Khi Đề án 06 về với người dân
Mỗi một địa phương lại có cách làm sáng tạo, những mô hình hay để từng người dân tiếp cận với Đề án 06, từ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến… Trong đó, Ninh Bình là 1/10 tỉnh, thành phố có số lượng người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip cao nhất toàn quốc.
Đẩy mạnh khu trung tâm hành chính công
Đại tá Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, ngay sau khi nhận được kế hoạch của Bộ Công an thực hiện cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngày 7/10, Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 2062 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ như: Đẩy nhanh tiến độ bảo đảm 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên hiện đang cư trú trên địa bàn được thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử. Tính đến ngày 12/10, toàn tỉnh Ninh Bình đã thu nhận 794.814 hồ sơ cấp CCCD, đạt 99,23% tổng số công dân đủ 14 tuổi trở lên hiện có mặt trên địa bàn.
Triển khai các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng theo Đại tá Đặng Trọng Cường, Công an tỉnh Ninh Bình đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp CCCD và đối với 11/25 dịch vụ công thiết yếu trong Đề án 06 thuộc lĩnh vực giải quyết của lực lượng Công an. Giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến theo từng ngày.
Thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử, trong đó tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử khi nhận được tin nhắn thông báo của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) để bảo đảm 100% công dân đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn đăng ký và kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 100% tài khoản định điện tử mức độ 2 đã đăng ký được kích hoạt thành công trước ngày 1/1/2023.
Ngoài ra, bảo đảm các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng từ 31/12/2022, Công an tỉnh đã tham mưu cho Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính áp dụng hiệu quả, phù hợp 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc yêu cầu xuất trình số hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Đồng thời đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu dân cư. Thực hiện thông báo số định danh cá nhân cho 100% công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn và cấp xác nhận cư trú khi công dân có yêu cầu.
Tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ: Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện Đề án. Hiện Công an tỉnh đang tiếp tục tham mưu triển khai 5 “mô hình điểm” trong thực hiện Đề án 06 như: mô hình về đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Khi chúng tôi đến Trung tâm hành chính công của tỉnh Ninh Bình, tại đây, tổ công tác của Công an tỉnh Ninh Bình cùng với 17 sở, ban, ngành của tỉnh tiếp nhận, giải quyết các thủ tục QLHC giảm thiểu thời gian đi lại, giấy tờ cho công dân.
Tâm trạng vui vẻ khi làm xong các thủ tục hành chính, chị Phạm Thị Loan, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, từ khi tổ công tác của Công an tỉnh Ninh Bình ra đây, chị và nhiều người dân không phải vòng lại Công an tỉnh làm giấy tờ. “Như hôm nay, tôi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip, chưa đầy mấy phút là quay sang khu vực khác để làm lý lịch tư pháp. Mọi việc rất thuận tiện, nhanh gọn”- chị Loan hồ hởi chia sẻ.
Bà Trịnh Thị Thường, trú tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, do tuổi cao nên được con đưa ra khu vực Trung tâm hành chính công để làm CCCD gắn chip và cấp lại thẻ bảo hiểm y tế. Bà Thường cho hay: “Tôi không nghĩ thủ tục hành chính bây giờ lại nhanh đến vậy, cán bộ thì tận tình, chu đáo. Bây giờ cần làm thủ tục gì ra đây là xong”.
Công an tỉnh cũng đã đẩy mạnh mô hình triển khai các nhóm tiện ích của Đề án 06 tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tiếp nhận thông báo lưu trú qua 1 trong 3 tiện ích…
Đưa Đề án 06 về với bà con công giáo
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Ninh Bình, UBND huyện trong việc triển khai thực hiện 2 dự án và Đề án 06, Công an huyện Kim Sơn là một trong những đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba về thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 dự án; 60 lượt tập thể, cá nhân được cấp trên biểu dương, khen thưởng.
Có được thành tích này, Thượng tá Đào Thanh Thành, Trưởng Công an huyện Kim Sơn cho hay, CBCS đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, “chỗ nào dễ tập trung đông người làm trước; chỗ nào khó, ít người làm sau” để đảm bảo 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn huyện được thu nhận hồ sơ CCCD gắn chip. Đặc biệt, Công an cấp xã đã phân công, bố trí lực lượng đưa đón 1.592 trường hợp công dân không có khả năng, điều kiện đi làm thẻ CCCD; các tổ cấp CCCD lưu động của Công an huyện còn đến tận nhà thực hiện các thủ tục thu nhận hồ sơ, cấp thẻ CCCD cho 2.893 trường hợp người già yếu, bệnh nặng.
Đáng chú ý, với đặc thù là địa bàn có đông đồng bào công giáo, Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của các chức sắc, chức việc trên địa bàn để vận động, tuyên truyền các giáo dân đến làm CCCD gắn chip.
Cũng theo Thượng tá Đào Thanh Thành, trong quá trình làm thủ tục CCCD gắn chip cho đồng bào theo đạo, Công an huyện Kim Sơn thường xuyên quán triệt CBCS phải gần gũi, chân thành, mềm dẻo, linh hoạt và tạo điều kiện nhanh chóng, thuận tiện nhất cho đồng bào theo đạo; đồng thời khi có CCCD được đưa về, phải trả ngay cho bà con. Do đó, đến nay, gần như đồng bào công giáo đã làm CCCD gắn chip và các thủ tục hành chính công khác.
Trao đổi về vấn đề này, linh mục Nguyễn Hồng Phúc, giáo xứ Khiết Kỷ chia sẻ: “Từ khi cán bộ Công an đi về các địa phương, các anh không chỉ về tới huyện mà còn tận xã, một số gia đình để làm CCCD gắn chip. Và ngay tại xứ Khiết Kỷ của chúng tôi, tổ công tác của Công an huyện đã đến làm CCCD cho bà con đồng bào công giáo. Các khâu chụp ảnh, lăn tay, tới khai báo… rất nhanh. CBCS nhiệt tình, gần như chỉ ăn trưa rất vội rồi làm cho đến tối, tới người cuối cùng thì mới dừâng việc. Tinh thần của CBCS vì nước quên thân, vì dân phục vụ là ở chỗ đấy, bà con đồng bào công giáo rất phấn khởi”.
Đến nay, Công an huyện Kim Sơn đã triển khai đợt cao điểm thu nhận hồ sơ CCCD và định danh điện tử cho người dân trên địa bàn toàn huyện với nhiều giải pháp nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân. Hiện, Công an huyện đã thu nhận 138.337 hồ sơ gắn chip, đạt 95,3%; hồ sơ dữ liệu dân cư đã thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 100%.
Đối với Đề án 06, Công an cấp xã bước đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến đã tiếp nhận hồ sơ trên lĩnh vực cư trú là 2.344 hồ sơ, làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19 trên 400.000 trường hợp, cấp hơn 40.000 tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Để thực hiện Đề án 06 đúng tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu thông tin dân cư, thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân nắm, hiểu rõ những tiện ích của dịch vụ công; thường xuyên rà soát, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai quyết liệt các biện pháp công tác, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ, yêu cầu, nhiệm vụ và việc thực hiện lộ trình đề ra.