Hiệu quả trong chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính ở Công an tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số. Đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ chuyển đổi số thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), trong những năm qua, Công an tỉnh Quảng Ninh luôn làm tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự, tăng cường công tác CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử...
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án 06, bám sát mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số trong CAND, thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 5 nhóm tiện ích. Đó là, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp Dịch vụ công trực tuyến thuộc chức năng của Công an tỉnh, đã cung cấp 22/25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó 14 dịch vụ toàn trình. Phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã kết nối 14/18 hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành.
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn sử dụng Căn cước công dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Phát triển công dân số, Công an toàn tỉnh đã cấp trên 1.115.000 Căn cước công dân gắn chip, thu nhận trên 940.000 hồ sơ định danh điện tử và đã kích hoạt thành công trên 860.000 tài khoản, đạt tỷ lệ 91%, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 46,95%. Đặc biệt, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, tỷ lệ làm sạch đạt trên 98%, triển khai hiệu quả thu thập dữ liệu của trên 300.000 công dân từ 6 đến dưới 14 tuổi.
Theo Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án 06, trọng tâm là công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, cập nhật và làm sạch dữ liệu lịch sử. Xây dựng và tập trung làm sạch các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm gốc để đồng bộ làm sạch, tiến tới xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Cổng dữ liệu mở toàn tỉnh để kết nối, chia sẻ, khai thác cho tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo chức năng, thẩm quyền pháp luật đã quy định phục vụ công tác quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC và Công an các địa phương cập nhật, niêm yết, công bố công khai và tiếp nhận, giải quyết TTHC theo chức năng, nhiệm vụ, bằng các hình thức phù hợp với tính chất, đặc điểm và điều kiện của Công an các đơn vị, địa phương theo quy định. Lực lượng Công an đã nỗ lực bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, cố gắng chuyển thói quen cho người dân từ trực tiếp sang trực tuyến toàn trình.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lần đầu tiên, Công an tỉnh Quảng Ninh phát động phong trào thi đua CCHC trong lực lượng CAND năm 2024, đã tạo sự chuyển biến, lan tỏa trong Công an các đơn vị, địa phương đối với công tác CCHC. Đã có 22 đơn vị, địa phương đăng ký sáng kiến, mô hình, giải pháp CCHC để tổ chức triển khai thực hiện. Qua thẩm định, Công an tỉnh đã lựa chọn 4 sáng kiến, mô hình đăng ký Bộ ghi nhận thực hiện. Đó là Mô hình phần mềm ứng dụng chuyển đổi số trong thống kê các mặt công tác của lực lượng CSGT; Mô hình xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực cư trú, Căn cước công dân trên máy tính; Mô hình bộ phận một cửa giải quyết TTHC kết hợp dịch vụ công trực tuyến Công an cấp xã; mô hình CCHC trong nội bộ “Chương trình quản lý hồ sơ cán bộ điện tử”.
Giới thiệu về mô hình bộ phận một cửa giải quyết TTHC kết hợp dịch vụ công trực tuyến Công an cấp xã, Đại tá Nguyễn Thuận cho biết: Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chủ trương dành nguồn chi đầu tư công của ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư các công trình, dự án đảm bảo hoạt động của Công an xã đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách. Trụ sở Công an xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn được khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 2/2024 cũng từ nguồn lực đầu tư của tỉnh Quảng Ninh.
Đến với Công an xã Đoàn Kết, mọi người không khỏi ấn tượng với khuôn viên hàng ngàn mét vuông của trụ sở. Thượng tá Nguyễn Trọng Quyết, Trưởng Công an huyện Vân Đồn cho biết: CBCS của Công an huyện nói chung và Công an xã Đoàn Kết rất phấn khởi khi được tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng trụ sở Công an xã 3 tầng, khang trang, tiện nghi. Đồng thời, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức quyết liệt triển khai xây dựng mô hình Bộ phận một cửa giải quyết TTHC kết hợp dịch vụ công trực tuyến Công an cấp xã tại xã Đoàn Kết. Nhờ đó, nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân trên địa bàn có nhiều hiệu quả rõ rệt. Mô hình bộ phận một cửa giải quyết TTHC kết hợp dịch vụ công trực tuyến Công an cấp xã tại xã Đoàn Kết đi vào hoạt động từ khi trụ sở làm việc Công an xã được đưa vào sử dụng với đầy đủ các phòng chức năng phục vụ công tác của CBCS và trang thiết bị được đầu tư xây dựng, lắp đặt đầy đủ, đồng bộ. Tại đây, Công an xã niêm yết công khai, đầy đủ bằng mã QR 100% quy trình, TTHC theo thẩm quyền giải quyết; niêm yết công khai nội quy tiếp công dân, công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân khi thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, hệ thống máy móc, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin được Công an tỉnh Quảng Ninh đầu tư đã góp phần đơn giản hóa các TTHC, giảm phiền hà, chi phí, thời gian cho tổ chức và người dân trên địa bàn xã. Bà Nguyễn Thị Mây, cư trú tại thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết cho biết: “Bây giờ chúng tôi làm các TTHC tại trụ sở Công an xã rất nhanh, được cán bộ Công an hướng dẫn nhiệt tình, khó thì hỏi cán bộ trực tiếp để được hướng dẫn. Cách làm này giúp cho người dân chúng tôi ít phải đi lại, dành được nhiều thời gian để phát triển kinh tế gia đình”.
Thực hiện phương châm “Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo chất lượng CCHC”, những mô hình Bộ phận một cửa được xây dựng như tại Công an xã Đoàn Kết là minh chứng cho sự quyết tâm, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, thúc đẩy chuyển đổi số từ Công an cấp xã.
Tìm hiểu về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC phục vụ chuyển đổi số quốc gia ở Công an tỉnh Quảng Ninh có thể thấy nhiều câu chuyện thực tiễn, sống động trong các phong trào thiết thực của Công an tỉnh. Trong đó, phải nói đến phong trào “Ủng hộ Smartphone đồng hành chuyển đổi số, và Đề án 06 cùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”. Từ khi phong trào được phát động, đến nay, qua giai đoạn 1, Công an tỉnh đã huy động các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ ủng hộ 350 điện thoại smartphone. Hiện tại, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành “làm sạch” điện thoại, tiếp đó rà soát, lập danh sách, bàn giao cho 3 địa phương Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu để chuyển đến tay người dân. CBCS tại cơ sở sẽ hướng dẫn người dân được tặng điện thoại thông minh cài đặt VNeID, cập nhật dữ liệu cá nhân, hướng dẫn cách sử dụng Internet và sử dụng các tiện ích trong giải quyết TTHC.
Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn, trong thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để luôn là một trong những đơn vị, địa phương đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.