Đề án 06 đi vào cuộc sống

Thứ Ba, 30/05/2023, 07:14

Sau một năm triển khai thực hiện, Đề án 06 đã và đang mang lại những hiệu quả quả thiết thực đối với cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã đã tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Với vai trò chủ công trong thực hiện “Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia gia đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án 06), Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên toàn địa bàn.

Đề án 06 đi vào cuộc sống -0
Công an tỉnh Thanh Hóa thu nhận gần 3,2 triệu hồ sơ CCCD.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-UBND ngày 4/3/2022 thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh; Quyết định số 858/QĐ-TCT ngày 8/3/2022 ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác; Công văn số 4156/UBND-TCT ngày 29/3/2022 chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ công tác ở cấp huyện, cấp xã và tại thôn, bản, tổ dân phố theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Riêng Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 156/KH-CAT-PX03 ngày 8/4/2022 về tuyên truyền triển khai, thực hiện Đề án 06 trong lực lượng Công an Thanh Hoá. Mở thêm chuyên mục “Triển khai, thực hiện Đề án 06” trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh để thường xuyên đăng tải tin bài tuyên truyền kết quả thực hiện Đề án 06 của các đơn vị Công an trong tỉnh.

Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06, Công an tỉnh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan thông tin đến người dân cũng như các cơ quan liên quan về việc thay thế các phương thức trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời triển khai việc cấp CCCD gắn chip điện tử đối với 100% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện, cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Cùng với đó yêu cầu Công an các đơn vị địa phương đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”... đáp ứng yêu cầu để người dân thực hiện các thủ tục hành chính và đẩy mạnh các dịch vụ công trên môi trường điện tử, để người dân tiếp cận thuận tiện nhất.

Thời gian đầu triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc nhưng với quyết tâm, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm Vì nhân dân phục vụ, Công an Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực tham gia kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 và cài đặt ứng dụng VNEID; phối hợp với các nhà mạng viễn thông thực hiện chuyển đổi sim điện thoại cho công dân; Đoàn thanh niên các đơn vị đã phối hợp với thành đoàn, huyện đoàn và Ban Giám hiệu các nhà trường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng VneID cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh đã thành lập các tổ công tác lưu động phối hợp với các sở, ban ngành trực tiếp đến trụ sở, cơ quan làm việc để thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động...

Tính đến ngày 6/2/2023, Thanh Hóa thu nhận gần 3,2 triệu hồ sơ CCCD; nhận và trả hơn 2,8 triệu thẻ CCCD cho công dân; thu nhận được hơn 1 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (mức 1: 395.924 tài khoản, mức 2: 664.188 hồ sơ). Hết tháng 1/2023 đã đồng bộ thông tin 2,610,343 thẻ BHYT vào CCCD gắn chip, có 2,749,584 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT trên CCCD tại 667/673 cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT trên địa bàn, với số lượng tra cứu thành công là 1,534,135 lượt.

Sau hơn một năm “dồn tâm lực”, hết sức “thần tốc” thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp bước đầu đã được thụ hưởng những thành quả nhất định: Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong nhiều dịch vụ công thiết yếu, giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt.

Trong đó, một số dịch vụ công đã triển khai đạt được những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ như: Đăng ký thường trú, tạm trú (đều đạt tỷ lệ trên 82%); cấp hộ chiếu phổ thông online (đạt trên 68%); đăng ký, cấp biển số xe môtô, xe gắn máy (đạt 53%); thu tiền nộp phạt xử lý VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội, đạt tỷ lệ 53%)…

Những dịch vụ công này đã góp phần giảm từ 50-70% thời gian giải quyết công việc hành chính với công dân. Hiện nay, việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình Đề án 06 đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện như: Điện lực với hơn 1.700 hồ sơ dịch vụ công của cả tổ chức và công dân; Sở Tư pháp với trên 43.000 hồ sơ; 100% thí sinh đang học lớp 12 được cấp phát CCCD hoặc mã định danh cá nhân để tạo lập tài khoản đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi của Bộ GDDT; BHXH với trên 1 triệu người tham gia đã được rà soát thông tin thân nhân, góp phần gia tăng tỷ lệ hồ sơ tham gia được xác thực thông tin thân nhân với CS DLQG về DC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuộc nhóm dẫn đầu trên toàn quốc...

Anh Phạm Chinh (cư trú tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa), cho hay: Từ khi có Thẻ CCCD gắn chíp và hoàn thành định danh và xác thực điện tử, nhiều thủ tục hành chính rườm rà trước đây đã được giảm đi rất nhiều. Người dân có thể tự thực hiện một số dịch vụ cần thiết trên cổng dịch vụ công rất thuận tiện, không mất thời gian chờ đợi, chen lấn như trước đây.

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng người tham gia BHYT và khám, chữa bệnh lớn nhất cả nước. “Chuyển đổi số” đã mang lại được nhiều tiện ích cho người dân khi thực hiện công tác khám, chữa bệnh.

Ông Nguyễn Thế Sợi, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc xuất trình thẻ BHYT giấy và giấy tờ tùy thân khi đi khám chữa bệnh là quy định bắt buộc nhưng cũng gây không ít khó khăn trong việc bảo quản thẻ BHYT giấy, quét mã QR code để lấy thông tin trên thẻ... Hàng năm số người làm mất, hỏng xin cấp lại cao, tăng chi phí in ấn, lãng phí thời gian của cả người có thẻ và cán bộ bảo hiểm.

Từ đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thí điểm dùng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn, mang lại hiệu quả rõ nét. Trong quá trình thực hiện, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc làm sạch dữ liệu, đồng bộ dữ liệu. Xác định đây là nhóm công việc mấu chốt trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Qua một năm triển khai thực hiện Đề án 06 ở Thanh Hóa cho thấy, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn; các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã đã tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa với việc hoàn thành 11/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Trần Thắng
.
.