để không tái phạm tội.
“Ngoài số người chấp hành xong án phạt tù thì còn có người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, những người này cũng rất cần vay vốn, cần được tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội quan tâm cho họ vay vốn. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Chính sách phối hợp với các trại giam để tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của các phạm nhân sắp hết án để họ có kiến thức, hiểu về Quyết định 22” – Đại tá Vũ Trọng Chiến nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục TGTG, THAHS tại cộng đồng cho biết, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương, tạo sức lan toả lớn. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các chi nhánh Ngân hàng Chính sách rà soát, lập danh sách, duyệt đối tượng. Đến nay, qua hơn 6 tháng triển khai, đã có 6.842 trường hợp trường được vay vốn với tổng số tiền giải ngân hơn 340 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận bày tỏ, đây là chương trình mới, có tính nhân văn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo các chi nhánh phối hợp với Công an các địa phương rà soát đối tượng cho vay, đồng thời chỉ đạo các cân đối nguồn thu để đảm bảo đủ vốn vay cho các đối tượng. “Mục tiêu của chúng tôi là huy động nguồn vốn của các địa phương để đảm bảo chủ động. Đề nghị Công an các cấp phối hợp tuyên truyền, rà soát đối tượng vay vốn, việc sử dụng vốn trước, trong và sau giải ngân” – đồng chí Huỳnh Văn Thuận nêu.