Đường dây nóng những ngày đỉnh dịch
“Đường dây nóng của Báo CAND phải không ạ? Xin hãy giúp tụi em được về quê, tụi em bị kẹt lại, giờ hết sạch tiền, gạo; quanh chỗ trọ đã có người chết vì dịch. Sợ lắm anh ơi”; “Em bị lừa mất 2,5 tỉ đồng đầu tư qua mạng, giờ em trắng tay rồi. Nếu Công an không giúp em truy tìm kẻ lừa đảo, chắc em không thiết sống nữa”; “Đề nghị Báo hướng dẫn tôi cách khai báo y tế qua app”…
Phóng viên kiêm điện thoại viên 1080
Đó là vài ví dụ trong số nhiều cuộc điện thoại gọi tới số hotline của Báo CAND những ngày đỉnh dịch 3 - 4 tháng qua. Hầu hết người gọi đều trong hoàn cảnh cùng cực, bế tắc, thậm chí là hoảng loạn vì dịch bệnh, vì bỗng chốc mất trắng tiền bạc nhiều năm dành dụm hoặc vì nhiều lí do khác trong khu vực cách ly, phong tỏa.
Từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 9/2021, hotline Báo CAND (số điện thoại 097.101.1944) nhận được nhiều cuộc gọi đề nghị tư vấn cách về quê; Đi đường cần những thủ tục, giấy tờ gì? Đối tượng nào được trợ cấp? Nơi phát hàng cứu trợ? Xin chuyển viện hoặc quan tâm chăm sóc trong khu điều trị COVID-19; Đề nghị hướng dẫn khai báo y tế qua app (ứng dụng); Làm cách nào đi trình báo Công an trong lúc bị phong tỏa, để tố cáo kẻ lừa đảo qua mạng?... Hầu hết các cuộc gọi đều từ vùng tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Hà Nội và một số tỉnh, thành. Người gọi không biết bấu víu vào đâu và khẩn cầu Tòa soạn giúp đỡ, tư vấn.
Những ngày đỉnh dịch căng thẳng đó, ngoài “trách nhiệm công vụ” thì tình người trong hoạn nạn càng được cán bộ, phóng viên Báo CAND cũng như nhiều CBCS Công an và đồng nghiệp báo bạn nhân lên và lan tỏa. Cuối tháng 7/2021, một bạn đọc nữ tên Hạnh ở TP Hồ Chí Minh gọi điện khẩn cầu: “Xin chú hãy giúp đỡ 2 em của con được trở về quê Đắk Nông. Các em con đã hết sạch tiền và chả còn gì để ăn!”. Hạnh sống với gia đình chồng, mọi việc cô vẫn xoay xở được nhưng 2 người em ruột (một gái, một trai, đều chưa có gia đình riêng, ở nhà trọ) thì đang rất khó khăn và nguy hiểm vì dịch bệnh bủa vây.
Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nắm bắt tình hình, lập tức tôi liên lạc với một số đồng nghiệp để tìm cách giúp đỡ người dân có thể về quê trong thời gian sớm nhất. Đúng là trong hoạn nạn càng thấu hiểu lòng nhau. Ai cũng nhiệt tình, tận tình, biết gì tư vấn nấy, giúp được dân việc gì đều giúp. Đồng nghiệp tên Trung, Phó Thư ký tòa soạn một cơ quan báo chí ở TP Hồ Chí Minh, xắn tay vào giúp. Trung nói: “Anh yên tâm, ngay khi có chuyến xe sớm nhất, em sẽ giúp 2 bạn ấy về quê. Trước mắt, anh nói họ gọi cho em, em sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục về quê và sớm nhận được cứu trợ”.
Hôm sau, Hạnh gọi điện lại cho tôi xúc động nói lời cảm ơn Báo CAND đã kết nối, giúp đỡ chị em cô trong lúc khó khăn. Sau đó 1 tuần, tôi nhận được cuộc gọi của Trung, anh sốt ruột nói: “Từ sáng tới giờ, mấy lần em gọi cho trường hợp anh nhờ về quê, đều không gặp được. Anh nhắn họ có mặt tại điểm hẹn lúc 14h, sẽ có xe đưa về Đắk Nông, anh nhé”.
Tôi cảm ơn Trung và lập tức liên lạc với Hạnh nhưng cũng không được. Mãi đến chiều muộn, Hạnh mới gọi lại và xin lỗi vì đã không nghe máy. Hạnh xác định, các em cô đành phải ở lại vì đã lỡ chuyến xe về quê... Mới đây, tôi gọi cho Hạnh hỏi thăm tình hình, thì cô vui vẻ cho biết: Mấy chị em đã tạm ổn, dù cuộc sống khó khăn. Cả 3 chị em đã được tiêm vaccine, 2 người em đều nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng để vượt qua những ngày dịch dã.
Như đã nêu ở trên, có rất nhiều cuộc gọi hỏi về thủ tục di chuyển từ vùng này sang vùng khác, giấy đi đường, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19, khai báo y tế qua app, “thẻ xanh”, “luồng xanh”… Có quá nhiều người hỏi và nhiều câu hỏi không thể giải đáp được nếu không phải là phóng viên chuyên theo dõi mảng, lĩnh vực; nên hotline phải “pát-xê” tới các PV. Vậy là ở Tòa soạn Báo CAND, một số PV theo dõi địa bàn Hà Nội, lĩnh vực giao thông, đô thị, y tế,… bỗng chốc trở thành “Điện thoại viên 1080”.
Các PV Thanh Huyền, Ngọc Yến, Trần Hằng, Chiến Thắng… thường bất ngờ nhận được điện thoại từ các số máy lạ nhờ tư vấn. Không ít lần chúng tôi đã copy link những tin, bài mới nhất trên Báo CAND thông tin về thủ tục, quy định phòng chống dịch, di chuyển trong những ngày giãn cách, thông tin cứu trợ gửi bạn đọc. Trong đó, có những tin bài lan tỏa tốt như: Giấy đi đường ở Hà Nội được cấp ra sao? Công an TP Hồ Chí Minh thông báo "số điện thoại hảo tâm" để hỗ trợ gạo, rau cho người dân,…
Không thể không nhắc tới trong những tháng ngày đỉnh dịch khó quên ấy, Báo CAND đã tích cực tổ chức, vận động nhiều nhà hảo tâm; các đồng chí trong Ban Biên tập trực tiếp kêu gọi, vận động và luân phiên đi trao hàng ngàn suất quà tặng người nghèo ở tâm dịch và các tổ công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo ban chuyên môn và PV như Cao Hồng, Việt Hưng, Thu Thủy… cũng chủ động kết nối các Mạnh Thường Quân và huy động sự đóng góp của anh chị em trong Tòa soạn, để giúp đỡ bà con vùng dịch và CBCS làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.
“Gỡ rối” những cú lừa tiền tỷ
Đầu tháng 7/2021, hotline Báo CAND nhận được cuộc gọi của một bạn đọc tên là P.A ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. P.A cho biết, sớm nay cô ngủ dậy và kiểm tra điện thoại, thì thấy có 2 tin nhắn của ngân hàng thông báo tài khoản của cô đã chuyển tiền 2 lần lúc giữa đêm, tổng số hơn 500 triệu đồng sang một tài khoản khác; đề nghị Báo CAND giúp đỡ, tư vấn cách giải quyết.
Tôi lập tức “kích hoạt” sự hỗ trợ của các đồng nghiệp. Một đồng chí Phó trưởng phòng thuộc Công an TP Hà Nội đã tích cực giúp tôi tư vấn, hướng dẫn bạn đọc các thủ tục cần thiết để lấy lại tiền. Thủ đoạn trong vụ này cực kì phức tạp và “tế nhị”, nên phía Ngân hàng đề nghị giữ kín vụ việc. Ngay khi số tiền được hoàn trả, P.A đã gọi điện tới số hotline cảm ơn Báo CAND.
N.T là một cô gái miền Tây Nam Bộ, mưu sinh ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp đại học, tiếng Anh tốt, T. hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và đã tích lũy được số vốn kha khá sau vài năm đi làm. Trong những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, T. sa vào một chiếc bẫy “Góp vốn kinh doanh qua mạng”. Tổng số tiền T. đã “đầu tư” lên đến 2,5 tỷ VNĐ, trong đó có cả tiền đi vay.
Gọi điện tới hotline Báo CAND, trong tâm trạng tuyệt vọng, T. cầu cứu: “Em đã mất tất cả số tiền 2,5 tỷ đồng đầu tư qua mạng… Giờ em trắng tay rồi!”. Sau khi hỏi kĩ nội dung vụ việc và động viên T. bình tĩnh, tôi lập tức gọi điện tới một lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, nhờ tư vấn để giúp đỡ T.. Đồng chí này sốt sắng: “Số tiền 2,5 tỷ và tính chất như vậy là nghiêm trọng. Anh bảo bị hại gọi điện cho em, em sẽ hướng dẫn”. Tôi đã kết nối để T. gọi điện trực tiếp và được anh hướng dẫn chi tiết các thủ tục trình báo với Công an, cũng như với ngân hàng.
Sáng hôm sau, tôi gọi lại cho T. thì T. đang viết đơn tố cáo nhưng cô lo lắng: “Anh ơi, cả Sài Gòn đang giãn cách rất nghiêm, làm sao mà em đi nộp đơn được?”. Lại vài cuộc điện thoại nữa với PV Mã Thanh Hải, tôi trao đổi với đồng chí trưởng phòng một đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hồ Chí Minh. Anh chăm chú lắng nghe, rồi hứa: “Anh yên tâm, tôi sẽ giao anh em tiếp nhận đơn, xác minh vụ việc”. Trải qua không ít khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của nhiều người, T. đã đến được cổng trụ sở Công an TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục trình báo, dù thành phố đang trong đỉnh dịch và kiểm soát việc đi lại rất gắt gao.
Nhưng oái oăm thay, T. vừa được chích ngừa vaccine mũi 1 chiều hôm trước nên khi đến cổng cơ quan Công an, cô bắt đầu có biểu hiện sốt phản ứng với vaccine; đương nhiên là chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ sau khi đo thân nhiệt đã cương quyết không cho vào. Nhận được điện thoại của T., tôi động viên em bình tĩnh, trình bày lại với Cảnh sát bảo vệ, nếu cần tôi sẽ điện cho đồng chí trưởng phòng can thiệp để T. vào trình báo… Cuối cùng, với trách nhiệm công vụ và lòng trắc ẩn của nhiều người, T. đã vào được trụ sở Công an TP Hồ Chí Minh và trình báo vụ việc.
Một tuần sau, tôi lại gọi điện cho đồng chí trưởng phòng, đề nghị đơn vị quan tâm điều tra trường hợp bạn đọc của Báo CAND bị lừa 2,5 tỷ đồng qua mạng. Anh hồi âm nhiệt tình, nhưng cũng nói rõ là đơn vị đang rất khó khăn vì có nhiều CBCS phải đi cách ly!
Một ngày đầu tháng 10/2021, tôi liên lạc với T. hỏi thăm tình hình, em cho biết: Vẫn đang chờ đợi cơ quan Công an điều tra. T. xúc động cảm ơn Báo CAND và nói: “Có thể em không bao giờ lấy lại được số tiền em đã bị lừa, song những gì các anh đã lắng nghe, đã giúp em, khiến em thấy có niềm tin trong cuộc sống, tiếp thêm nghị lực để em vượt qua cú sốc này, anh ạ”.
Đầu tháng 10/2021, cuộc sống dần trở lại bình thường sau nhiều ngày đằng đẵng của “thời kỳ đặc biệt” do đại dịch COVID-19 hoành hành từ Bắc chí Nam. Niềm vui đã le lói sau nhiều mất mát về nhân mạng và tài sản; niềm tin và tình người thì vẫn luôn hiện hữu và tiếp tục lan tỏa trong gian truân, thử thách.