Đề án 06 - Kinh nghiệm từ Thái Nguyên: Quyết liệt từ cơ sở
Đề án 06 đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở. Nếu "trên nóng dưới lạnh", bên trên quyết liệt mà ở dưới không chuyển biến, hoặc có cấp, ngành không vào cuộc thì cũng khó đạt mục tiêu đề ra. Thành công trong triển khai Đề án 06 ở Thái Nguyên có sự lăn lộn quyết liệt của CBCS Công an tỉnh Thái Nguyên - lực lượng nòng cốt ở cơ sở triển khai Đề án và cán bộ các sở, ngành, xã, phường cùng chung tay thực hiện.
Ghi ở Công an phường đông dân nhất TP Thái Nguyên
Khi tôi có mặt tại Công an phường Phan Đình Phùng, nơi đông dân nhất TP Thái Nguyên thì Thượng uý Nguyễn Xuân Trường, cán bộ Cảnh sát khu vực được giao nhiệm vụ thực hiện "chiến dịch" số hoá dữ liệu hộ tịch vừa qua cho biết, anh và đồng đội đã có thể "thở phào nhẹ nhõm" vì hoàn thành việc số hoá 100% dữ liệu hộ tịch trước 50 ngày so với chỉ tiêu (chỉ tiêu 90 ngày, đơn vị hoàn thành trong 40 ngày). Hiện, các CBCS nơi đây đang tiến hành làm sạch dữ liệu, tiếp tục rà soát, cấp CCCD và định danh điện tử cho những trường hợp còn lại, đồng thời phối hợp trạm y tế nhập dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 lên hệ thống...
Để lý giải thành công của "chiến dịch", Trung tá Nguyễn Tiến Công, Phó Trưởng Công an phường Phan Đình Phùng cho rằng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và tỉnh Thái Nguyên, Công an phường đã báo cáo, tham mưu Đảng uỷ, UBND phường xây dựng kế hoạch thực hiện việc nhập liệu dữ liệu hộ tịch; xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng cán bộ công chức, đoàn viên thực hiện.
Phân công lịch cụ thể 3 ca mỗi ngày, mỗi ca 2 đồng chí và có 3 máy cùng thực hiện để đáp ứng chỉ tiêu 200 trường hợp/ngày. "Phường Phan Đình Phùng có 7.600 hộ, 26.398 nhân khẩu, số lượng dữ liệu hộ tịch rất lớn. Do đó, ngay cả CBCS Công an phường và lực lượng tăng cường ở ủy ban cũng phải sắp xếp, bố trí thời gian biểu sao cho khoa học, đảm bảo thời gian và tiến độ", anh thông tin.
Quá trình nhập liệu, CBCS gặp khó khăn ở chỗ, nhiều sổ sách trước đây ghi không chặt chẽ, có trường hợp chỉ ghi năm sinh, không có ngày tháng; có những sổ từ năm 1989 đã bị cũ, hỏng, rách nát; có những sổ viết chữ thường, không viết in hoa nên khó dịch; có người tên "dấu huyền" viết thành "dấu sắc", dễ nhầm lẫn. Bên cạnh đó, dù được trang cấp nhiều máy tính nhưng mạng yếu nên CBCS nơi đây phải tăng cường làm đêm để đẩy nhanh tiến độ do buổi đêm lượng truy cập hệ thống ít thì việc truy cập vào để nhập liệu sẽ tốt hơn.
"Khối lượng dữ liệu lớn mà phải hoàn thành vượt tiến độ thì phải khắc phục bằng cách, lúc người ta nghỉ thì mình làm. Anh em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng mọi khả năng để hoàn thành nhiệm vụ", Phó Trưởng Công an phường Phan Đình Phùng chia sẻ. Được biết, đơn vị đã huy động toàn bộ Cảnh sát khu vực và lực lượng tiếp nhận, quản lý hệ thống cư trú đảm nhiệm công việc, phía UBND phường cử các đoàn viên thanh niên, phát huy sức trẻ, nhanh nhẹn, năng động luân phiên nhau.
Cũng theo Thượng uý Nguyễn Xuân Trường, hằng ngày anh và các cán bộ chia 3 ca nhập liệu, mỗi ca 3-4 tiếng; đồng thời phải sắp xếp thời gian khoa học để ngoài giờ nhập liệu thì xuống địa bàn nắm người, quản lý nhân hộ khẩu. Các sổ sách tư pháp từ cách đây 30 năm, sử dụng loại giấy dầu, bút tích ghi lại khó đọc, bị mất nhiều dữ liệu, nhiều quyển rách nát, cũ, mủn... khiến anh và đồng đội phải xuống các tổ dân phố để xác minh thông tin, ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ. Thế nhưng, với nỗ lực lớn và quyết tâm hoàn thành trước tiến độ nên các CBCS nơi đây đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý để cùng làm nhanh nhất có thể.
Chị Cao Thanh Nhàn, công chức tư pháp hộ tịch phường Phan Đình Phùng cho rằng, việc nhập dữ liệu hộ tịch lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo nhiều tiện ích cho công dân, khi các thông tin từ phía Tư pháp và Công an được đồng bộ, số hoá sẽ giúp công dân thuận lợi hơn trong giao dịch hành chính.
"Chính vì thế, chúng tôi phối hợp tốt với CBCS Công an phường thực hiện. Dù nhiều lúc bị lỗi mạng hay sổ hộ tịch trước đây sử dụng giấy giang tối màu, chữ viết không dịch được, dữ liệu sai rất nhiều khiến việc nhập liệu không trùng khớp... song chúng tôi cố gắng tìm cách khắc phục, dễ làm trước, khó làm sau, trường hợp nào không nhập được thì đánh dấu lại, xác minh sau hoặc xin ý kiến cấp trên", chị cho hay.
Cả phường Phan Đình Phùng có mỗi cán bộ phục trách mảng hộ tịch, ngày nào cũng phải bố trí thời gian tiếp công dân, do đó việc số hoá dữ liệu thường tranh thủ buổi tối, thậm chí là ban đêm. "Biết là việc nhiều hơn, lại đi đêm về hôm, nhưng nếu làm nhanh, tập trung thì rút ngắn được thời gian nên chúng tôi cố thu xếp, mỗi người đều cố gắng một tý vì hiệu quả chung", nữ công chức hộ tịch phường tâm sự.
Điểm nhấn tiện ích, tiết kiệm, phục vụ người dân
Phản ánh sự quyết liệt từ cơ sở, ngoài những CBCS trực tiếp thực hiện cũng phải kể đến vai trò hướng dẫn, đôn đốc của Cục QLHC về TTXH, Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thái Nguyên. Với vai trò là Cơ quan thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức họp để rà soát, đánh giá các nhiệm vụ, đã, đang và sẽ thực hiện.
Quá trình triển khai luôn quán triệt việc đảm bảo chấp hành đúng các quy định của pháp luật; đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin công dân, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực... Trong đó, gần 600 CBCS các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, 9 Công an cấp huyện và 178 Công an cấp xã lăn xả với công việc, ngày đêm bám địa bàn, sát dân, ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá dữ liệu thực hiện Đề án và dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu công tác.
Qua việc thực hiện Đề án 06, tỉnh Thái Nguyên để lại nhiều bài học kinh nghiệm, sẵn sàng chia sẻ cho các địa phương học tập. Trong đó có bài học về sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị chính quyền các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. "Để triển khai các công việc của Đề án, toàn bộ chính quyền địa phương phải "chuyển mình", phối hợp chặt chẽ, từ sở, ban, ngành đến UBND các cấp, đoàn, hội, các đồng chí trưởng thôn/xóm/bản... đều phát huy tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, sự cống hiến, tâm huyết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng với mục tiêu hướng tới niềm tin của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích quốc gia", Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng thông tin.
Tại phường Tân Phú, TP Phổ Yên - một trong những phường có mật độ dân số cao nhất tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Lê Ngọc Kha, Phó Bí thư Đảng uỷ phường hồ hởi chia sẻ về những kết quả thành công bước đầu trong thực hiện Đề án 06. Ngay khi có chỉ đạo của UBND TP Phổ Yên, phường Tân Phú khẩn trương thành lập Tổ công tác Đề án 06 của phường gồm 12 đồng chí, ở 11 tổ dân phố gồm 55 đồng chí; tiến hành họp ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí, trong đó hướng dẫn và tạo mọi điều kiện để các tổ dân phố hoàn thành nhiệm vụ Đề án.
"Đến nay, chúng tôi cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 99% công dân trong độ tuổi đã làm CCCD gắn chip điện tử; tỷ lệ làm sạch dữ liệu hộ tịch đạt 100%", đồng chí Lê Ngọc Kha cho hay. Dù còn hạn chế về hệ thống công nghệ thông tin hay trình độ sử dụng máy tính, mạng internet của một số cán bộ công chức, viên chức còn hạn chế do tuổi tác... tuy nhiên, để quyết liệt thực hiện Đề án, phường Tân Phú đã chỉ đạo 100% cán bộ công chức, viên chức của phường, kể cả bán chuyên trách đều phải có tài khoản dịch vụ công, từ đó về địa phương hướng dẫn cho nhân dân thiết lập, "khó khăn đến đâu khắc phục đến đấy".
Theo chị Lê Thị My, tổ dân phố Hồng Vân, phường Tân Phú, TP Phổ Yên, việc số hoá, làm sạch dữ liệu hộ tịch được coi là điểm nhấn phục vụ người dân khi bất cứ ai có nhu cầu trích lục hộ tịch đều không cần về nơi cư trú mà có thể đề nghị cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch ở bất cứ đâu. "Đối với các thủ tục hành chính thiết yếu khác như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi... sẽ được tích hợp ngắn gọn, chúng tôi chỉ cần đến bộ phận một cửa cấp xã để đăng ký vừa đỡ tốn thời gian làm lắt nhắt từng cái, vừa tiết kiệm chi phí đi lại nhiều lần", chị My phấn khởi nói.
Vừa thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động, anh Ngô Văn Giang, Tổ dân phố Tiến Bộ, phường Tân Phú, TP Phổ Yên so sánh, nếu ngày xưa phải bỏ nhiều thời gian, công sức đi đến bộ phận một cửa của phường tiến hành giao dịch thủ tục hành chính, thì bây giờ anh có thể ngồi ở nhà hoặc bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào vẫn có thể nộp hồ sơ qua mạng, bớt nhiều thời gian, công sức, không phải đi lại nhiều hay xếp hàng chờ đợi như mọi lần. "Thậm chí, tôi có thể xem trực tiếp việc hồ sơ của mình đã được thụ lý, giải quyết đến đâu qua điện thoại cũng như máy tính có kết nối internet, rất tiện ích, tiết kiệm", anh Giang bày tỏ.