Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng sản xuất các thiết bị PCCC mang thương hiệu Việt
Chỉ tính riêng trong năm học 2020-2021, Trường Đại học PCCC đã và đang triển khai 2 đề tài cấp quốc gia, 19 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ và 24 đề tài cấp cơ sở. Trong số này, có nhiều đề tài có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực PCCC&CNCH, thể hiện khát vọng của cán bộ, giảng viên nhà trường trong việc hướng tới phát triển, sản xuất các thiết bị PCCC mang thương hiệu Việt Nam.
Đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tự động truyền tin báo cháy đa vùng thông minh sử dụng mạng thông tin di động tích hợp trong các hệ thống báo cháy tự động” do Thượng tá, TS Đặng Như Định-Trưởng khoa Nghiệp vụ Phương kiện kỹ thuật PCCC và CNCH, Trường Đại học PCCC làm chủ nhiệm là một trong những công trình khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu xuất sắc vào tháng 9/2021.
Khác với các loại hiện có trên thị trường, thiết bị có nhiều tính năng vượt trội như tự động truyền tin báo cháy có chức năng giám sát báo cháy đa vùng, chức năng thẩm định cháy, hạn chế báo cháy giả do nhiễu môi trường, nhiễu hệ thống. Mô hình của giải pháp bao gồm một thiết bị tự động truyền tin báo cháy đa vùng được tích hợp với các hệ thống báo cháy tự động lắp đặt tại các cơ sở và một phần mềm ứng dụng quản lý được cài đặt trên điện thoại thông minh của chủ nhà, chủ cơ sở và của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH địa bàn hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo dưỡng hệ thống PCCC cho cơ sở khi cần thiết.
Phần mềm trên điện thoại có khả năng mở rộng để kết nối thông tin với hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an các địa phương khi hệ thống được triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng uý Phạm Hồng Hải, thư ký đề tài cho biết: Để hoàn thiện được sản phẩm này, nhóm nghiên cứu gồm 10 thành viên là cán bộ, giảng viên của khoa Nghiệp vụ và phương tiện kỹ thuật PCCC&CNCH đã phải làm việc cật lực trong đại dịch COVID-19.
Trong quá trình thử nghiệm, thiết bị nhiều lần bị hư hỏng, rồi việc phải đến các toà nhà, công trình để lắp đặt thử nghiệm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả các thành viên trong nhóm đều xác định đã dấn thân vào con đường nghiên cứu là phải chấm nhận rủi ro và hy sinh. Điều đáng mừng là sau khi đề tài được nghiệm thu, nhà trường đang lên kế hoạch phối hợp với một số đơn vị trong ngành để sản xuất và đưa sản phẩm này lắp đặt tại các đơn vị Công an cơ sở.
Do chưa được trang bị kịp thời các trang bị kỹ thuật chuyên dụng, hiện đại có thể hỗ trợ, thay thế người lính cứu hỏa trong những tình huống nghiệp vụ nguy hiểm nên trên thực tế, nhiều chiến sĩ Cảnh sát PCCC vẫn gặp phải nguy hiểm trong quá trình làm nhiệm vụ như bị mắc kẹt do sụp đổ công trình. Thực tế này thôi thúc các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học PCCC bắt tay thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo thử nghiệm robot chữa cháy cho công trình công nghiệp”.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xã Hội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, thành viên chủ chốt của nhóm đề tài chia sẻ: Mục tiêu mà nhóm nghiên cứu hướng đến khi thực hiện đề tài này là thiết kế, chế tạo được robot chữa cháy và ứng dụng thử nghiệm cho mô hình công trình công nghiệp có chiều cao đến 5 tầng. Robot sẽ mang ống dẫn nước lăng phun đến gần đám cháy để chữa đám cháy kho xăng dầu, kho hóa chất có phát sinh khí độc hại. Robot cũng có thể leo trên cầu thang từ tầng 1 đến tầng 5 với vận tốc di chuyển 0,4m/s. Robot hoạt động trong môi trường nhiệt độ từ 100 đến 200 độ C, khói bụi, khí độc và thời gian hoạt động trong môi trường đó tối thiểu là 1 giờ… Đặc biệt, để có thể vận chuyển robot chữa cháy đến khu vực cháy nổ cũng như điều khiển các hoạt động của robot, các thành viên của nhóm đề tài tính toán thiết kế xe chuyên dùng để vận chuyển robot, đồng thời trên thùng xe thiết kế hệ thống điều khiển trung tâm để điều khiển các hoạt động của robot chữa cháy…
Thường xuyên phải làm việc trong môi trường chứa nhiều hơi khí độc hại của các vụ cháy nổ, đã có nhiều chiến sĩ Cảnh sát PCCC bị nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng khi tham gia chữa cháy và cứu hộ do bị ngạt khí. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo nano carbon bằng plasma nhiệt và ứng dụng mặt nạ phòng độc” đang được triển khai nghiên cứu với kỳ vọng có thể giải quyết bài toán này.
Thiếu tá, Thạc sĩ Trần Văn Huỳnh, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy, hệ thống ngăn độc là tốt nhất. Tuy nhiên, đầu tư một hệ thống ngăn độc là rất phức tạp và tốn kém nên hiện nay các lực lượng cứu nạn cứu hộ, chữa cháy được trang bị rất hạn chế. Trong khi đó mặt nạ phòng độc là một thiết bị đơn giản nhưng đem lại hiệu quả trong nhiều trường hợp khi phải tiếp xúc với nguồn không khí ô nhiễm như cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn cứu hộ ở vòng ngoài khi mà lượng khói chưa quá lớn, giúp lực lượng chức năng hỗ trợ người bị nạn trong quá trình cứu nạn. Thị trường Việt Nam hiện tại có một số loại mặt nạ phòng độc, tuy nhiên các sản phẩm này là nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, nếu đề tài triển khai thành công sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, giúp lực lượng PCCC&CNCH có được công cụ bảo vệ an toàn khi làm nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có giá cả, chi phí phải chăng.
Thiếu tướng, TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết: PCCC&CNCH là một lĩnh vực có tính đặc thù cao, mang tính ứng dụng thành tựu của các khoa học khác nên lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc và có chiều sâu. Nhận thức được điều đó, Trường Đại học PCCC đã luôn quan tâm, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên dành nhiều tâm sức để đầu tư vào các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao; tạo nên sân chơi đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia, nhà trường đã thành lập nhiều CLB như “Nhóm nghiên cứu khoa học chuyên sâu”, “CLB những người yêu phương tiện PCCC&CNCH”...
Đặc biệt, để động viên phong trào nghiên cứu khoa học, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, nhà trường cũng đã dành một khoản kinh phí (tuy chưa nhiều) được trích từ quỹ đời sống để hỗ trợ, động viên những tác giả có đề tài, chuyên đề, sáng kiến mang tính thiết thực cao, có tính khả thi và ứng dụng được ngay trong công tác giảng dạy cũng như chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của công tác PCCC&CNCH là mang lại bình yên cho người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra. Vì vậy, nhà trường luôn xác định, việc đi sâu nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; khẳng định trình độ, khả năng của các nhà khoa học Việt Nam trên lĩnh vực PCCC&CNCH.