Tín dụng cho người hoàn lương - điểm tựa cuộc đời

Thứ Hai, 04/12/2023, 08:31

Cho người chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người từng lầm lỡ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề, sản xuất kinh doanh là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi chính sách này có hiệu lực, những đồng vốn đầu tiên đã đến được với người tái hòa nhập cộng đồng và phát huy được hiệu quả.

Tháng 6/2023, sau khi chấp hành xong bản án 26 tháng tù giam tại Trại giam Xuân Hà (Cục C10 - Bộ Công an) về tội gây rối trật tự công cộng, anh Nguyễn Trọng Quyến (SN 1993), trú tại thôn Đại Tiến, xã An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng. Bản thân trước khi lầm lỡ không lo tu chí học hành, nay trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia cảnh khó khăn nên thời gian đầu, phần vì mặc cảm, phần nữa không có vốn để phát triển kinh tế nên anh Quyến loay hoay hoạch định tương lai nhưng không có giải pháp nào tối ưu.

a.jpg -0
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Đức Thọ (Hà Tĩnh) bên mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Nguyễn Trọng Quyến.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và được sự tư vấn của Công an xã An Dũng, tháng 8/2023 anh Quyến biết đến chính sách cho người lầm lỡ hoàn lương vay vốn ngân hàng để học nghề và phát triển kinh tế, sau khi đối chiếu lại các tiêu chí thấy bản thân đủ điều kiện nên đã mạnh dạn tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh chi nhánh tại huyện Đức Thọ để tìm hiểu và đăng ký vay vốn. Tại đây, được sự tư vấn tận tình của cán bộ tín dụng, anh Nguyễn Trọng Quyến đã mạnh dạn đăng ký vay số tiền 90 triệu đồng trong thời hạn 5 năm để phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen, với lãi suất ưu đãi như lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Sau khi được ngân hàng giải ngân nguồn vốn, anh Quyến đã tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất, dự kiến vào đầu năm tới sẽ thả lứa ốc đầu tiên. Với diện tích mặt nước gần 1.000m2, anh Quyến dự định sẽ thả nuôi từ 70.000 - 100.000 con ốc bươu đen, sau khoảng 5 tháng, ốc đạt trọng lượng 30 - 35 con/kg thì sẽ xuất bán và với giá thành như hiện tại (80.000 – 100.000 đồng/kg), anh Quyến tính toán sau 2 năm có thể thu hồi vốn ban đầu.

Ông Đậu Ngọc Luyến, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Đức Thọ cho biết, ngày sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được ban hành và có hiệu lực, ngân hàng đã phối hợp với các tổ chính chính trị, xã hội, đoàn thể và chính quyền địa phương, cùng với lực lượng Công an xã tổ chức rà soát, phổ biến chủ trương, chính sách đến tất cả các đối tượng đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn. Hiện, trên địa bàn huyện Đức Thọ có khoảng 300 người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương. Ông Luyến cũng cho biết thêm, hiện số người đủ điều kiện mong muốn tiếp cận nguồn vốn tương đối nhiều, tuy nhiên hiện vốn cấp về đang ít, không đủ để đáp ứng. Do đó, mong muốn trong thời gian sắp tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Thọ nói riêng và nguồn vốn cho chương trình này nói chung, sẽ được cấp nhiều hơn để giúp người lầm lỗi có điểm tựa hoàn lương, vươn lên trong cuộc sống để làm lại cuộc đời.

Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh cho biết thêm, ngay sau khi Bộ Công an và Ngân hàng chính sách xã hội phối hợp triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh đã chỉ đạo 12 Phòng giao dịch đóng tại xá huyện, thành phố và thị xã trên địa bàn, khẩn trương phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 12 người chấp hành xong án tù được giải ngân với số tiền 900 triệu đồng. Trong đó, số tiền được duyệt giao động từ 50 triệu đến 100 triệu đồng mỗi người. Theo ông Thức, đây là chính sách hết sức nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, là điểm tựa để mở ra cánh cửa hoàn lương, ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời cho những người từng lầm lỡ. Qua đó, góp phần tích cực xóa bỏ nguyên nhân và điều kiện vi phạm pháp luật, tái phạm tội của những người đã chấp hành xong án phạt để trở thành những công dân tích cực với gia đình và địa phương.

Tín dụng cho người hoàn lương - điểm tựa cuộc đời -0
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cùng Công an xã thường xuyên đến tuyên truyền, động viên hộ gia đình có người hoàn lương được vay vốn. (Ảnh: Thanh Mai)

Được biết, nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, ngày 17/8/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo quyết định này, từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù, hoàn lương sẽ được vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội lên đến 100 triệu đồng/người. Để hướng dẫn thực hiện việc cho các đối tượng này vay vốn kịp thời, ngày 20/9/2023 Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã ban hành văn bản số 7557 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá và Cơ sở sản xuất kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù đều thuộc đối tượng vay vốn.

Đối với những người đã được vay vốn, theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Thức, cán bộ tín dụng của ngân hàng sẽ phối hợp với lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương, vừa theo dõi sát sao, vừa hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng đầu tư kinh doanh có hiệu quả để phát huy nguồn vốn tín dụng. Trước nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn của nhiều người đủ điều kiện được vay, phía Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh cũng mong muốn được phân bổ, cấp vốn nhiều hơn để giải quyết nhu cầu vay vốn của người dân. Mặc dù chính sách mới, song phía Ngân hàng chính sách xã hội tin tưởng, với số tiền được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg sẽ giúp những người lầm lỡ, sau khi cải tạo trở về hòa nhập với cộng đồng tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội.

Thiên Thảo
.
.
.