Bảo vệ thương hiệu Việt: Ý thức của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ nhiều phía

Thứ Hai, 26/04/2021, 08:47
Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu quan tâm bảo vệ thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, câu chuyện gạo ST25 đang bị 4 công ty ở Mỹ nộp hồ sơ đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm chân của DN Việt trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, câu chuyện thương hiệu sản phẩm của Việt Nam bị DN nước ngoài đăng ký mất là câu chuyện không mới, chúng ta đã có nhiều bài học cho việc này. Đơn cử như bài học của cà phê Trung Nguyên, bánh tráng Ba Cây Tre hay nước mắm Phú Quốc... bị nước ngoài đăng ký thương hiệu, sau đó phải trải qua quá trình đấu tranh pháp lý rất phức tạp, tốn nhiều tiền của. Với trường hợp sản phẩm bánh tráng Cây Tre của DN Thuận Phong ở Mỹ Tho từng bị một người Mỹ đăng ký thương hiệu bánh tráng Ba Cây Tre nhưng ở “Mỹ Thọ”. 

Giữa “Mỹ Tho” và “Mỹ Thọ” chỉ cách nhau một dấu nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của sản phẩm Việt Nam. Để rồi DN Thuận Phong đã tốn hàng trăm nghìn USD đi kiện cáo sau đó mới lấy lại được sở hữu thương hiệu bánh tráng Ba Cây Tre. Hay sự việc nước mắm Phú Quốc bị Thái Lan mượn tên, cà phê Trung Nguyên từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO... đã cho thấy một thực trạng nhức nhối về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho nông sản, hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ tài sản của mình. Ảnh minh họa

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, câu chuyện tương tự như chuyện gạo ST25 bị DN Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu không phải mới mà khá phổ biến trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các DN về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong kinh doanh thương mại quốc tế. Bài học cần rút ra là các DN khi có sản phẩm có giá trị, có thương hiệu tốt phải đi kèm với ý thức bảo vệ thương hiệu bằng cách bảo hộ pháp luật và nhận diện thương hiệu trên thị trường.

Theo ông Phú, thời gian qua, các DN Việt Nam đã có sự cố gắng và ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển và thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn có một số DN còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của thương hiệu nên chưa xây dựng chiến lược marketing 1 cách bài bản, trong đó có việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và DN của mình. Bên cạnh đó, có thể do hạn chế về nguồn lực như nhân lực và tài chính mà DN chưa thể tiến hành các thủ tục đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho các sản phẩm của mình trên 1 hoặc tất cả các thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, Chính phủ không thể làm thay DN được khi chúng ta có cả gần 800.000 DN, đa số là DN vừa và nhỏ với hàng trăm nghìn sản phẩm thì Chính phủ không thể đủ tiền để chi trả cho việc thuê luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ bản quyền sản phẩm cho các DN. Chính phủ chỉ có thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo hộ thương hiệu trên thị trường, cảnh báo nguy cơ nhãn hiệu sản phẩm bị xâm hại chứ không thể làm thay DN việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu. 

Thương hiệu là tài sản của DN thì DN phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ tài sản của mình. Do vậy, trường hợp của ông Hồ Quang Cua, tác giả của gạo ST 25, càng cần phải có sự liên kết. Ông Cua nên tính khả năng hợp tác, trao đổi khả năng ủy quyền cho các DN chuyên canh tác hoặc xuất khẩu gạo đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của mình nếu hạn chế về nguồn lực. Cũng vì vậy, chúng ta đã khuyến khích sự liên kết giữa các nhà trong sản xuất kinh doanh đầu tư trong thời gian qua theo hướng đơn vị nghiên cứu, phát minh, sản xuất thì chỉ nghiên cứu, sản xuất, bên thương mại chính là DN phát triển thị trường.

Trên thực tế, gạo ST 25 đã được chứng nhận gạo ngon nhất thế giới từ vài năm nay, nhưng gạo ST 25 chưa được công nhận là sản phẩm Thương hiệu quốc gia. Lý giải về điều này, ông Vũ Bá Phú cho rằng, quy chế thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia quy định việc xét công nhận một sản phẩm nào đó là Thương hiệu quốc gia thì phải tuân theo thủ tục hành chính. Tức là DN phải gửi hồ sơ tới Hội đồng Thương hiệu quốc gia, trải qua quá trình thẩm định theo quy định, sản phẩm đó sẽ được xem xét đạt hay chưa đạt các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia. Thực tế có rất nhiều DN có sản phẩm, có thương hiệu tốt, đã xuất khẩu đi nhiều thị trường, song chưa phải là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là vì các DN này chưa đăng kí đăng ký xét chọn sản phẩm của mình với Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Ở góc độ là một trong những cơ quan hỗ trợ các DN phát triển thương hiệu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ có rất nhiều chương trình như tập huấn, cung cấp chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho các DN như nâng cao nhận thức, hiểu biết về phương thức, quy trình để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho sản phẩm của mình. 

Trong hệ sinh thái của Bộ cũng giới thiệu các chuyên gia có năng lực liên quan đến việc đăng ký, bảo vệ, bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm của DN. Việc phòng và bảo vệ bao giờ cũng hiệu quả hơn việc giải quyết tranh chấp khi đã xảy ra. Tuy nhiên, với hệ thống tham tán thương mại rộng khắp trên thế giới, nếu xảy ra tranh chấp thì Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp với các tham tán thương mại của Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục cần thiết và giới thiệu các chuyên gia có năng lực để giúp tư vấn cho DN đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

"Trong sự việc của gạo ST 25, ngay sau đó chúng tôi đã liên hệ và giới thiệu cho ông Hồ Quang Cua một số chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để giúp ông Cua khẩn trương đăng ký và hoàn thành hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST 25 trên thị trường Hoa Kỳ với chính phủ Hoa Kỳ. Đồng thời, cung cấp những minh chứng, bằng chứng mình là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu gạo ST 25 chứ không phải những công ty kia để mong muốn đòi lại, hoặc được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ gạo ST 25 một cách hợp pháp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ liên hệ với Văn phòng đăng kí bảo hộ nhãn hiệu thương mại của Hoa Kỳ về vụ việc này", ông Phú cho biết.

Phan Đức
.
.
.