Đề án 06 - ghi nhận ở huyện vùng cao Hòa Bình
Với chức năng là cơ quan thường trực Đề án 06/CP của Chính phủ, Công an tỉnh Hòa Bình đã chủ động tham mưu thành lập được Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn và thôn xóm để thống nhất lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện. trong đó, tập trung vào 5 nhóm tiện ích của Đề án...
Xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Hiện nay, trên địa bàn có 986 hộ với 4.622 nhân khẩu sinh sống, thành phần chủ yếu là dân tộc Mường (chiếm 98%) còn lại là các dân tộc khác. Toàn xã có 54% công dân theo đạo Công giáo, sinh hoạt tín ngưỡng tại 3 cơ sở thờ tự gồm nhà thờ Giáo xứ Mường Riệc, Giáo họ Đồi Cả và Giáo họ Sỳ. Đời sống kinh tế của người dân ở địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi.
Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đảng viên, cán bộ và nhân dân hiểu, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn giao thông, cấp đổi hộ chiếu phổ thông, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và đặc biệt là ý nghĩa, lợi ích thiết thực của phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử mang lại như: Cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, bảo đảm chế độ bảo mật thông tin…, từ đó, vận động người dân tham gia đăng ký định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số…
Vừa qua, Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06/CP) gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình
Được điều động từ Công an huyện Lạc Sơn về nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Mỹ Thành, nên lúc đầu Thượng úy Bùi Chí Quang có đôi chút lo lắng do địa bàn phức tạp, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn. Thượng úy Bùi Chí Quang cho biết, anh đã cùng với các đồng chí Công an xã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban ngành đoàn thể ở cơ sở tích cực chung tay cùng với lực lượng Công an trong công tác phòng chống tội phạm. Đồng thời, kiên trì bám sát địa bàn, tổ chức triển khai các mặt công tác một cách chặt chẽ đã từng bước kiềm chế và kéo giảm tình hình tội phạm. Đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đến bà con nhân dân, nhất là ở vùng sâu, nơi xa trung tâm.
Với chức năng là cơ quan thường trực Đề án 06/CP của Chính phủ, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu thành lập được Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn và thôn xóm để thống nhất lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện. trong đó, tập trung vào 5 nhóm tiện ích của Đề án bao gồm nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ trực tuyến. Đã thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử Bộ Công an với dịch vụ công Quốc gia, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử cá nhân trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương; thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trung tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng 4/25 dịch vụ công của lực lượng Công an; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo triển khai ứng dụng các tính năng chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh như ngân hàng, tài chính, viễn thông, điện, nước; triển khai thực hiện cấp tài khoản định danh xác thực điện tử cho công dân gắn với cấp CCCD gắn chíp điện tử cho đối tượng ưu tiên. Đặc biệt là đối tượng học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT…
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã giúp người dân thấy được ý nghĩa, lợi ích trước mắt và lâu dài của ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, chuyển đổi số mạng lại; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực PCCC, TTATGT, cấp đổi hộ chiếu phổ thông, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ..
Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú, sâu rộng trên hệ thống các phương tiện truyền thông của Trung ương và địa phương để mọi tầng lớp nhân dân nắm chắc, hiểu sâu, tham gia tích cực, kết nối, khai thác hiệu quả các tiện ích, ứng dụng điện tử trong thực hiện Đề án và giải quyết các TTHC có liên quan.