Đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng CAND
Vừa qua, Bộ Công an đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi) và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, bên cạnh việc căn cứ theo theo quy định của Bộ luật Lao động - "luật gốc" về tuổi nghỉ hưu của người lao động, đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND (sửa đổi) còn phù hợp với tính chất công việc đặc thù của lực lượng CAND.
Tăng 2 tuổi đối với sĩ quan, hạ sĩ quan
Liên quan đến hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp, Bộ Công an cho biết, qua các thời kỳ khác nhau, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND có cấp bậc hàm Đại tá, cấp Tướng được quy định bằng tuổi nghỉ hưu của người lao động (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi); đối với cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm từ Thượng tá trở xuống thì thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng cơ bản bằng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại (nam: 55 tuổi; nữ: 53 tuổi). Vì lực lượng CAND là lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, chiến sĩ được bố trí tại đơn vị chiến đấu, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu nên đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và không thể đáp ứng khi độ tuổi quá cao. Tương quan giữa hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND thấp hơn ít nhất 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tăng đều 2 tuổi đối với nam, 5 tuổi đối với nữ so với Bộ luật Lao động năm 2012. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND so với người lao động, thực tiễn bố trí, sử dụng sĩ quan, hạ sĩ quan, người lao động trong CAND, tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang, tại dự thảo luật, Bộ Công an đề nghị tăng 2 tuổi đối với sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá thì tăng 5 tuổi, từ 55 tuổi lên 60 tuổi theo mức độ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động vì đây là sĩ quan cao cấp, chủ yếu được bố trí làm công tác quản lý, giữ chức vụ lãnh đạo cấp Cục đòi hỏi phải có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá thì tăng 3 tuổi, từ 55 tuổi lên 58 tuổi vì đây là các sĩ quan được bố trí làm công tác kiểm tra, hướng dẫn, quản lý đơn vị cấp phòng, thường xuyên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Đối với nữ sĩ quan cấp Tướng đề nghị vẫn giữ như quy định hiện nay (60 tuổi) vì đã phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ (60 tuổi).
Đối với công nhân Công an, đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho tương đồng với mức độ tăng tuổi của Bộ luật Lao động (nam: 62 tuổi, nữ: 60 tuổi) vì tính chất lao động của công nhân Công an cơ bản như người lao động trong điều kiện bình thường.
Lộ trình tăng tuổi đảm bảo sự ổn định
Về lộ trình tăng tuổi, theo quy định của Bộ luật Lao động thì lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ. Do đó, Bộ Công an đề nghị lộ trình tăng tuổi đối với sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất từ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ 55 tuổi trở lên đối với nữ (trừ nữ sĩ quan cấp Tướng), công nhân Công an thực hiện theo quy định này của Bộ luật Lao động. Riêng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Lý giải về lộ trình tăng tuổi này, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp cho biết, hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, cấp úy và hạ sĩ quan thấp hơn nhiều so với mức hạn tuổi phục vụ cao nhất trong CAND, quy định của Bộ luật Lao động (Hạ sĩ quan: 45; cấp úy 53; Thiếu tá, Trung tá: Nam 55, nữ 53). Do đó, để thu hẹp khoảng cách về hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên so với cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm cao hơn, Bộ Công an đề nghị áp dụng tăng ngay 2 tuổi mà không theo lộ trình. Việc áp dụng quy định này sẽ bảo đảm sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Đồng thời, dự thảo luật đã bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CAND cho thấy, có nhiều cán bộ thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thông thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự; được nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tín nhiệm cao về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực; đang trực tiếp chỉ đạo giải quyết, điều tra, xử lý những vụ việc, vụ án, chuyên án đặc biệt lớn, phức tạp, đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia… Nếu được kéo dài hạn tuổi sẽ bảo đảm việc chỉ đạo giải quyết, điều tra, xác minh vụ án, chuyên án liên thông, xuyên suốt cho đến khi kết thúc.
Mặt khác, hiện nay, khoản 2 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan Quân đội nhân dân trong trường hợp đặc biệt. Vì vậy, việc bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt là cần thiết và phù hợp.