Hiệu quả của việc triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch
Công dân khi đi qua 44 chốt kiểm soát dịch của Công an các huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội giáp ranh với các tỉnh khác và 23 trạm chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào Thủ đô đã được yêu cầu tiến hành khai báo y tế trên hệ thống phần mềm quản lý công dân vùng dịch tại địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Sau khi kê khai thông tin đầy đủ và có mã QR, người dân chỉ cần trình mã QR để đối chiếu. Mỗi mã QR có giá trị 72 tiếng. Cùng với ưu điểm là người dân chỉ cần duy nhất 1 mã QR để đối chiếu, lưu thông mà không mất thời gian dừng lại để khai báo giấy, việc khai báo trực tuyến này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, giúp việc đi lại của công dân trong bối cảnh dịch bệnh được thuận tiện và nhanh chóng.
Để mục sở thị, chúng tôi đã có mặt tại một số chốt phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hà Nội. Tại các trạm chốt kiểm soát dịch này, thay vì phải kê nhiều bàn ghế để người dân khai báo bằng giấy như trước đây thì hiện người dân đã làm quen với khai báo điện tử. Người dân chỉ cần một lần khai báo điện tử thành công sẽ được cấp một mã QR và sử dụng được nhiều lần tại nhiều trạm chốt kiểm soát dịch khác nhau. Cán bộ tại trạm kiểm soát tiến hành quét mã QR và nhanh chóng xác định công dân đó được hoặc không được đi qua trạm kiểm soát.
Các bước hướng dẫn khai báo được dán cụ thể. Các điểm, quy trình 5 bước kê khai thông tin di biến động cũng được hướng dẫn cụ thể khi người dân sử dụng smartphone, hoặc máy tính có kết nối internet. Công dân cũng có thể khai báo y tế qua phiếu, lưu lại và xuất trình với chốt kiểm soát tiếp theo kèm giấy tờ tùy thân. Lực lượng chức năng thời gian này cũng phân công cán bộ hỗ trợ người dân trong quá trình kê khai tại trạm chốt kiểm soát.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến-Phó Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn, phụ trách chốt phòng, chống dịch số 7, kiểm soát COVID tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm đi tỉnh Hưng Yên cho biết: Những ngày đầu triển khai khai báo y tế trên hệ thống phần mềm quản lý công dân vùng dịch, một số người dân còn lúng túng. Vì thế, việc khai báo mất nhiều thời gian do họ không thường xuyên cập nhật tin tức; không nắm được về việc triển khai thực hiện khai báo theo đường link này. Một số thì không khai báo cụ thể, chính xác các thông tin nên cũng không được cấp mã QR…
Song đến thời điểm này, sau khi được tuyên truyền, đa số người dân đã chủ động khai báo ở nhà nên khi qua chốt kiểm soát họ chỉ cần đưa mã QR để lực lượng chức năng quét kiểm tra cùng với giấy tờ và các điều kiện cần thiết khác theo quy định là họ có thể được qua chốt. Từ đó, đã tiết kiệm thời gian dừng khai báo. Sự tiện lợi còn thể hiện ở chỗ, một lần khai báo theo đường link này nếu như không thay đổi mục đích và cung đường đi thì người dân có thể sử dụng mã QR này trong 3 ngày. Về phía lực lượng chức năng, khi phát hiện những ổ dịch, căn cứ vào từng khu vực, lực lượng chức năng có thể trích xuất ra lịch trình di chuyển của người bị nhiễm và nghi nhiễm để từ đó có thể kịp thời truy vết, khoanh vùng.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết: "Công an huyện Sóc Sơn đã xây dựng, hướng dẫn từng bước đến từng thôn xã trên địa bàn... Tại các chốt liên tỉnh cán bộ từ y tế, quân sự, đoàn thanh niên đều có thể sử dụng ứng dụng này để giảm thiểu thời gian cho người dân. Người dân hiện khi đi qua các chốt cần chuẩn bị giấy đi đường, CMND hoặc CCCD và mã QR được cấp khi kê khai thông tin tại địa chỉsuckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Anh Nguyễn Văn V (trú tại Bắc Giang) cho biết: Một tuần thì anh đi qua chốt từ 1-2 lần. Với việc tải ứng dụng này, đã giúp anh tiết kiệm thời gian, chỉ khai báo 1 lần.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội chia sẻ: "Việc chủ động khai báo y tế này cũng sẽ giúp cho công tác truy vết, quản lý di biến động được kịp thời và chính xác. Khi công dân khai báo về tình trạng sức khỏe, lịch trình di chuyển trên hệ thống thì ngay lập tức chính quyền địa phương nơi công dân thường trú, tạm trú sẽ nắm được thông tin. Từ đó, kịp thời phát hiện công dân khai báo nơi đến không trung thực, hoặc không về nơi đến như khai báo".
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai phần mềm theo dõi, quản lý di biến động công dân vùng dịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm theo dõi, quản lý di biến động công dân vùng dịch COVID -19 trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại hai khu vực.
Một là tại 23 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố ở các cửa ngõ chính ra vào Thủ đô; 44 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID -19 của các huyện, thị xã giáp ranh với các tỉnh, địa phương khác. Tại các chốt này, mọi công dân (trừ xe luồng xanh) di chuyển qua các chốt đều phải được hướng dẫn, thực hiện khai báo y tế tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc khai báo vào mẫu phiếu khai báo y tế (do Bộ Công an và Bộ Y tế thống nhất ban hành) hoặc trình mã QR đã khai báo y tế trước đó.
Điểm thứ hai là tại trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc Công an TP và quận, huyện, thị xã. Trước khi vào làm việc, tất cả công dân, cán bộ đến liên hệ công tác, giải quyết thủ tục đều phải thực hiện việc khai báo y tế và kiểm soát thông tin. Việc kiểm soát thông tin khai báo y tế do bộ phận trực ban và bảo vệ trụ sở thực hiện. Thông tin khai báo y tế phải được đối chiếu chính xác với các giấy tờ cá nhân của người khai báo (uưu tiên đối chiếu CMND/CCCD) để hạn chế tối đa tình trạng khai báo thông tin không trung thực gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cũng theo Thiếu tá Lâm, trường hợp công dân có điện thoại smartphone kết nối 4G thì hướng dẫn công dân kê khai trực tuyến hoặc nếu công dân đã kê khai trước thì yêu cầu xuất trình mã QR code đã được hệ thống cấp, kèm giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD) để đối chiếu với thông tin khai y tế (có hướng dẫn kèm theo). Trường hợp công dân không có điện thoại smartphone hoặc có nhưng không có kết nối 4G, cán bộ phát phiếu khai báo y tế (theo mẫu khai báo y tế gửi kèm) cho công dân để kê khai.
Sau đó cán bộ kiểm soát kiểm tra đối chiếu với giấy tờ tùy thân của công dân và sử dụng điện thoại để chụp lại tờ khai của công dân (không thu lại Tờ khai của công dân - tránh cho công dân phải khai lại nhiều lần trong ngày khi đi qua nhiều nơi) để cập nhật ngay vào hệ thống quản lý di chuyển nội địa bằng máy tính có kết nối internet hoặc gửi vào nhóm hỗ trợ nhập dữ liệu do Công an cấp huyện lập đối với bộ phận kiểm soát thuộc Công an cấp huyện, riêng đối với ca tối thì có thể cập nhật vào ngày hôm sau.