Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế
Xác định nhân khẩu đặc biệt là đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện đã thực hiện “Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế” với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo đó, nhân khẩu đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khuyết tật… hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Vì nhiều lý do nên họ không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện thủ tục hành chính.
Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh tích cực phối hợp các trung tâm bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp CCCD, thẻ căn cước cho những người yếu thế tại các cơ sở này…
Cuối tháng 10 vừa qua, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức trao 300 thẻ căn cước cho người bệnh tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần TP Thủ Đức (37 Phú Châu, phường Tam Phú, TP Thủ Đức).
Ngoài ra, đơn vị cũng tiến hành thu thập dữ liệu để cấp căn cước thêm cho 23 trường hợp khác và trao tặng Trung tâm 6 xe lăn để cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong vấn đề đi lại sử dụng.
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khai thác thông tin nhân nhân cũng như lúc thu thập thông tin để cấp căn cước nhưng với tinh thần không ngại khó khăn, vất vả, các cán bộ chiến sĩ Đội 2 đã luôn đồng hành, sát cánh cùng với Trung tâm trong hành trình tìm lại định danh cho những hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc tại đây. Đến thời điểm hiện tại, hơn 1.000 trường hợp tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần TP Thủ Đức đã được thu thập thông tin, cấp mã định danh và gần 800 trường hợp đã được cấp căn cước.
Qua công tác rà soát, thống kê hiện địa bàn TP Thủ Đức có 10 trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội do Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quản lý, với 1.999 nhân khẩu đặc biệt (đó là những nhân khẩu không có giấy tờ tùy thân, chưa được thu thập thông tin dân cư, cấp số định danh cá nhân trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, giải quyết cư trú và cấp căn cước).
Thời gian qua, Công an TP Thủ Đức đã phối hợp cùng các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội để khai thác thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có cơ sở giải quyết. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, tính đến ngày 1/10/2024, Công an TP Thủ Đức đã phối hợp Phòng Tư pháp TP Thủ Đức thực hiện cấp giấy khai sinh cho 1.756 trường hợp. Trong đó, Công an TP Thủ Đức đã cấp mã định danh, cập nhật thông tin cư trú và cấp thẻ CCCD cho 751 trường hợp, còn lại 1.005 trường hợp không đủ điều kiện cấp do chưa đủ tuổi hoặc chưa có nơi đăng ký thường trú (theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014).
Tuy nhiên, theo Luật Căn cước năm 2023, các trường hợp này đủ điều kiện cấp, do vậy Công an TP Thủ Đức đang tổ chức cấp lưu động tại các trung tâm bảo trợ, cơ sở trẻ em. Còn lại 243 trường hợp chưa được cấp giấy khai sinh, Công an TP Thủ Đức đang tiếp tục phối hợp cùng Phòng Tư pháp TP Thủ Đức thực hiện các quy trình thủ tục để cấp giấy tờ cho công dân.
Tại địa bàn quận 3, Công an quận 3 cũng đã triển khai việc cấp căn cước cho các trẻ em khuyết tật tại Cơ sở Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật mồ côi Thiên Phước (số 359/51F Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3). Hay Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận Gò Vấp thu thập thông tin cấp mã định danh, cấp căn cước cho hơn 30 thiếu niên đang được chăm sóc, dạy nghề tại Trung tâm Công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố (14 Nguyễn Văn Bảo phường 4, Gò Vấp); Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (45 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, Gò Vấp).
Đến nay, Công an quận Gò Vấp đã hỗ trợ cấp được 11 giấy khai sinh cho nhân khẩu đặc biệt; hoàn tất thủ tục cấp 31 thẻ căn cước cho các trường hợp khó khăn, đang cư trú tại 2 trung tâm kể trên.
Việc cấp giấy khai sinh hay căn cước không chỉ giúp các em thiếu niên, trẻ khuyết tật có được sự nhận diện hợp pháp, tiếp cận với các quyền lợi cơ bản mà còn là nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Các em sẽ có điều kiện tiếp cận những chính sách xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục và phúc lợi công bằng như bao công dân khác.
Với trường hợp các phạm nhân, Tổ cấp căn cước lưu động đã phối hợp với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận 6 tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho các phạm nhân đang chấp hành án tại Công an quận. Việc triển khai thực hiện thu nhận hồ sơ, cấp căn cước càng trở nên ý nghĩa, nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho phạm nhân, giúp họ khôi phục quyền công dân ngay sau khi chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho phạm nhân khi trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Tính đến ngày 1/11, Công an huyện Bình Chánh đã thực hiện việc cấp CCCD cho 120 trường hợp nhân khẩu đặc biệt, trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp là phạm nhân đang được giam giữ tại Nhà tạm giữ Công an huyện.
Tương tự, Công an huyện Củ Chi đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tranh thủ thời gian đến các cơ sở giam giữ để thu nhận dữ liệu, hồ sơ cấp thẻ căn cước. Trước đó, để thông tin cá nhân của các trường hợp đặc xá được thu nhận hồ sơ căn cước được đảm bảo, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng đã triển khai các hướng dẫn và chuyển danh sách các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, đến Công an các địa phương để chủ động cập nhật dữ liệu và làm các thủ tục cấp thẻ căn cước cho người được đặc xá kịp thời.
Cuối tháng 9 vừa qua, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Củ Chi đã phối hợp Công an xã Phạm Văn Cội cập nhật dữ liệu và cấp thẻ căn cước cho 37 trường hợp đủ điều kiện đặc xá năm 2024 tại các Trại giam T34, Trại giam T17, Trại tạm giam Chí Hòa đang trú đóng trên địa bàn huyện…
Theo Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, việc cấp thẻ căn cước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhân khẩu đặc biệt, giúp họ tự tin trở thành một người công dân thực thụ. Ngoài ra, việc cấp thẻ căn cước tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt là triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội được thuận lợi và dễ dàng hơn cho những nhân khẩu đặc biệt. Công an thành phố cũng triển khai lực lượng đến tận các cơ sở cai nghiện trên địa bàn thành phố để cấp CCCD, thẻ căn cước cho người đang cai nghiện.
Sau 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP Hồ Chí Minh đã cấp gần 2.000 CCCD và thẻ căn cước cho những người yếu thế trên địa bàn thành phố. Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh, Công an thành phố đã thực hiện “Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế” với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn, thiết thực hơn với đời sống của nhân dân.