Đề án 06 góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số

Thứ Hai, 06/03/2023, 08:08

Công an tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân đủ độ tuổi. Tổ công tác Công an cấp huyện đã đến tận nhà, thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho các trường hợp khó khăn, già yếu, bệnh tật, đảm bảo 100% số người khó khăn về di chuyển, đi lại trên địa bàn được thực hiện hồ sơ cấp CCCD.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp thu nhận gần 1,6 triệu hồ sơ cấp CCCD, đã trả hơn 1,4 triệu thẻ CCCD. Đối với hồ sơ định danh điện tử mức 2, đã thu nhận được trên 300.000 hồ sơ. Công an tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp tốt với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 trên website, mạng xã hội và phát tờ rơi. Công an các đơn vị, địa phương lồng ghép tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt được 458 điểm, gần 95.000 lượt người tham dự, tuyên truyền trực tiếp tại các điểm cấp CCCD được 109 điểm, nhà trường được 8 điểm với 30.000 lượt học sinh, giáo viên tham dự...

De_an_06_1-1678065081291.jpg
Tổ công tác Công an tỉnh Đồng Tháp đến tận nhà thu nhận hồ sơ, hỗ trợ người cao tuổi làm căn cước công dân.

Thượng tá Lâm Phước Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý về TTXH cho biết: “Hằng ngày, Công an cấp xã đều phân công cán bộ kiểm tra trên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiếp nhận hồ sơ của công dân khi đăng ký trên Cổng dịch vụ công, tuyệt đối không để hồ sơ quá hạn. Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ, kịp thời hướng dẫn người dân bổ sung theo quy định”.

UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Công an tỉnh tập trung vào 11/25 dịch vụ công thiết yếu của Bộ Công an theo quy định của Đề án 06. Năm 2022, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận trên 99.000 hồ sơ trên lĩnh vực cư trú, 200 hồ sơ trên lĩnh vực PCCC, hơn 33.000 hồ sơ đối với lĩnh vực xuất nhập cảnh và 114 hồ sơ thuộc lĩnh vực giao thông. UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến được 7/12 địa phương. Mỗi địa phương chọn 1 đơn vị cấp xã làm thí điểm.

Thiếu tá Phạm Hải Hồ, Trưởng Công an xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc cho biết: “Công an xã rà soát tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn để thực hiện đăng ký lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến hoặc là qua phần mềm VneID, hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VneID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử”. Ông Võ Duy Quang, chủ nhà trọ thuộc phường 2 (TP Sa Đéc) nhận xét: “Bây giờ chỉ cần ở nhà mở máy tính, đăng nhập thông tin rồi sau đó đến Công an phường nhận kết quả nên rất tiện lợi. Việc đăng ký tạm trú trực tuyến cho khách cũng rất thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng”.

Công an tỉnh Đồng Tháp cũng đã phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm ngừa vaccine, đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Tỉnh Đồng Tháp có 175/175 cơ sở khám chữa bệnh tra cứu CCCD để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế... Việc thực hiện Đề án 06 tạo được sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng, góp phần thay đổi phương thức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân.

Văn Vĩnh - Thanh Thảo
.
.