Gần 1.300 người diễn tập chống cháy nổ, cứu nạn tại hầm vượt sông Sài Gòn
Sáng 28/5, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức diễn tập phòng chống cháy - nổ trong hầm vượt sông Sài Gòn…
Có 88 phương tiện chữa cháy chuyên dụng cùng các phương tiện của các lực lượng phối hợp và gần 1.300 người tham diễn tập sự cố cháy nổ hầm vượt sông Sài Gòn.
Tình huống giả định, khoảng 9h, xe khách 30 chỗ đang lưu thông trong đường hầm sông Sài Gòn (hướng từ quận 1 về TP Thủ Đức) thì gặp sự cố xe bị tắt máy đột ngột không di chuyển được.
Khi phát hiện xe phía trước dừng đột ngột, xe tải chở hàng tải trọng 2,5 tấn đang chạy cùng làn đường phía sau bất ngờ, hoảng loạn, không làm chủ được tay lái tông thẳng vào đuôi xe khách, gây nên sự cố tai nạn liên hoàn từ các xe phía sau. Một xe ô tô 4 chỗ không giữ đúng khoảng cách và không làm chủ được tốc độ, đánh lái sang phải tông trực diện vào xe máy đang lưu thông cùng chiều làm ngã xe. Nguyên liệu từ các phương tiện rò rỉ trong hầm gây ra sự cố cháy nổ.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ của Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông Đô thị triển khai dập lửa và báo cáo với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Lúc này đám cháy đã lan rộng, diễn biến đám cháy phức tạp. Phía bên 2 đầu hầm tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn ứ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP, xin chi viện nhiều lực lượng phối hợp. 88 phương tiện của các lực lượng gồm Phòng Cảnh sát PCCC, Bộ Quốc phòng, Hội Chữ thập đỏ TP, Trung tâm cấp cứu 115 - Sở Y tế, Lực lượng TNXP, CSGT... được huy động đến hiện trường để chữa cháy và cứu người. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng đã nhanh chóng khống chế đám cháy, đảm bảo an toàn cho hầm vượt sông Sài Gòn.
Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu nhận xét, những năm qua TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu cần thiết và bảo đảm thuận lợi trong hoạt động lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thương mại và nhu cầu di chuyển của người dân trên địa bàn cũng như kết nối với các địa phương.
Đặc biệt, từ khi hầm vượt sông Sài Gòn được đưa vào sử dụng đã thể hiện rõ tầm quan trọng, bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông thành phố, có thể xem đây là công trình trọng điểm kết nối một trong những tuyến giao thông huyết mạch giữa đô thị cũ với khu đô thị mới phía đông thành phố nói riêng và giữa các tỉnh miền Đông Nam Bộ với miền Tây Nam Bộ nói chung.
Mỗi ngày có trên 40 ngàn lượt xe ô tô và 200 ngàn lượt xe gắn máy lưu thông qua hầm. Với lưu lượng và mật độ giao thông này, nguy cơ xảy ra tai nạn, va chạm giao thông và có thể dẫn đến cháy, nổ là rất lớn; nếu không có những biện pháp, giải pháp phòng ngừa, xử lý hữu hiệu thì hậu quả thiệt hại về môi trường, con người và tài sản do tai nạn, sự cố khó có thể lường trước được. Công tác đảm bảo ANTT, an toàn cho công trình này đòi hỏi phải thường xuyên được quan tâm đặc biệt, trong đó có công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn về PCCC.
UBND TP đã nhiều lần tổ chức diễn tập các phương án xử lý tình huống tai nạn giao thông, tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại đường hầm vượt sông Sài Gòn để các lực lượng phối hợp, chỉ huy, điều hành từ đó nâng cao hiệu quả xử lý khi có tai nạn, sự cố xảy ra trong hầm.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, việc diễn tập phòng chống cháy nổ tại hầm vượt sông Sài Gòn cấp UBND TP nhằm nâng cao ý thức PCCC và CNCH đối với các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đồng thời tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy và CNCH của lực lượng, phương tiện tại chỗ.
Tại TP Hồ Chí Minh có hơn 250 cơ sở từ 2 tầng hầm trở lên đã đưa vào hoạt động, điển hình như Tòa nhà Vincom Đồng Khởi (quận 1) với 6 tầng hầm, Tòa nhà Sài Gòn Centre (quận 1) với 5 tầng hầm; nhà ga ngầm Trung tâm Bến Thành với 4 tầng hầm (chuẩn bị đưa vào hoạt động). Việc chữa cháy tại các tầng hầm cần phải nhiều lực lượng phối hợp, nếu không có các buổi diễn tập chung giữa nhiều lực lượng, khi sự cố cháy nổ xảy ra rất khó khống chế đám cháy, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nhanh nhất.