Hiệu quả phòng dịch từ phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư
Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an sau khi triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch, phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ COVID-19, đã tiếp tục đưa vào triển khai chức năng phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm COVID-19.
Phần mềm này đi vào hoạt động, đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại Công an phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hàng ngày từ danh sách của cơ quan y tế phường Đồng Xuân, Cảnh sát khu vực Công an phường đã tiến hành thu thập, cập nhật thông tin các trường hợp nhân khẩu thuộc diện F0, F1, F2 đang cư trú trên địa bàn vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Qua đó, giúp lưu trữ dữ liệu công dân một cách chính xác về thời gian, địa điểm điều trị cũng như tình trạng sức khỏe. Đại úy Đinh Thanh Hải, Phó Trưởng Công an phường Đồng Xuân cho biết, trên cơ sở dữ liệu dân cư thu thập, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” thì sẽ phục vụ cho việc khoanh vùng, truy vết của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của phường, trên cơ sở phục vụ cho việc khoanh vùng, bóc tách các trường hợp thuộc diện F0, F1 trên địa bàn, đảm bảo không để sót lọt những trường hợp bị dịch COVID-19 lây lan ra ngoài cộng đồng.
Tính đến ngày 18/9, Công an phường Đồng Xuân đã kịp thời cập nhật thông tin về 25 ca F0, 127 trường hợp F1 vào hệ thống. Điểm ưu việt nhất của phần mềm này là khi cập nhật dữ liệu đối với trường hợp F trong diện đăng ký tạm trú, thông tin về tình trạng nhiễm hoặc nghi nhiễm cũng được gửi về nơi công dân đăng ký tạm trú. Qua hệ thống Công an xã, phường tra cứu thông tin công dân phục vụ công tác kiểm soát cũng như quản lý di biến động dân cư.
Theo bà Đỗ Phương Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm: “Chúng tôi cập nhật hàng ngày thông tin dữ liệu của các trường hợp COVID-19, và có sự liên thông giữa lực lượng y tế và Công an phường.
Qua đó, Công an phường sẽ cập nhập thông tin riêng của ngành Công an đem lại tác dụng rất hiệu quả trong việc nắm rõ, nắm chắc các trường hợp dịch bệnh cũng như giúp cho việc truy vết những người có liên quan đến các trường hợp này được dễ dàng hơn”.
Tại TP Hồ Chí Minh, thông qua ứng dụng VNEID kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tính đến ngày 16/9, lực lượng chức năng đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, các trạm kiểm soát dịch trên đường.
Sau khi phát hiện cảnh báo, Công an TP Hồ Chí Minh đã xác minh và phát hiện 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại 102 trường hợp là F0. Trong 102 trường hợp F0 có 26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. Đây là hiệu quả mà ứng dụng VNEID của Bộ Công an đem lại, vừa đảm bảo chính xác thông tin của công dân, vừa phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan…
Đối với Cảnh sát khu vực, Công an xã trên cả nước tính đến ngày 18/9, thực hiện cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên 22 nghìn trường hợp F0, gần 10 nghìn trường hợp F1, trên 18 nghìn trường hợp F2 và gần 2 nghìn trường hợp F3 đang thực hiện cách ly.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: “Chúng tôi cũng đã đưa toàn bộ dữ liệu F0, F1 và những trường hợp khỏi bệnh vào hệ thống, chạy trên nền tảng của dữ liệu dân cư, xác thực lại thông tin. Sau đó chạy trên dữ liệu phần mềm QR code của các chốt, cảnh bảo cho chính quyền về vấn đề truy vết các trường hợp F0, F1, F2.
Qua hệ thống phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm COVID-19 cũng sẽ đánh dấu nhanh các trường hợp đã tử vong, thời gian tử vong do dịch bệnh nhằm hỗ trợ công tác quản lý cư trú, hộ tịch.
Qua hệ thống này, cán bộ Công an cơ sở cũng nhanh chóng tham mưu với UBND các cấp trong công tác hỗ trợ chính sách tử tuất, chính sách an sinh xã hội, điều này tiếp tục đáp ứng những yêu cầu về phòng chống dịch bệnh trên cơ sở khai thác sẵn có nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.