Khi người dân chung tay cùng CSGT
Từ đầu tháng 4/2024, nhất là sau khi Công an tỉnh Bình Dương phát thư ngỏ “Toàn dân chung tay, góp sức phòng ngừa tai nạn giao thông”, từ ngày 26/4 đến nay đã có gần 100 trường hợp vi phạm Luật Giao thông được người dân cung cấp cho cơ quan Công an.
Khi phát hiện cá nhân vi phạm, người dân có thể sử dụng camera, máy ảnh, điện thoại, camera hành trình... ghi nhận thông tin, hình ảnh kèm theo ngày, giờ phát hiện vi phạm, tuyến đường vi phạm, biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện cùng các thông tin có liên quan gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc Công an các huyện, thị, thành phố để xử lý.
Mục đích của lời kêu gọi này là nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vào những thời điểm không có CSGT tuần tra trên đường và những tuyến đường chưa có hệ thống camera giám sát. Hiệu quả bước đầu thấy rõ khi từ ngày 26/4 đến 14/5/2024, Phòng CSGT và Công an các địa phương đã tiếp nhận 77 thông tin, hình ảnh, video clip phản ánh vi phạm về TTATGT với các lỗi vi phạm chủ yếu là: đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đỗ xe ngược chiều, chở hàng quá tải. Cơ quan Công an đã xác minh 20 trường hợp đủ căn cứ xử lý; hiện đang tiếp tục xác minh và xử lý các trường hợp còn lại. …
Tại TP Bến Cát, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, Công an thành phố đã lập biên bản, xử lý 8 trường hợp vi phạm giao thông do người dân cung cấp. Đã ra quyết định xử phạt số tiền gần 30 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng đối với 5 trường hợp, tạm giữ 1 xe ôtô. Một số vụ điển hình như trưa ngày 6/5, bà P. (SN 1975) điều khiển xe ôtô con BKS 61C.17… ngang nhiên đi ngược chiều trên tuyến tỉnh lộ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Toàn bộ vụ việc được người dân ghi lại, gửi Công an thành phố Bến Cát xử lý.
Một trường hợp khác là ông H. (ngụ Dầu Tiếng, Bình Dương) đã điều khiển xe ôtô đi ngược chiều trên đường. Khi mời ông lên làm việc thì phát hiện chiếc ôtô đã quá hạn đăng kiểm. Ông T.V.S. (SN 1985, ngụ Bình Dương) điều khiển xe ôtô đi ngược chiều tại đường NA3, KCN Mỹ Phước 2, khi làm việc với cơ quan Công an, ông S. đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và cam kết không tái phạm…
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, hầu hết các trường hợp vi phạm khi được mời lên làm việc đều thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết sẽ chấp hành nghiêm khi tham gia giao thông. Đồng thời cho biết sẽ nhắc nhở người thân, bạn bè, đồng nghiệp hết sức thận trọng khi điều khiển phương tiện.
Về phía người dân rất đồng tình, ủng hộ với cách làm của Công an tỉnh Bình Dương. Anh Hồ Thắng ở TP Bến Cát cho biết: “Đó là cách làm rất hay, trước đây tôi phát hiện rất nhiều trường hợp chạy xe ngược chiều, lấn làn… rất bức xúc nhưng không biết phải làm thế nào, nay thì tôi sẽ quay lại clip và cung cấp ngay cho cơ quan Công an. Có xử lý triệt để như vậy thì mới hết “hung thần” trên các tuyến đường”.
Anh H. (ngụ huyện Bắc Tân Uyên), người từng cung cấp thông tin cho cơ quan Công an thì cho rằng, cái hay là sau khi xử lý, cơ quan Công an đã phản hồi cho người cung cấp thông tin về việc xử lý để tránh trường hợp bỏ qua vi phạm hoặc xử lý qua loa.
“Bước đầu triển khai thư ngỏ phát động người dân chung tay góp sức phòng ngừa TNGT đã phát huy hiệu quả, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các hành vi vi phạm mà dư luận quan tâm như: nồng độ cồn, quá tốc độ, quá khổ, quá tải, dừng đỗ sai quy định, chạy sai làn đường… có chiều hướng giảm; hậu quả thiệt hại do TNGT cũng giảm rất nhiều so với trước đây. Xử lý vi phạm về giao thông qua việc sử dụng thông tin, hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp đang nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của dư luận xã hội. Qua đó đã hỗ trợ tích cực, giúp tăng cường năng lực xử lý giao thông cho lực lượng CSGT”, Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết.