Đổi vũ khí, pháo nổ lấy bình chữa cháy

Chủ Nhật, 04/02/2024, 00:24

Chỉ sau một thời gian rất ngắn triển khai thực hiện chương trình “đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo lấy bình chữa cháy”, tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Hàng trăm người dân đã tự nguyện mang các loại súng tự chế, công cụ hỗ trợ và cả pháo nổ đến trụ sở Công an các xã để giao nộp và nhận bình chữa cháy.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khi nghe trên hệ thống loa phát thanh của xã liên tục thông báo, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo cho lực lượng Công an để được nhận về bình chữa cháy, ông Đặng Văn Kế (SN 1964), trú tại xóm Vĩnh Hưng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã quyết định mang khẩu súng săn tự chế đến trụ sở Công an xã Hương Vĩnh để giao nộp.

cc.jpg -0
Người dân tự nguyện mang súng, vật liệu nổ và pháo hoa nổ đến trụ sở Công an xã để đổi lấy bình chữa cháy.

Ông Kế cho biết, bản thân ông thường xuyên đi rừng, nên đã lén lút tự chế và cất giấu khẩu súng này để vào rừng săn bắt thú hoang. Thời gian gần đây, nhận thấy tác hại của việc sử dụng súng khi pháp luật chưa cho phép, đồng thời gia đình ông chưa có bình chữa cháy để hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, nên khi nghe chương trình vận động ý nghĩa này, ông đã tự nguyện mang vũ khí để đổi lấy bình chữa cháy. “Từ ngày giao nộp khẩu súng đến nay, tôi như trút được gánh nặng, trước đó ngày nào cũng thấp thỏm âu lo về hiểm họa mà nó mang lại, cũng như lo sợ bị lực lượng Công an phát hiện, xử lý”, ông Kế chia sẻ.

Thượng úy Trần Tuấn Nhật, Phó trưởng Công an xã Hương Vĩnh cho biết: “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo lấy bình chữa cháy” là sáng kiến được thực hiện lần đầu tiên tại xã Hương Vĩnh kể từ ngày 9/1/2024. Đến nay, đã có gần 100 người dân trên địa bàn tự nguyện mang công cụ, vật liệu nổ đến để đổi lấy bình chữa cháy. Công an xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau như qua mô hình “Zalo kết nối bình yên”, qua hệ thống loa truyền thanh của xã, phát liên tục các ngày trong tuần để đảm bảo thông điệp được lan tỏa đến tất cả người dân trên địa bàn.

Theo đó, để được nhận về một bình chữa cháy, Công an xã Hương Vĩnh đã đưa ra quy định quy đổi cụ thể như sau: mỗi khẩu súng hơi, súng PCP, vũ khí quân dụng, xung kích điện hoặc 1 bánh pháo hoa nổ sẽ quy đổi thành 1 bình chữa cháy. Đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác như 1quả lựu đạn hoặc bom, mìn, đầu đạn; 2 công cụ hỗ trợ; 4 kg thuốc nổ; 10 kíp nổ; 20m dây cháy chậm… cũng sẽ đủ điều kiện để quy đổi một bình chữa cháy. Theo Thượng úy Nhật, ngay trong ngày đầu tiên phát động, Công an xã Hương Vĩnh đã thu hồi được 14 súng tự chế; 113 quả pháo tự chế và 0,5 kg tiền chất nổ; 1 bánh pháo hoa nổ; 4 kích điện; 2 công cụ hỗ trợ và 1 thanh kiếm. Cũng trong ngày đầu tiên, đã có 15 bình chữa cháy được phát tận tay cho các hộ gia đình.

Thượng tá Uông Công Đức, Phó trưởng Công an huyện Hương Khê cho biết thêm, thực hiện đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cũng như nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Sáng kiến “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo lấy bình chữa cháy” ra đời, được áp dụng vào thực tiễn đã nhanh chóng mang lại hiệu quả rõ rệt, có sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo quần chúng nhân dân. Có thể thấy đây là hình thức tuyên truyền mới, được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia. Qua đó góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Sau gần 1 tháng triển khai, chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân tham gia, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn. Qua các buổi tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng của các cán bộ, chiến sĩ Công an, người dân đã ý thức được sự nguy hiểm khi cất giữ súng tự chế trong nhà và tự giác giao nộp cho lực lượng Công an.

Ngay sau khi chương trình thí điểm tại Công an xã Hương Vĩnh mang lại hiệu ứng tích cực, đến nay, không chỉ tất cả Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Khê mà tại nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh như Công an huyện Hương Sơn, Công an thị xã Kỳ Anh, Công an huyện Đức Thọ... cũng đã học tập và nhân rộng mô hình này.

Thông qua việc triển khai chương trình này, lực lượng Công an các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ gia đình, công dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cùng với đó, lực lượng Công an cũng đã tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy và thực hành các kỹ năng chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ; cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, kỹ năng thoát hiểm… Qua đó, góp phần để người dân chủ động bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và cộng đồng.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, sáng kiến “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy” đã cùng lúc đạt được hai mục đích lớn, vừa thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh về tăng cường công tác quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; đồng thời thực hiện hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” đang được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Bằng nhiều cách thực hiện khác nhau, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh tỷ lệ các hộ dân được trang bị bình chữa cháy mini đạt xấp xỉ 99% để chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ xảy ra tại gia đình, không để xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiệm trọng về người và tài sản. Ngoài ra, từ thực tiễn cho thấy, hiện nay vẫn còn số lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, pháo nổ đang được người dân lén lút cất giấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT và an toàn tính mạng nhân dân nên đã phát động, lập các điểm tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cũng như tăng cường công tác quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo, Công an Hà Tĩnh sẽ nhân rộng mô hình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”. Qua đó, vừa trang bị bình chữa cháy để phòng, chống cháy nổ trong khu dân cư; vừa thu được vũ khí, vật liệu nổ đang tàng trữ trong nhân dân, góp phần bảo đảm ANTT và trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Thiên Thảo
.
.