Đưa Đề án 06 ở Lâm Đồng về đích sớm
Đại tá Bùi Đức Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng bắt đầu một ngày làm việc mới bằng những cuộc điện thoại từ cơ sở liên tục gọi tới báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo xử lý công việc liên quan tới nhiệm vụ thực hiện đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn tới 2030" (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Suốt nhiều tháng qua, để đề án về đích đúng tiến độ, lộ trình đề ra, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các đơn vị, địa phương nỗ lực làm việc, không kể ngày đêm, lễ, Tết…
Vừa chỉ đạo xử lý công việc vừa trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Bùi Đức Thịnh cho biết: Công tác triển khai Đề án 06 là công việc, nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ, vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, vừa rút kinh nghiệm. Để đề án được triển khai thuận tiện, xuyên suốt, hạn chế những "điểm nghẽn" làm ảnh hưởng tới quá trình thực hiện, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát các văn bản, quy định cần sửa đổi, bổ sung để thực hiện, đồng thời chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Quá trình thực hiện Đề án 06 ở Lâm Đồng bên cạnh những điều kiện thuận lợi, với đặc thù là vùng Tây Nguyên, bà con đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, nhận thức còn hạn chế, địa hình chia cắt, dân cư nhiều nơi sống không tập trung, thậm chí sinh sống cô lập giữa rừng, ngôn ngữ của nhiều dân tộc thiểu số nói và viết không đồng nhất, hộ nghèo vẫn chiếm tỉ lệ cao… tất cả đã trở thành những "rào cản", buộc các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Đề án 06 phải hết sức khẩn trương, đồng thời có những giải pháp thích ứng linh hoạt, đưa ra nội dung phù hợp với từng vấn đề cụ thể.
Thượng tá Chế Kim Tuyến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, để làm căn cước cho công dân địa phương đang làm ăn, sinh sống ở ngoài tỉnh, tranh thủ dịp lễ, Tết, bà con trở về nhà, lực lượng Công an đã liên lạc với từng trường hợp để mời đi làm CCCD.
Đối với những người chưa có điều kiện để về quê làm CCCD, Công an các xã, phường, thị trấn đã chủ động liên hệ với công dân của địa phương mình, hướng dẫn họ tới cơ quan Công an nơi đang cư trú để làm hồ sơ cấp CCCD. Sau đó, dữ liệu sẽ được Công an sở tại chuyển về Công an nơi công dân đăng ký thường trú để xử lý, cập nhật vào hệ thống cấp CCCD cho người dân.
Với quyết tâm không bỏ sót, không ai bị tụt lại phía sau, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an TP Đà Lạt, Công an các huyện Đam Rông, Bảo Lâm và Cát Tiên thành lập những tổ công tác lưu động đặc biệt, tới TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để làm hồ sơ cấp căn cước cho công dân tỉnh Lâm Đồng đang sinh sống, làm việc ở những địa phương này nhưng chưa có điều kiện để trở về quê làm CCCD.
Khắc phục những "điểm nghẽn", vượt qua các rào cản, trở ngại, với sự nỗ lực hết mình của từng CBCS, tới nay Đề án 06 ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao.
Đối với nhóm triển khai dịch vụ công, tới ngày 15/5, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đẩy mạnh những điều kiện để nâng cao tỉ lệ dịch vụ công. Cơ quan chức năng đã cấp 4.362 chứng thư số Ban cơ yếu Chính phủ trên địa bàn để phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến. Số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia 859/1.216 dịch vụ công trực tuyến, đồng thời hoàn thành 4/5 nhiệm vụ theo lộ trình đề ra.
Trong 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an, đến nay đã tiếp nhận, giải quyết 92.206 hồ sơ, trong đó dịch vụ xác nhận số Chứng minh nhân dân đạt 100%, thông báo lưu trú đạt 100%, thủ tục làm con dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đạt 100%. Đối với 12 dịch vụ công thuộc các sở, ngành, trong 4 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến đạt tới 99,7%.
Cùng với đó, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cũng đang được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn các trường học thu phí không dùng tiền mặt. Chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp thất nghiệp… không dùng tiền mặt đạt tới 99,5%. Riêng nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng Công an, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 1.124.982 người đủ điều kiện, đạt tỉ lệ 98,7%.
Hiện công tác thu nhận hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt tài khoản định danh điện tử đang được Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh, trong đó nhiều địa phương như Cát Tiên, Đam Rông, Đạ Tẻh… đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Các huyện Cát Tiên, Đam Rông và Bảo Lâm đã hoàn thành 100% thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho người đủ điều kiện. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên tỉnh đã hoàn thành kết nối 12/16 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia qua trục kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT quản lý.
Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án 06 ở Lâm Đồng đã xây dựng mô hình triển khai dịch vụ công tại Trường ĐH Đà Lạt và chung cư Yersin, TP Đà Lạt. 100% đơn vị, địa phương đăng ký mô hình điểm về đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và triển khai Đề án 06.
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, để tạo ra đột phá trong thực hiện Đề án 06, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu phục vụ kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các mô hình thí điểm phục vụ đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 phù hợp với thực tế và tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của Đề án 06 trong việc phục vụ chuyển đổi số quốc gia.